Đoạn cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn chạy qua tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Thiên Sơn
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, "đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch, được đánh giá có quy mô, phạm và sức ảnh hưởng lớn trong 37 quy hoạch chuyên ngành quốc gia của cả nước".
Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên các quy hoạch chuyên ngành GTVT được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức, từng hành lang vận tải chính, đảm bảo tính hệ thống, kết nối đồng bộ giữa các chuyên ngành.
41 tuyến cao tốc đường bộ chạy khắp đất nước
Tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang chạy qua một nút giao TP Bắc Ninh. Ảnh: Thiên Sơn
Theo bản quy hoạch này thì mạng lưới đường bộ cao tốc tầm nhìn đến năm 2050 được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km.
Trong đó trục dọc Bắc - Nam sẽ có các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe.
Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây từ thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đến thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, chiều dài khoảng 1.205 Km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe.
Riêng khu vực phía Bắc, gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe; khu vực miền Trung và Tây Nguyên, gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe; khu vực phía Nam, gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe.
Khung cảnh trên tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ảnh: Thiên Sơn
Trong tổng hơn 9.000km cao tốc, Bộ Giao thông quy hoạch vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chiếm hơn 700k.
Với vành đai đô thị Hà Nội, Quy hoạch phân ra gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 429 km (không bao gồm các đoạn đi trùng các tuyến cao tốc khác), quy mô 6 làn xe.
Vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 291 km, quy mô 8 làn xe...
Gần 30.000 km quốc lộ chạy tới thôn bản, vùng sâu, vùng xa.
Với bản quy hoạch này, Bộ Giao thông cũng thiết kế mạng lưới đường quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km.
Trong đó, trục dọc Bắc - Nam bao gồm Quốc lộ 1: Từ Cửa khẩu Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đến huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chiều dài khoảng 2.482 km, đạt tiêu chuẩn cấp III, 4 làn xe.
Đường Hồ Chí Minh: Từ Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đến Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chiều dài khoảng 1.762 km, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III, 2 - 4 làn xe.
Riêng khu vực phía Bắc chiếm phần lớn với 21 tuyến, chiều dài khoảng 6.954 km, quy mô tối thiểu cấp III, 2 đến 6 làn xe, một số đoạn tuyến qua khu vực địa hình khó khăn quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.
Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hiện có 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Ảnh: Thiên Sơn
Đứng thứ 2 là khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 24 tuyến, chiều dài khoảng 4.407 km, quy mô tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe, một số đoạn tuyến qua khu vực địa hình khó khăn quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe (Chi tiết tại Phụ lục II, mục 4).
Khu vực phía Nam với 17 tuyến, chiều dài khoảng 2.426 km, quy mô tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe, một số tuyến có lưu lượng vận tải lớn quy mô cấp III, 4 đến 6 làn xe....
Cần 900.000 tỷ đồng để xây cao tốc, quốc lộ
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông, với quy hoạch trên, để "phủ sóng" các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ và đường bộ khắp cả nước thì từ nay đến năm 2030 dự kiến nhu cầu vốn khoảng 900.000 tỷ đồng (xấp xỉ 40 tỷ USD) Nguồn vốn này được Bộ dự kiến huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ngoài ra, Bộ Giao thông cũng xác định các tuyến cao tốc được ưu tiên từ nay đến năm 2030 để tập trung phân bổ, đầu tư gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; các tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Bản đồ Quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các Quốc lộ chính yếu có tính chất kết nối quốc tế, kết nối liên vùng.
Lý giải về việc tính toán, lựa chọn, quy mô của bản quy hoạch trên, đại diện Bộ Giao thông cho viết, "quy hoạch này được tính toán theo nhu cầu dự báo, tuy nhiên trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng nguồn lực đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư bảo đảm hiệu quả dự án".
Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, Bộ Giao thông cho biết, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, có thể báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Riêng với các tuyến đường Vành đai Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các đoạn tuyến cao tốc qua đô thị, tùy theo yêu cầu phát triển đô thị sẽ xem xét quyết định phương án xây dựng cầu cạn hoặc đường thông thường.