Trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh chụp bức thư tình của một ông cụ. Cháu gái đã tìm thấy thư sau khi cụ mất lúc dọn dẹp đồ đạc của người quá cố.
Đọc thư, nhiều dân mạng xúc động vì những tình cảm chân thành, mộc mạc của ông bà cách đây hàng chục năm.
"Gò Công 6/4/1960.
Chào em yêu. Thơ hồng anh bỏ bì xanh, mở ra đã thấy gửi em vài lời.
Em thương, anh viết thơ này vào một đêm trường thao thức. Giữa lúc thôn quê đang im lìm trong giấc ngủ say sưa. Riêng anh còn thức với ngọn đèn, anh nhớ tới em yêu.
Em, anh đã nhận được thư do bác Ba trao cho và được biết kì này em khỏe mạnh và tiếp tục đi học. Anh rất mừng. Về phần gia đình, nhất là các cô gửi lời thăm hỏi em rất nhiều, chúc em luôn khỏe mạnh.
Anh kỳ này cũng khỏe và den hơn trước nhiều. Chắc ít nữa em về khéo không nhận ra anh nữa đâu. Kỳ này, anh đã bắt đầu nghỉ hè rỗi rỗi, ít nữa anh lên thăm chú thím...".
Bức thư của ông gửi bà nhiều năm trước.
Đây là nội dung bức thư được viết cách đây 59 năm và được tìm thấy vào năm 2018.
Chủ nhân của bài đăng khoe về bức thư trên mạng xã hội là Đan Nhi, 21 tuổi, sinh viên năm 3 của Đại học Y TP Hồ Chí Minh.
"Em kiếm ra bức thư đó sau khi đưa ông ngoại đi, làm xong xuôi hết thủ tục. Em và mọi người tìm xem có sót lại cái gì không thì vô tình tìm được thư và hình hai ông bà chụp cùng nhau.
Lúc sinh thời, ông hoạt động cách mạng. Bà thì ở nhà nội trợ. Sau này khi giải phóng, ông về quê làm vườn.
Ngày xưa ông bà sống ở Nam Định. Ở làng thì chắc là để ý nhau, rồi cha mẹ giới thiệu và đến với nhau thôi", Đan Nhi chia sẻ.
Bình thường ông của Nhi rất nghiêm khắc. Chính vì vậy, khi tìm thấy bức thư với những lời lẽ đầy yêu thương, cả nhà cô đều bất ngờ.
"Có khi nào ông nói lời yêu thương gì đâu. Bà mất trước ông ba năm. Ngày xưa khi bà bệnh thì một tay ông tắm rửa nấu ăn, quán xuyến việc nhà cửa hết.
Khi bà mất, ông đang nhập viện vì ốm cũng về nhà. Lúc đó ông buồn lắm, nét mặt hiện rõ mồn một sự đau thương.
Lần cuối nhìn mặt bà, ông nói nhỏ, nghe không rõ lắm nhưng tớ mang máng nhớ là câu: An nghỉ em nhé. Lúc đó chuông nhà thờ giật nên em không nghe rõ nữa.
Khi tìm ra thư, ai cũng bất ngờ bảo sao ngày xưa ông bà mùi mẫn thế, tưởng đó giờ ông khô khan lắm cơ".
(Ảnh minh họa).
"Ngày xưa bà sống với con cháu. Khi cháu trai lớn, thành tài thì ông bà ở với nhau vì con cháu đi lấy chồng lấy vợ rồi. Khi ông bà bệnh nặng thì em với mẹ em và các mợ thay phiên lo cho ông bà.
Ông mất trúng ngày sinh nhật em. Hồi đó trước mấy ngày ông đã mệt, không muốn ăn và thở bằng oxi. Tuy nhiên hằng ngày ông vẫn cố nuốt đồ ăn như chờ con cháu về để nhìn mặt lần cuối.
Đợt đó em có tham gia khám bệnh cho người nghèo, người già neo đơn. Dự tính khám xong sẽ lên ăn sinh nhật với ông quay lại làm kỷ niệm. Khám xong lúc 1 giờ chiều. Tầm 4 giờ, mẹ gọi chạy lên xem ông thế nào. Em lên đến nơi thì ông đã trút hơi thở cuối cùng rồi", Nhi tâm sự.
Cô cháu gái tìm được bức thư của ông bà.