Báo Nikkei Asian Review hôm 1/10 vừa đăng tải một bài bình luận của cây viết Hiroyuki Akita có tiêu đề "East European nations grow disillusioned with China" (Các quốc gia Đông Âu 'vỡ mộng' đối với Trung Quốc), nói về sự thay đổi trong thái độ của các quốc gia Đông Âu đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây và ý nghĩa của điều này đối với Mỹ và các đồng minh của họ.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý độc giả nội dung lược dịch của bài viết này.
Từ "trăng mật" thành "vỡ mộng"
Hai năm trước, khi tôi có chuyến đi tới Cộng hòa Séc và Hungary, các nhà ngoại giao và giới trí thức ở đó đã tiết lộ với tôi rằng mặc dù Trung Quốc không được người ngoài nhìn nhận tích cực trên nhiều mặt, nhưng nước này vẫn là một đối tác kinh doanh đầy triển vọng.
Vào thời điểm xây dựng kinh tế nhanh chóng khi đó, Đông Âu đã rất nhiệt tình chào đón Trung Quốc. Tuy nhiên, kỳ vọng của các quốc gia này về những sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc đã bắt đầu chuyển thành thất vọng.
Trong khi căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung leo thang, các nước châu Âu, Nhật Bản, Australia, và những đồng minh khác của Mỹ đang đau đáu tìm cách hợp tác về chính sách đối với Trung Quốc.
Việc các quốc gia Đông Âu dần "rời xa" Trung Quốc đã cho thấy tầm ảnh hưởng về kinh tế của Bắc Kinh cũng chỉ có giới hạn, và đây cũng là một gợi ý hữu ích dành cho Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu khác về cách cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị với Trung Quốc.
Đối với các quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp và Anh, mối "thân tình" với Trung Quốc đã nguội dần sau hàng loạt những vấn đề nóng như luật an ninh quốc gia dành riêng cho Hồng Kông, cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, gián điệp mạng hay đại dịch COVID-19.
Ngày 14/9 vừa qua, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tham dự một cuộc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến được đánh giá là rất căng thẳng. Thủ tướng Đức Angela Merkel, các lãnh đạo EU và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có màn đối đáp gay gắt về vấn đề nhân quyền tại hội nghị này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một hội nghị trực tuyến. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tại Đông Âu - nơi từng có thái độ thiện cảm với Bắc Kinh - sự thất vọng đối với Trung Quốc ngày càng lớn dần và lan rộng hơn. "Kỳ trăng mật" có được nhờ các mối liên kết kinh tế giữa Đông Âu và Trung Quốc dường như đã sắp đến hồi kết. Sự phân cực của thế giới về vấn đề Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
8 năm trước, Trung Quốc và Đông Âu đã thắt chặt mối thân tình và gia tăng thiện cảm khi hai bên bắt đầu tổ chức diễn đàn hợp tác kinh tế 16+1. Kể từ năm 2012, lãnh đạo của các quốc gia thành viên của diễn đàn này đã nhóm họp gần như hàng năm.
Trong số 16 quốc gia Đông Âu nói trên, có đến 11 quốc gia là thành viên EU như Hungary và Cộng hòa Séc. Năm 2019, diễn đàn này đã trở thành 17+1 khi Hy Lạp chính thức tham gia.
Tuy nhiên, những diễn biến xoay quanh diễn đàn hợp tác kinh tế này đã khiến Đức và Pháp lo lắng. Một quan chức Đức từng cảnh báo về viễn cảnh Trung Quốc nắm bắt Đông Âu và chia rẽ EU.
Nhưng giờ đây Đông Âu cũng đã bắt đầu có thái độ tương tự đối với Trung Quốc, và CH Séc hiện đang là quốc gia tiên phong về vấn đề này. Trung Quốc đã vô cùng tức giận khi ông Milos Vystrcil, Chủ tịch Thượng viện CH Séc, thực hiện chuyến thăm chính thức đảo Đài Loan hồi cuối tháng 8 vừa qua. Vào tháng 1 năm nay, thủ đô Praha của CH Séc đã kết nghĩa với thành phố Đài Bắc của đảo Đài Loan sau khi cắt đứt "tình chị em" với Bắc Kinh.
Chủ tịnh Thượng viện CH Séc Milos Vystrcil và lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: CNA
Ngoài ra, kể từ năm 2019, các nước Ba Lan, CH Séc, Romania và Estonia đã đồng ý hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực bảo vệ an ninh mạng 5G - điều này cho thấy các nước này rất có thể sẽ "theo chân" Mỹ áp đặt các lệnh hạn chế đối với tập đoàn công nghệ Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc.
Romania cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận xây nhà máy điện hạt nhân với công ty Trung Quốc hồi tháng 6 năm nay.
Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều
Theo các chuyên gia ngoại giao Đông Âu, những ví dụ trên và nhiều diễn biến khác đã cho thấy các nước Đông Âu rõ ràng đã trở nên thất vọng trong vấn đề hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
Thứ nhất, Bắc Kinh đã đề ra những kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng to lớn ở Đông Âu trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của họ, nhưng những kế hoạch này vẫn chưa được triển khai như kỳ vọng.
"Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã khởi động nhiều dự án đầu tư ở [các quốc gia Đông Âu và Trung Âu], chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngoại trừ vùng Balkan, thì các kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hóa", ông Rudolf Furst, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Praha, cho biết. "Do đó, những kỳ vọng của Đông và Trung Âu về chuyện hợp tác kinh tế với Trung Quốc đã giảm dần".
Trong khoảng thời gian 20 năm từ năm 2000-2019, khu vực Đông Âu chỉ nhận được chưa đến 10% trong tổng giá trị đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào EU. Ngay cả Tổng thống CH Séc Milos Zeman, một chính trị gia có quan điểm tích cực đối với Trung Quốc, cũng bày tỏ sự thất vọng về Bắc Kinh hồi tháng 1 năm nay.
Thứ hai, các quốc gia Đông Âu ngày càng trở nên lo ngại về khả năng Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề nội bộ và an ninh quốc gia của họ khi hai bên tăng cường thắt chặt mối thân tình. Tháng 1/2019, một lãnh đạo chi nhánh của Huawei ở Warsaw đã bị bắt giữ vì nghi ngờ là gián điệp của Trung Quốc.
Tháng 11/2019, cơ quan tình báo quốc gia CH Séc đã cảnh báo về tình trạng Trung Quốc mở rộng nhanh chóng mạng lưới gián điệp ở nước này, đồng thời nói rằng Trung Quốc - giống như Nga - đã trở thành mối đe dọa của CH Séc.
Ngoài ra, một công ty hàng đầu của Trung Quốc bị nghi ngờ cung cấp các khoản tiền đáng ngờ cho các quan chức chính phủ cấp cao của CH Séc, theo một nghị sĩ Quốc hội của nước này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu khó trở lại bình thường trong tương lai gần
Các nước Anh, Đức và Pháp đã "vỡ mộng" đối với Trung Quốc sớm hơn so với các nước Đông Âu không chỉ vì những vấn đề nhân quyền hay an ninh quốc gia, mà còn bởi Bắc Kinh áp đặt những lệnh hạn chế đối với các công ty nước ngoài hoạt động trong thị trường Trung Quốc.
Một khảo sát do Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc thực hiện hồi tháng 2 năm nay cho thấy có đến 49% các công ty của EU hoạt động tại Trung Quốc cảm thấy môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn so với năm ngoái.
Kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã xúc tiến "ngoại giao khẩu trang" đối với Tây Ban Nha và Italy, 2 quốc gia bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề, nhằm gia tăng thiện cảm với các quốc gia này và châu Âu.
Bắc Kinh mong muốn có thể nâng cao hình ảnh lãnh đạo có trách nhiệm của mình trên trường quốc tế thông qua chiến dịch này, nhưng thực tế thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc vẫn chưa cải thiện theo kỳ vọng của Bắc Kinh.
Thậm chí, theo bà Valerie Niquet, nhà nghieen cứu cấp cao tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp: "Cách nhìn nhận của châu Âu về Trung Quốc đã xấu đi do nhiều vấn đề, và đại dịch COVID-19 chỉ càng khiến nó thêm tồi tệ. Tôi cho rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc sẽ chưa thể bình thường trở lại trong tương lai gần".
Tất nhiên, Đức và các quốc gia châu Âu khác sẽ không thể cứng rắn với Trung Quốc như Mỹ, vì các nước này còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhưng nếu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản có sự đồng thuận lớn hơn về các chính sách đối với Trung Quốc, thì các bên sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong các linh vực khác như ngoại giao, an ninh và kinh tế.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: