Lá sen giảm mỡ máu rất tốt nhưng uống bao nhiêu là đủ?

Ngọc Minh |

Lá sen thường được thu hái để làm trà hỗ trợ giảm mỡ máu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống nước lá sen với liều lượng ra sao để đạt hiệu quả.

Nội dung chính

  • Liều dùng lá sen an toàn, hiệu quả để giảm mỡ máu.
  • Lưu ý khi dùng lá sen.

Theo BS Chu Thị Dung, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3, trong Y học cổ truyền, lá sen có tên gọi là Hà diệp. Lá sen có vị đắng, tính bình, quy kinh Tâm, Tỳ và Can. Lá sen thường được sử dụng để thanh nhiệt, lợi thấp, giảm béo và trừ ứ. Đặc biệt, khi dùng để hạ mỡ máu, lá sen giúp điều chỉnh sự mất cân bằng của mỡ trong cơ thể, cải thiện chức năng của Can và Tỳ. Đồng thời uống nước lá sen còn giúp giảm các nguy cơ gây ra mỡ máu cao.

Mùa thu hái lá sen kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Thường sau khi hoa sen nở sẽ thu hái lá phơi khô được hà diệp. Hà diệp có mùi thơm nhẹ, vị hơi chát. Hà diệp tốt là những lá sen to, khô màu lục, không bị sâu, không bị thủng lấm chấm, không vụn nát.

Lá sen là vị thuốc được sử dụng từ rất lâu đời. Tuy nhiên, khi có thuốc tân dược thì lá sen thường không được để ý tới. Thời gian gần đây, người dân tìm mua lá sen uống với mong muốn giảm mỡ máu nên loại lá này được thu mua nhiều.

Bác sĩ Dung cho biết, lá sen lành tính. Tuy nhiên, để sử dụng lá sen có hiệu quả cần sử dụng đúng liều lượng. Theo đó, bạn có thể sử dụng khoảng 5-10 gram lá sen khô pha nước uống hàng ngày. Nếu sử dụng lá sen tươi, cần tăng liều lượng lên từ 15-20 gram. Tuy nhiên, không nên lạm dụng và sử dụng quá mức.

Lá sen giảm mỡ máu rất tốt nhưng uống bao nhiêu là đủ?- Ảnh 1.

Trà lá sen (ảnh minh họa).

Có uống nước lá sen hàng ngày được không? 

Hiện nay, khi biết tác dụng và hiệu quả của việc uống nước lá sen trong việc hạ mỡ máu, không ít người dùng loại nước này thay nước lọc. Bác sĩ Dung tư vấn, mọi người không nên dùng lâu dài và uống nước lá sen thay nước lọc.

“Việc uống nước lá sen thay nước lọc liên tục có thể gây mất cân bằng âm - dương, làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, dẫn đến lạnh bụng, tiêu chảy hoặc hạ huyết áp”, bác sĩ Dung nói.

Bác sĩ Dung cũng lưu ý thêm, việc sử dụng lá sen hãm trà uống cũng cần lưu ý một số trường hợp. Ví như người có tỳ vị hư hàn, người bị tiêu chảy do hàn, người đang mang thai nên thận trọng hoặc tránh sử dụng lá sen. Lá sen có tính mát, nếu dùng quá nhiều có thể làm lạnh tỳ vị, gây rối loạn tiêu hóa, đặc biệt ở những người có cơ địa yếu.

Ngoài ra, nước lá sen có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống đông máu hoặc thuốc điều trị tim mạch. Mọi người nên hỏi ý kiến của thầy thuốc để có sự tư vấn kỹ lưỡng nếu như muốn dùng lá sen.

“Lá sen có tác dụng hỗ trợ hạ mỡ máu và nhiều lợi ích khác trong Y học cổ truyền. Tuy nhiên, mọi người cần sử dụng đúng liều lượng, không nên lạm dụng và không nên thay thế hoàn toàn nước lọc bằng nước lá sen trong thời gian dài. Việc sử dụng nên được thực hiện dưới sự tư vấn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Dung lưu ý.

Khi sử dụng nếu thấy lá sen có hiệu tượng hỏng, mốc thì nên bỏ. Bảo quản lá sen ở những nơi khô, thoáng mát để có thể sử dụng được lâu dài.

Chuyên gia cũng lưu ý, hiệu quả của lá sen trong việc hạ mỡ máu có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng sức khỏe của từng người. Việc sử dụng lá sen như một biện pháp bổ trợ cho điều trị mỡ máu cao nên được thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, và không nên coi nó là phương pháp điều trị thay thế hoàn toàn cho các loại thuốc hoặc liệu pháp điều trị hiện đại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại