Tác giả bài viết là nhà văn Michael Stephen Fuchs, công dân mang 2 quốc tịch Mỹ và Anh, người đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Ông Fuchs là tác giả của loạt tiểu thuyết ăn khách ARISEN. Dưới đây là nội dung bài viết:
Tôi biết nước Anh là một quốc gia thân thiện – vì bản thân tôi là một người nhập cư và đã định cư ở Anh 12 năm. Phải thừa nhận rằng có thể tôi không phải là một người nhập cư điển hình. Tôi đến từ một đất nước giàu có khác (Mỹ), và được nước Anh tiếp nhận theo Chương trình nhập cư dành cho những người có tay nghề cao.
Nhưng tôi biết mình đã trải nghiệm những gì. Đó là sự thanh lịch, khiếu hài hước, và một loạt những đặc tính tốt đẹp khác của người Anh. Tôi cũng đã lang thang ở đây đủ lâu để được cấp hộ chiếu Anh, và thậm chí còn hát God Save the Queen (Quốc ca Anh) tại buổi lễ nhận quốc tịch Anh.
Có hai điểm quan trọng ở đây.
Thứ nhất, tôi đã phải mất công, mất tiền mới có được hộ chiếu Anh, mà lúc đó là hộ chiếu EU. Điều này có nghĩa là tôi có thể sống và làm việc tại bất kỳ nước nào trong số 28 quốc gia thành viên EU. Đây là một đặc ân tuyệt vời mà tôi đánh giá cao.
Thứ hai, việc bỏ phiếu về Brexit không hoàn toàn do vấn đề nhập cư, vì theo kinh nghiệm cá nhân tôi, người nhập cư làm cho nước Anh mạnh thêm. Khi sống ở Anh, tôi từng gặp cả nghìn người Séc, Litva, và đặc biệt là người Ba Lan, vui vẻ, làm việc chăm chỉ và tốt bụng. Rõ ràng tất cả những người này đã góp phần làm cho nước Anh trở nên lớn mạnh hơn.
Hàng trăm nghìn người nhập cư vào Anh mỗi năm.
Thế nhưng, tôi lại bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Vì sao ư?
Tôi suýt nữa đã không làm vậy. Do lợi ích cá nhân và quan điểm chính trị của tôi hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, tôi từng nghĩ mình sẽ bỏ phiếu trắng. Nhưng cuối cùng, tôi nhận ra rằng đây là một thời khắc lịch sử, và đó là nghĩa vụ mà tôi phải thực hiện - tôi đã quyết định bỏ phiếu theo lương tâm mách bảo.
Tôi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì EU là một thể chế phản dân chủ. Theo ước tính, từ 15% - 55% số văn bản pháp luật hiện hành ở Anh được thông qua bởi những quan chức vô danh, không được bầu chọn, và vô trách nhiệm ở Brussels (Bỉ - trụ sở EU).
Điều đó xảy ra, vì năm 1975, nước Anh đã bỏ phiếu để tham gia vào khối thương mại tự do, và không đưa ra những biện pháp phản đối hiệu quả khi EU trở thành một dự án chính trị và một siêu nhà nước cồng kềnh.
Tôi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì EU là một bộ máy vô ích. EU đã làm xáo trộn dòng tiền từ các nước giàu đổ sang các nước nghèo (cũng như dòng tiền quay trở lại các nước giàu), tự ý quyết định về những loại dự án cần phải được tài trợ mà chẳng mấy khi thèm tham khảo ý kiến người dân nước sở tại, hay các nước tài trợ.
Tôi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì tư cách thành viên EU đã "đốt" của người nộp thuế ở Anh 23 triệu Bảng mỗi ngày. Đó là còn chưa tính đến hàng tỉ Bảng mà các doanh nghiệp Anh phải tiêu phí để thực hiện những quy định lạ lùng của EU, chẳng hạn như quy định về độ cong của quả chuối, cấm bệnh nhân tiểu đường lái xe, hay cấm bán trứng theo hộp 12 quả.
Có thể hiểu vì sao Châu Âu là châu lục duy nhất trên thế giới có một nền kinh tế đang suy thoái. (Tôi cũng bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU để nước Anh có thể tự đàm phán các thỏa thuận thương mại với phần còn lại của thế giới.)
Tôi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì tất cả các nỗ lực của Anh nhằm thay đổi bất kỳ hoặc tất cả những điều đã đề cập ở trên, từ bên trong nội bộ EU, đã thất bại - và sẽ còn thất bại nếu Anh ở lại với EU.
Tôi bỏ phiếu ủng hộ Brexit vì tôi đánh giá cao tự do thương mại, tự do đầu tư và biên giới mở nhưng để có được những điều này thì cũng không cần phải dựa vào một siêu nhà nước phản dân chủ, trung ương tập quyền và tốn kém như EU.
Dù không hoàn toàn đồng tình với Nigel Farage (thủ lĩnh phe Brexit) hay những người Anh luôn muốn hạn chế người nhập cư, tôi vẫn bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU.
Vì nền dân chủ, vì một nền tài chính lành mạnh và vì chủ quyền của nước Anh... tôi đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit.
Giờ đây, tôi đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ tiếp theo tại châu Âu, và mong chờ một tương lai tươi sáng, thịnh vượng cho nước Anh, cũng như mong muốn có một mối quan hệ tuyệt vời với lục địa này – tương tự như mối quan hệ hiện nay giữa Thụy Sĩ và EU.