Cairo rõ ràng có dụng ý sau động thái trên. Sau nhiều thập kỷ, vũ khí Nga đang có cơ hội một lần nữa hiện diện tại quốc gia Bắc Phi này.
Quay lại với đối tác truyền thống
Trong lịch sử, Ai Cập là quốc gia rất quan tâm tới lực lượng Không quân. Điều này có liên quan tới tới các "đối tác" như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Saudi Arabia.
Trong giai đoạn những năm 1950-1970, Không quân quốc gia Bắc Phi này được trang bị hiện đại nhờ trang bị hàng không quân sự chuyển giao từ Liên Xô. Điều này chỉ bị đóng băng từ thời Tổng thống Anwar Sadat với chiến lược xoay trục sang Mỹ và phương Tây.
Với chiến lược này, Ai Cập tiếp tục nhận nhiều trang bị hiện đại mới theo chuẩn NATO, dù các trang bị sẵn có nguồn gốc Liên Xô vẫn được sử dụng.
Ai Cập và Nga chỉ nối lại hợp tác quân sự từ đầu những năm 2000 với các hợp đồng mua sắm các tổ hợp tên lửa phòng không mới. Hợp tác hai bên chỉ thực sự được đẩy mạnh sau biến cố Mùa xuân Ả rập năm 2010. Với biến cố trên, Ai Cập và Nga đã có hàng loạt hợp đồng quân sự lớn, đáng chú ý.
Sau thời gian dài phụ thuộc vào nguồn vũ khí Mỹ và phương Tây, Ai Cập vài năm qua đã chuyển hướng sang vũ khí Nga.
Điều đáng chú ý là Ai Cập quyết định mua sắm vũ khí của Nga trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đang thắt chặt các lệnh trừng phạt chống lại Moscow. Ai Cập dường như không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt này do vị thế đặc biệt tại Trung Đông và Bắc Phi.
Không khó để thấy từ năm 2010 tới nay, Ai Cập đã chi hàng tỷ USD cho các hợp đồng mua trực thăng tấn công Ka-52K, tiêm kích MiG-29M2… Cùng với đó, gần đây, giới chức quân sự quốc gia Bắc Phi này còn chú ý tới Su-35S, dòng máy bay chiến đấu tân tiến nhất của Nga hiện nay.
Ngoài ra, việc Ai Cập xoay trục lại nguồn vũ khí truyền thống từ Nga còn liên quan tới việc Tổng thống Abdul-Fattah Al-Sisi phản ứng lại việc Mỹ và phương Tây ủng hộ phong trào Huynh đệ Hồi giáo và cựu tổng thống đã bị lật đổ Hosni Mubarak.
Không chỉ chú ý tới không quân, Quân đội Ai Cập trong vài năm qua còn đặt mua thêm những tổ hợp vũ khí phòng không hiện đại như Buk-M2E, S-300VM Antey-2500 và nhiều trang bị quân sự lục quân khác.
S-35 là sự lựa chọn hợp lý của Ai Cập
Dù đã trang bị các phương tiện phòng không và không quân hiện đại từ Nga như tổ hợp tên lửa S-300VM, Buk-M2E hay máy bay tiêm kích Mig-29M2, nhưng việc Ai Cập đặt mua Su-35S là vấn đề hoàn toàn khác.
Xét về mặt kỹ thuật, Su-35S có dải nhiệm vụ và vai trò khác hoàn toàn so với MiG-29M2. Nó đóng vai trò như máy bay tiêm kích hạng nặng đa năng đáp ứng khả năng tác chiến tầm xa với các tính năng hiện đại.
Su-35S đủ khả năng giúp Ai Cập duy trì vị thế ở Bắc Phi và Trung Đông. |
Về nhiều yếu tố, Su-35S thậm chí còn được đánh giá cao hơn biến thể mới nhất của F-15 là F15SE được Saudi Arabia hay máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Israel.
Với tiêm kích Su-35S, Không quân Ai Cập tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu tại khu vực Cận Đông. Ngoài ra, việc Ai Cập mua Su-35 cũng tạo sức ép buộc Washington phải nhượng bộ Cairo trong nhiều vấn đề khác, trong đó có việc chuyển giao các công nghệ quân sự hiện đại.
Hiện tại, Không quân Ai Cập đang duy trì quy mô lực lượng khoảng 300 máy bay chiến đấu và sẽ tiếp tục cần nâng cấp trong tương lai. Su-35S rõ ràng đang rất có tương lai tại quốc gia Bắc Phi này.
Giới chuyên gia đánh giá, lô Su-35S Ai Cập vừa đặt mua sẽ không phải là con số cuối cùng, Không quân quốc gia Bắc Phi này sẽ cần tới ít nhất 150 máy bay mới từ Nga, trong đó có không ít là Su-35S.
Với Ai Cập, Nga cũng đã chắc tay với 3 khách hàng đặt mua Su-35 cùng với Trung Quốc, Indonesia. Nhiều khả năng trong tương lai, các khách hàng tiếp theo sẽ là Algeria, Iran, Ấn Độ và Pakistan.