Hôm thứ hai (7/10), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho hay, tổ chức này đang phải chịu mức thâm hụt ngân sách khổng lồ lên tới 230 triệu USD và có thể phải đối mặt với tình trạng hết tiền vào… cuối tháng 10.
Trong một lá thư dự định gửi tới 37.000 nhân viên của Liên Hợp Quốc mà trang AP có được, ông Guterres chỉ ra, cần phải thực thi "các biện pháp đối phó tạm thời bổ sung", nhằm đảm bảo tiền lương và chế độ được chi trả.
"Các quốc gia thành viên chỉ trả 70% trong tổng số tiền cần thiết cho ngân sách vận hành thường xuyên của chúng ta trong năm 2019. Điều đó dẫn tới việc thiếu hụt ngân sách lên tới 230 triệu USD vào cuối tháng 9. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt các nguồn lực dự trữ vào cuối tháng này", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc viết trong lá thư.
Để có thể cắt giảm chi phí, ông Guterres đề cập tới một số biện pháp bao gồm hủy bỏ các hội nghị và cuộc họp, thu hẹp các dịch vụ trong khi hạn chế nhân viên chỉ tham dự các sự kiện thật sự cần thiết, cũng như triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Đầu năm nay, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các nước thành viên gia tăng đóng góp để giải quyết vấn đề thiếu hụt tiền mặt. Tuy nhiên, theo một quan chức giấu tên của Liên Hợp Quốc, đề nghị của ông Guterres đã bị từ chối.
"Trách nhiệm tối cao đối với tình trạng tài chính của chúng ta nằm ở các nước thành viên", vị Tổng thư ký nhấn mạnh.
Nếu loại trừ chi phí dành cho các chiến dịch gìn giữ hòa bình, ngân sách hoạt động của Liên Hợp Quốc cho năm tài khóa 2018 – 2019 gần đạt mức 5,4 tỷ USD; trong đó 22% đến từ đóng góp của Mỹ.
Được thành lập vào năm 1945, Liên Hợp Quốc là tổ chức liên chính phủ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, đạt được sự hợp tác quốc tế và là một trung tâm để hài hòa các hành động của các nước trên thế giới.
Từ 51 thành viên ban đầu giờ đây số lượng các thành viên của Liên Hợp Quốc đã lên tới 193 nước.