Kể từ đầu tháng 2, không khí chiến tranh sôi sục bao trùm lên toàn bộ tỉnh Idlib và Aleppo. Được sự hậu thuẫn của không quân Nga, quân đội Syria đã mở cuộc tấn công vào Idlib và Aleppo. Ngày 17/2/2020, quân đội Syria đã giành được thắng lợi to lớn, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Aleppo, thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Damascus.
Trong chiến dịch quân sự này, quân đội Syria không chỉ giải phóng các khu vực phía Tây thành phố khỏi phiến quân, mà đây là lần đầu tiên kể từ khi bùng nổ xung đột năm 2011, Aleppo nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của chính phủ Damascus.
Một trong những thắng lợi quan trọng nhất của quân đội Syria là khai thông hai con đường cao tốc M4 và M5 nối Aleppo với Damascus chạy qua tỉnh Idlib sau khi tiêu diệt nhiều nhóm khủng bố vũ trang, giải phóng hàng chục thị trấn và làng mạc ở Idlib, trong đó có ba thành phố lớn Khan Sheikhoun, Ma`rat Al-Numan, Seraqeb.
Lần đầu tiên, sân bay quốc tế Aleppo được mở cửa trở lại và nối lại các chuyến bay sang Cairo. Việc kiểm soát thành phố Aleppo mở ra cơ hội mới cho quân đội Syria giải phóng hoàn toàn Idlib khỏi những kẻ khủng bố.
Chiến dịch quân sự của Damascus đang gây nên sự phản ứng mạnh mẽ và tức giận của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa nhiều đơn vị quân sự sang miền Bắc Syria để tăng cường sự có mặt của mình ở khu vực này để hỗ trợ cho các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria.
Mới đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ điều thêm vào Idlib 70 xe tăng, 200 xe bọc thép, 80 đại bác và nhiều tên lửa đất đối không. Phần lớn các vũ khí này đã được giao cho tổ chức Hayat Tahrir Al-Sham (Mặt trận Al-Nusra khủng bố trước đây), quân đội Syria tự do (FSA) và các tổ chức Hồi giáo khác thân Ankara.
Theo Bộ Quốc phòng Syria và Nga, quân chính phủ Syria buộc phải mở cuộc tấn công là do Thổ Nhĩ Kỳ không những không thực hiện cam kết của mình trong Thoả thuận Sochi tháng 9/2018 và tháng 10/2019 về việc thành lập an toàn khu tại Idlib và tách các tổ chức khủng bố ra khỏi các lực lượng đối lập ôn hoà, mà còn ủng hộ các tổ chức Hồi giáo cực đoan, khủng bố đang cố thủ tại khu vực này.
Ý nghĩa chiến lược của Idlib
Idlib là một tỉnh nằm ở Tây-Bắc Syria có dân số khoảng 3,5 triệu người. Thủ phủ Idlib có khoảng 100 ngàn dân. Nằm cách thủ đô 365 km, cách Latakia, nơi đặt căn cứ Không quân H’meimim và Hải quân của Nga 168 km và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 25 km, Idlib có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với cả Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếm được Idlib có thể kiểm soát được cả một vùng Tây-Bắc rộng lớn của Syria.
Idlib rất quan trọng về mặt chiến lược đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi khu vực này là khu vực ảnh hưởng của họ vì có các lực lượng người Kurd thân đảng Công nhân PKK đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bản đồ minh họa. Nguồn: NPR
Do tầm quan trọng chiến lược to lớn của nó, ngay từ khi bùng nổ phong trào chống chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad năm 2011, các lực lượng đối lập đã chiếm giữ Idlib. Trước đây, quân đội Syria đã mở nhiều cuộc tấn công, nhưng vẫn không lấy lại được Idlib.
Hiện nay, tại Idlib có khoảng 20-30 ngàn quân nổi dậy thuộc phe đối lập có vũ trang, trong đó có một số tổ chức khủng bố như Hayat Tahrir Al-Sham (Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS) và quân đội Syria tự do.
Đây là thành trì cuối cùng của phe đối lập, chính quyền Syria quyết mở chiến dịch quân sự lớn để hoàn thành giải phóng hoàn toàn đất nước.
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở nhiều chiến dich quân sự: Lá chắn Euphrates 3/2017, Cành Ô liu 1/2018, Mùa Xuân hoà bình 10/2019 và mới đây, tháng 1/2020 đã điều thêm quân để củng cố các vị trí của mình ở Tây-Bắc Syria, nhằm tăng cường kiểm soát của mình đối với các lực lượng người Kurd và hỗ trợ các tổ chức thân Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga lại căng thẳng
Gần đây quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng, có thể nói là nghiêm trọng nhất kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc máy bay Su-24M của Nga năm 2015.
Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng căng thẳng này giống nhau. Quan điểm của Moskva và Ankara hoàn toàn khác nhau trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria, cụ thể gần đây nhất là xung quanh tình hình ở Idlib.
Chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad, với sự hỗ trợ của Moskva hạ quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tàn dư của các tổ chức khủng bố Hồi giáo đang cố thủ tại Idlib, còn Ankara thì tìm cách ngăn chặn, thậm chí đe dọa dùng vũ lực chống lại Damascus.
Quân Thổ Nhĩ Kỳ đã khai hoả nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria. Quân Syria đã đáp trả mạnh mẽ, phá huỷ nhiều vũ khí và làm 13 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng. Các cuộc đàm thoại giữa Tổng thống V. Putin và R. Erdogan ngày 5/2/2020 đã không làm dịu được tình hình, Syria vẫn tiếp tục tấn công. Moskva và Ankara cáo buộc lẫn nhau vi phạm các thỏa thuận.
Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ năm 2015 khi hai nước mâu thuẫn với nhau trong cuộc xung đột Syria. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập, bao gồm cả các tổ chức Hồi giáo, Nga ủng hộ chính quyền Bashar Al-Assad.
Sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Su-24M của Nga 24/11/2015, Nga đã đáp trả bằng lệnh cấm vận toàn diện chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ sau một thời gian ngắn, năm 2016, Ankara đã làm lành với Moskva và các vấn để tranh cãi được giải quyết. Cuối năm 2019, Nga đã ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào Bắc Syria. Tháng 1/2020, tại Libya, hai nước ủng hộ các lực lượng khác nhau trong cuộc nội chiến đã đạt được thỉa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, một vấn đề chưa thể giải quyết, đó là số phận của Idlib Syria, nơi hàng trăm ngàn người tị nạn sinh sống, sẵn sàng chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ khi quân Syria tấn công, tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư có thể lan sang châu Âu trong tương lai.
Thổ Nhĩ Kỳ, không chỉ đe doạ tấn công trả đũa Syria, mà còn nói về khả năng xem xét lại quan hệ với Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan đã đưa ra tối hậu thư cho Syria, đe dọa sẽ xé bỏ thỏa thuận Sochi về Idlib với Tổng thống Nga V. Putin nếu quân Syria tiếp tục tấn công vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối năm 2019, quan hệ giữa Ankara và Moskva lại trở nên căng thẳng. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã không đạt được mục tiêu của mình tại Syria. Mâu thuẫn giữa hai nước lại chuyển sang mặt trận thứ hai tại Libya.
Các cuộc đàm phán giữa tướng K. Haftar và F. Sarraj ở Moskva đã thất bại. Ảnh: DW
Nga và hầu hết nước Ả Rập, Pháp và phần nào Mỹ ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (NLA) của tướng Khalifa Haftar. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đứng vể phía Chính phủ Hoà hợp dân tộc (GNA) của Fayez Sarraj, đối thủ của K. Haftar.
Cuối năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp định hợp tác quân sự với chính phủ F. Sarraj và đưa hơn bốn ngàn chiến binh thân Ankara từ Syria sang Lybia. Các lực lượng này đã không đủ để thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường. Ngay sau khi đến nơi, các chiến binh đã bị thiệt hại nặng.
Ngày 12/1/2020, với sự trung gian của Nga, một thỏa thuận ngừng bắn tại Libya đã được tuyên bố, nhưng các cuộc đàm phán sau đó giữa tướng K. Haftar và F. Sarraj ở Moskva đã thất bại. K.Haftar, người tự cho mình đang ở thế thắng, đã từ chối ký vào thoả thuận cuối cùng. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại một hội nghị 19/1/2020 ở Berlin cũng không thuyết phục được ông ngừng bắn.
Điều cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều không muốn
Mặc dù quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang trong tình trạng rất căng thẳng, nhưng cả hai đều không muốn phá vỡ quan hệ. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov và Thổ Nhĩ Kỳ,Mevlüt Çavuşoğlu đã gặp nhau bên lề Hội nghị anh ninh Munich (14-16/2/2020) nhất trí "không để những bất đồng phá hoại quan hệ hợp tác giữa hai nước". Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang đàm phán tại Moskva để tìm ra giải pháp cho các vấn đề tồn tại.
Thổ Nhĩ Kỳ đã hiểu được những thiệt hai to lớn do bị Nga cấm vận năm 2015 sau vụ bắn hạ máy bay S-24M của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, đặc biệt trong bối cảnh đang bị Mỹ, châu Âu và một số nước Trung Đông cô lập. Hợp đồng Nga cung cấp hệ thống phòng thủ S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đáp lại việc Mỹ và NATO cấm vận vũ khí đối với Ankara.
Hiện nay Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch hai chiều lên tới 26 tỷ USD. Hai bên đã nhất trí đưa con số này lên 100 tỷ USD trong thời gian tới. Đầu năm nay, Tổng thống V. Putin và Tổng thống R. Erdogan đã chính thức khánh thành dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (TurkStream) dẫn khí đốt vào miền Nam Châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cũng không muốn đưa vấn đề vào một cuộc xung đột kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sang phía Mỹ và phương Tây, có thể dẫn đến một mặt trận chống Nga, ảnh hưởng tới việc triển khai chiến lược của Nga tại Trung Đông.
Moskva và Ankara đang cố gắng kiểm soát các bất đồng bằng biện pháp hoà bình. Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến hành một cuộc chiến toàn diện với quân đội Syria, đặc biệt khi nó được các lực lượng Nga hỗ trợ. Ở Libya, các lực lượng củ Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể giúp chính phủ của F. Sarraj giành thắng lợi trong cuộc chiến với NLA của K. Haftar. Giải pháp duy nhất là thông qua đàm phán.
Giải pháp tốt nhất là việc thực hiện thỏa thuận Astana (5/2017), thoả thuận Sochi (9/2018) và thoả thuận Sochi (10/2019), thành lập an toàn khu dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, tách ly các lực lượng khủng bố khỏi các tổ chức đối lập ôn hoà để tập trung tiêu diệt các nhóm khủng bố vũ trang.