Giáo sư Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76 vào sáng ngày thứ Tư (14/3) tại nhà riêng ở Cambridge (Anh) trong niềm thương tiếc vô hạn của người thân, bạn bè, cộng đồng khoa học và hàng triệu người dân trên toàn thế giới.
Từng giành rất nhiều giải thưởng danh giá, Stephen Hawking được xem là một "huyền thoại sống" trong lĩnh vực vũ trụ học những năm tháng trước đó.
Tác giả của cuốn sách lừng danh "Lược sử thời gian" nổi tiếng nhất với các nghiên cứu vật lý về lỗ đen và thuyết tương đối, đã giúp thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và nghiên cứu về vũ trụ.
Tuy nhiên, có không ít người thắc mắc là tại sao một thiên tài xuất sắc như Hawking lại chưa được trao giải Nobel danh giá.
Là một trong những nhà khoa học có vai trò tiên phong với rất nhiều thành tựu cùng công trình nghiên cứu đồ sộ, nhưng Stephen lại chưa từng giành giải Nobel Vật lý trong suốt cuộc đời của ông.
Nguyên nhân bất ngờ
Một lý do khá thuyết phục về việc Stephen Hawking chưa từng đạt giải Nobel trong lĩnh vực vật lý vì hầu hết các nghiên cứu của ông đều có tính chất suy đoán và rất khó kiểm chứng bằng thực nghiệm.
Để giành được giải Nobel, các nghiên cứu của khoa học lý thuyết phải được khẳng định rõ ràng bằng các dữ liệu quan sát.
Tuy nhiên, việc quan sát về lỗ đen – thứ vốn được coi là kỳ dị trong thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein, thì quả thực rất khó khăn.
Trên thực tế, phải mất hàng thập kỷ để xây dựng các thiết bị khoa học có thể kiểm tra và khám phá lý thuyết dựa trên các bối cảnh cụ thể.
Sean Carroll, nhà vật lý tại Viện Công nghệ California, Mỹ giải thích nguyên nhân Hawking không được giải Nobel rằng:
"Giải thưởng Nobel không phải được trao cho người thông minh nhất hay có những đóng góp lớn nhất cho khoa học. Nó được trao cho những phát hiện. Nhưng lý thuyết xuất sắc của Hawking vẫn chưa được kiểm nghiệm và đó là lý do ông ấy không đoạt giải thưởng này".
Phần lớn nghiên cứu của Stephen Hawking chưa được trao giải Nobel vì khó chứng minh thực nghiệm. Ảnh minh họa
Cụ thể, lý thuyết của Einstein về sóng hấp dẫn trong không gian đề xuất lần đầu vào những năm 1920, nhưng mới được chứng minh thực nghiệm vào năm 2016.
Vào đầu những năm 1970, Stephen Hawking bắt đầu nghiên cứu những điều mà vật lý lượng tử có thể tiết lộ về chân trời sự kiện, hay ranh giới bao bọc xung quanh các lỗ đen mà ánh sáng cũng không thể thoát ra được.
Một trong những phát hiện gây chấn động cộng đồng khoa học của giáo sư Hawking là "bức xạ Hawking".
Theo đó, lý thuyết này cho rằng các lỗ đen không thật sự là màu đen, nhưng có thể phát ra bức xạ một cách chậm rãi khiến chúng dần thu nhỏ lại và biến mất.
Không những vậy, bức xạ Hawking còn xóa mất các thông tin từ vũ trụ và gây nên mâu thuẫn với một số nguyên lý cơ bản về thuyết lượng tử.
Ngoài ra, việc thiết lập công nghệ để quan sát bức xạ Hawking sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn rất nhiều tiền để có thể kiểm chứng được lý thuyết nổi tiếng của ông.
Hụt giải Nobel 2016
Hầu hết phần lớn công trình nghiên cứu của Stephen chưa được trao giải Nobel vì tính chất suy đoán và khó kiểm chứng bằng thực nghiệm.
Tuy nhiên, vào năm 2016 một số người cho rằng Stephen Hawking sẽ giành giải Nobel khi Jeff Steinhauer, nhà Vật lý tại Viện Công nghệ Israel ở Haifa tuyên bố ông đã tìm được bằng chứng thuyết phục về "bức xạ Hawking".
Bức xạ này không phải ở một lỗ đen thật nhưng xuất hiện ở trong môi trường tương tự được tạo ra từ các nguyên tử cực lạnh trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng những kết quả này chưa thuyết phục và nhiều người nhận định không chắc điều tương tự có thể xảy ra ở lỗ đen thật.
Có lẽ vì vậy mà nhà vật lý tài ba Stephen Hawking lại để hụt giải Nobel danh giá vào năm 2016.
Stephen Hawking là thiên tài vật lý hiếm có của thế kỷ 21. Ảnh: BBC
Chưa từng đạt giải Nobel trong suốt cuộc đời nỗ lực không ngừng nghỉ về vũ trụ học, nhưng Stephen Hawking luôn là thiên tài có ảnh hưởng sâu sắc tới giới khoa học, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu, và hàng triệu người dân trên khắp thế giới.
Có lẽ trong lòng những người yêu mến Stephen Hawking, thì cuộc đời và những cống hiến vĩ đại của ông thậm chí còn lớn hơn giải thưởng Nobel rất nhiều.
Cảm nhận về Stephen Hawking, nhà vật lý lý thuyết Raphael Bousso, đồng thời là một cựu sinh viên của ông ở ĐH Cambridge, chia sẻ:
"Thầy của tôi là một nhà vật lý tài giỏi và cũng xuất sắc trong việc truyền tải khoa học đến với công chúng. Đây là hai kỹ năng khác biệt và Stephen lại đều xuất sắc cả".
Không chỉ đấu tranh ngoan cường với căn bệnh hiểm nghèo trong suốt hơn 50 năm, Hawking còn trở thành một ngôi sao sáng nhất trên bầu trời khoa học của thế kỷ 21.
Rất nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ cảm xúc khi thế giới vừa mất đi một thiên tài vật lý vĩ đại như Stephen Hawking và mong ông ra đi thanh thản.
Bài viết tham khảo các Nguồn: Time, Nature, News.com.auf