"Là đàn ông, phải biết chịu đựng", "Tôi có cảm giác đang sống như một người hầu": Lời cầu cứu từ những đấng mày râu mắc kẹt trong bạo lực gia đình vì không biết kêu ai

Nguyễn Phượng |

"Ngay cả khi cầu cứu, tôi chỉ nhận được phản hồi như 'Anh là đàn ông, phải chịu đựng'. Không ai hiểu tôi, tôi thì nghĩ chỉ cần chịu đựng, gia đình sẽ hạnh phúc", một nạn nhân bị vợ bạo hành tâm sự.

"Tôi sống như một người hầu"

Tami Weissenberg - một người đàn ông Đức gây ấn tượng bởi thân hình vạm vỡ, chiều cao đáng ngưỡng mộ và phong thái luôn điềm tĩnh. Ít ai biết được rằng, anh là nạn nhân của bạo lực gia đình trong suốt 6 năm qua.

"Nam giới có thể là chỗ dựa cho phụ nữ". Đó là suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu khi anh gặp bạn gái của mình. Cô kể cho anh nghe về quá khứ bị bạn trai trước đó đánh đập thế nào. Cô nói điều đó khiến bản thân không biết hạnh phúc là gì.

Tami rất xúc động, anh hy vọng có thể giúp cô vượt qua nỗi đau ấy và muốn chứng minh không phải mọi đàn ông trên thế giới đều giống nhau.

"Là đàn ông, phải biết chịu đựng", "Tôi có cảm giác đang sống như một người hầu": Lời cầu cứu từ những đấng mày râu mắc kẹt trong bạo lực gia đình vì không biết kêu ai- Ảnh 1.

Tami Weissenberg chấp nhận chịu đựng bị bạn gái bạo hành suốt 6 năm vì quá lệ thuộc tình cảm

Thế là, Tami và bạn gái dọn đến một căn hộ chung sống với nhau. Anh ủng hộ cô cả về tình cảm và tài chính. Khi họ ngày càng thân thiết hơn, giống như hoàn toàn phụ thuộc vào nhau. Ít ai ngờ, đây cũng là lúc những điều tồi tệ bắt đầu với Tami.

"Khi chúng tôi đi du lịch, cô ấy phàn nàn về việc phòng khách sạn không như kỳ vọng, muốn tôi phản ánh với quản lý 'chỗ này như bãi rác'. Tôi đã từ chối và nghĩ rằng không nên dùng từ ngữ thậm tệ. Tôi đi trước, lên xe. Sau đó, cô ấy bước vào xe và tát, la hét vào mặt tôi", anh nhớ lại.

Bạn gái cố gắng giải thích tuổi thơ và quá khứ đầy khó khăn khiến cô hành động bột phát. Đó là tuổi thơ không có tình yêu, vô cảm. Tami đã tin và bỏ qua.

"Tôi cảm thấy mình đang sống như một người hầu, luôn phải nhịn xuống để mọi việc ổn thỏa", anh nói. Ưu tiên hàng đầu của Tami là làm hài lòng bạn gái, tuân theo mọi quy tắc cô đưa ra.

Có những quy tắc khiến cuộc sống của anh là sự phục tùng như ăn trái cây nào, cách gọt ra sao. "Nếu tôi làm khác đi, tôi sẽ bị đánh, đánh vào đầu, vào mặt hay bất kỳ nơi nào. Tôi chỉ có một lựa chọn là làm hài lòng cô ấy hoặc sẽ gặp rắc rối", anh tâm sự.

Nhưng điều đó không thể khiến mối quan hệ của Tami bình yên. Mong muốn của bạn gái ngày càng cực đoan, kèm theo tần suất bạo lực nhiều hơn.

Cuối cùng, Tami Weissenberg phải vào phòng cấp cứu với những vết cứa và bị gãy xương. Những phụ thuộc vào tình cảm khiến anh luôn tự bào chữa cho hành động của bạn gái và không đánh trả. Anh hy vọng cô sẽ nhận ra lỗi lầm của mình.

Sự kiểm soát ngày càng lớn khi bất kỳ mối quan hệ xã hội, thậm chí gia đình của Tami cũng bị bạn gái tra hỏi. Anh không được gặp gỡ bạn khác giới, thu hẹp khoảng cách với người thân.

Tami kể rằng những trận đòn anh phải hứng chịu chưa phải điều kinh khủng nhất. "Cô ấy từng đứng trước mặt tôi trong trạng thái khỏa thân, tự tra tấn bản thân mình và hét lên đau đớn. Khi tôi đang bần thần chưa hiểu chuyện gì thì cô ấy dừng lại, mặc quần áo và rút ra một chiếc máy ghi âm bỏ túi".

Hóa ra, đó là chiêu trò buộc Tami giữ kín hành vi bạo lực của cô. Chàng trai cảm thấy hoàn toàn tê liệt: "Tôi rất hoảng loạn, không dám vượt quá giới hạn. Tôi sợ mất thể diện ngoài xã hội, mất việc làm, bị coi là kẻ bạo hành gia đình".

Sau 6 năm, anh đã quyết định chạy trốn khỏi mối quan hệ độc hại. Tami thành lập nhóm xã hội với tên gọi "Weissenberg", chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho nam giới bị bạo hành gia đình. Anh cũng tìm thấy nửa kia lý tưởng để đồng hành cùng mình. Đặc biệt, Tami không hề cắt đứt liên hệ với bạn gái cũ hay lên tiếng chỉ trích cô.

"Là đàn ông, phải biết chịu đựng", "Tôi có cảm giác đang sống như một người hầu": Lời cầu cứu từ những đấng mày râu mắc kẹt trong bạo lực gia đình vì không biết kêu ai- Ảnh 2.

Tami có cảm giác mình giống như người hầu vì luôn phải phục tùng bạn gái

Câu chuyện của Tami tương tự nhiều nam giới khác ở Đức và các nước trên thế giới. Theo DW, thống kê tại quốc gia này cho thấy mỗi năm, có khoảng 26.000 đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình. Số liệu chính thức cũng ghi nhận 20% nạn nhân của các vụ bạo hành là nam giới.

Thống kê tại Mỹ cho thấy, cứ 4 đàn ông thì một người phải chịu một số hình thức bạo lực gia đình. Mỗi năm, khoảng 699.000 đàn ông bị người bạn gái hoặc vợ bạo lực thể xác. Nạn nhân nam thường ít trình báo bạo lực, khiến việc xác định quy mô thực sự của vấn đề trở nên khó khăn.

Tại Nhật Bản, Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật (NPA), số lượng đàn ông xin tư vấn về việc bị bạo hành gia đình đang tăng lên. Năm 2013, NPA ghi nhận 3.281 cuộc gọi xin tư vấn và con số này tăng gấp 8 lần sau 10 năm, lên 26.175 vụ năm 2023, nhờ nhận thức về bạo hành gia đình với nam giới tăng lên.

Năm 2021, đàn ông Hàn Quốc chiếm 17,2% trong tổng số người liên lạc tới các cơ sở tạm lánh cho những nam giới bị bạo hành tình dục và bạo lực gia đình. Trước đó, vào năm 2020, tỷ lệ này là 11,5%. Giữa năm 2022, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc lên kế hoạch thiết lập nhà tạm lánh cho những người đàn ông là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình và bạo hành tình dục. Đây là bước đi đầu của Chính phủ Hàn Quốc để đối phó với tình trạng số lượng nam giới chịu cảnh bạo hành tình dục và bạo lực gia đình gia tăng.

Lối thoát nào cho các đấng mày râu

Khảo sát do Hakucho no Mori (Rừng Thiên nga), hiệp hội hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành gia đình ở tỉnh Tokushima, phía tây Nhật Bản, thực hiện hồi cuối tháng 4/2024 với 20 đàn ông trong độ tuổi 20-50 cho thấy định kiến lâu nay rằng bạo hành gia đình "chỉ xảy ra với phụ nữ" và "đàn ông vốn dĩ mạnh hơn phụ nữ" đang đẩy các nạn nhân là nam giới vào chân tường.

Theo khảo sát, các ông chồng cho hay, hành vi bạo hành thể xác mà người vợ gây ra với mình gồm đánh đập, bỏ thuốc nhuận tràng vào đồ ăn, chĩa dao làm bếp vào chồng, dùng đũa đâm vào người chồng, ngược đãi con riêng của chồng hay cho chồng ăn đồ ôi thiu.

Đối tượng được khảo sát là những người từng tìm đến dịch vụ tư vấn về bạo hành gia đình. Khảo sát được tiến hành trong khuôn khổ "dự án hỗ trợ mạng lưới bảo vệ nạn nhân bạo hành gia đình" của tỉnh Tokushima.

"Là đàn ông, phải biết chịu đựng", "Tôi có cảm giác đang sống như một người hầu": Lời cầu cứu từ những đấng mày râu mắc kẹt trong bạo lực gia đình vì không biết kêu ai- Ảnh 3.

Đàn ông bị bạo hành cả thể xác và tâm lý

Các ông chồng tham gia khảo sát cho biết ngoài những hành vi bạo lực, họ còn bị bạo hành tâm lý như "để xác gián và rết trong phòng ngủ, lối ra vào" hay không cho ngủ.

Một nạn nhân cho hay từng bị vợ nói là "kẻ vô dụng" khi ông đi làm tới đêm mới về. Người này cũng thường xuyên bị vợ "lên lớp" trong thời gian dài.

Một người khác cho biết mình bị bạo hành về kinh tế khi vợ giữ hết tiền lương và áp đặt lối sống cho chồng. Tất cả những người khảo sát cho hay cảm thấy mạng sống đang gặp nguy hiểm.

Mayo Clinic cho hay không phải lúc nào đàn ông cũng biết mình đang bị lạm dụng hoặc bạo hành gia đình. Các chuyên gia chỉ ra những dấu hiệu gồm: Bị xúc phạm, hạ thấp; ngăn cấm bạn đi làm, đi học; không cho gặp các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè, các mối quan hệ xã hội khác; kiểm soát tài chính, đi đâu, làm gì, mặc gì; có hành vi ghen tuông hoặc chiếm hữu, liên tục buộc tội bạn là người không chung thủy; nổi giận khi uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích.

Họ cũng có thể đe dọa bạn bằng bạo lực, vũ khí; đánh, đá, xô, xát, bóp cổ hoặc làm tổn thương bạn, con bạn, vật nuôi; ép buộc quan hệ tình dục hoặc thực hiện các hành vi tình dục trái với ý muốn; đổ lỗi và cho rằng bạn xứng đáng phải nhận những điều này.

Một số người thậm chí còn đe dọa bạn bè, gia đình, đồng nghiệp của bạn bằng những thông tin về xu hướng tình dục hay bản dạng giới. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như trên, bạn cần liên hệ ngay với những tổ chức phòng chống bạo lực gia đình để được hỗ trợ.

"Ảnh hưởng của nạn nhân bị bạo hành gia đình không liên quan tới một giới tính cụ thể, không có sự khác biệt giữa nam và nữ về kiểu bị bạo hành", ông Toshiko Noguchi, giám đốc hiệp hội Hakucho no Mori, nói.

Ông Toshiko Noguchi cũng cho rằng, những con số thống kê chỉ là "phần nổi của tảng băng", bởi nhiều người chồng ngần ngại không dám xin giúp đỡ, vì quan niệm lâu nay của xã hội cho rằng chỉ có phụ nữ mới là nạn nhân của bạo hành gia đình.

"Là đàn ông, phải biết chịu đựng", "Tôi có cảm giác đang sống như một người hầu": Lời cầu cứu từ những đấng mày râu mắc kẹt trong bạo lực gia đình vì không biết kêu ai- Ảnh 4.

Đàn ông bị bạo hành không biết kêu ai

Mặt khác, nhiều ông chồng khó giãi bày tình cảnh của mình bởi các tổ chức tư vấn ở địa phương thường mang tên "trung tâm hỗ trợ phụ nữ", "ban tư vấn phụ nữ và trẻ em".

Một nạn nhân cho hay anh bỏ suy nghĩ đến tư vấn vì "đây không phải nơi thích hợp cho mình đến với tư cách là đàn ông".

Ngoài ra, nhiều người không dám đến xin tư vấn vì xấu hổ do quan niệm giới tính "thật đáng xấu hổ khi đàn ông bị phụ nữ bạo hành. Là đàn ông, ta phải cứng rắn".

Một người đàn ông trong độ tuổi 30 cho hay mãi tới khi nhờ hiệp hội tư vấn, anh mới nhận ra mình là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nhờ luật sư can thiệp, anh đã ly hôn và đang hưởng thụ cuộc sống yên bình. Nhưng sau vài năm, anh vẫn run rẩy khi nhớ về những hành vi bạo hành của vợ cũ.

"Ngay cả khi cầu cứu, tôi chỉ nhận được phản hồi như 'Anh là đàn ông, phải chịu đựng'. Không ai hiểu tôi, tôi thì nghĩ chỉ cần chịu đựng, gia đình sẽ hạnh phúc", anh tâm sự.

Theo Mainichi, DW

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại