Rạng sáng 27/11/2018, tàu thăm dò InSight của NASA đã chính thức hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với khoa học vũ trụ loài người.
Khởi hành từ 5/5/2018, trạm đổ bộ robot trị giá 830 triệu USD đã trải qua một hành trình kéo dài gần 7 tháng, cộng thêm khoảng 7 phút được đánh giá là "kinh hoàng" khi giảm tốc độ từ 19.800km/h xuống còn 5km/h. Và vào lúc 2h54 phút sáng 27/11, InSight đã hạ cánh thành công.
Được biết, đây là vụ hạ cánh đầu tiên kể từ khi robot tự hành Curiosity đến hành tinh Đỏ vào năm 2012. Theo dự tính, InSight sẽ có một nhiệm vụ kéo dài 2 năm, nhằm tiết lộ cho các nhà khoa học những thông tin mà Curiosity đã không thể làm được.
Và dưới đây là những sự thật bạn cần biết về vụ hạ cánh này, cũng như những kỳ vọng của NASA về InSight là như thế nào.
Tại sao InSight lại hạ cánh tại một đồng bằng của sao Hỏa?
InSight hạ cánh tại Elysium Planitia - một khu vực bằng phẳng, không có trở ngại, thềm lục địa, hay bất kỳ rủi ro đến từ vệ tinh nào khác.
Khu vực này thoạt nhìn thì hết sức nhàm chán - ít nhất là khi so sánh với các vùng núi cổ xưa nơi Curiosity đang hoạt động. Tuy nhiên, đây thực chất lại là vị trí đắc địa mà NASA đã dành riêng cho InSight, để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng.
Elysium Planitia nằm ở phía bắc gần đường xích đạo của Hỏa tinh, nơi nhận được nhiều ánh nắng nhất trong năm. Nhờ thế mà chỉ với 2 tấm thu năng lượng, InSight có thể hoạt động ít nhất là 2 năm theo giờ Trái đất.
Đó là điểm khác biệt rất lớn giữa InSight và người tiền nhiệm nó là trạm robot Phoenix Mars Lander. Robot này hạ cánh vào năm 2008, gần cực Bắc của sao Hỏa để tìm hiểu về lớp băng giá tại đây. Tuy nhiên, nó ngưng hoạt động chỉ sau vài tháng, vì ánh Mặt trời tại đó không cung cấp đủ nhiệt để robot hoạt động.
InSight được trang bị rất nhiều công cụ khoa học tiên tiến nhất. Với Elysium Planitia, các chuyên gia cho rằng khu vực này đủ mềm để robot này cài một đầu dò nhiệt xuống lòng đất. Đó cũng chính là bài test đầu tiên của InSight đối với tinh cầu 4,6 tỉ năm tuổi này.
"Mục tiêu của InSight là nghiên cứu sâu hơn về sao Hỏa, tìm ra dấu hiệu sinh tồn, các xung động và nhiệt độ của nó," - trích chia sẻ của NASA trên trang chủ.
"Để tìm hiểu sâu vào nền đất của sao Hỏa, robot phải hạ cánh ở nơi ổn định, đủ yên tĩnh và cung cấp đủ năng lượng cho toàn bộ chiến dịch. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn Elysium Planitia."
Tìm hiểu bí mật sâu kín và cổ xưa nhất của sao Hỏa
Nhiệm vụ chính của InSight là tìm hiểu xem sao Hỏa được hình thành như thế nào, và chuyện gì đã xảy ra tại đây.
Chúng ta vốn biết rằng sao Hỏa trước kia sở hữu lớp từ trường như Trái đất hiện nay để bảo vệ khí quyển khỏi tác động từ gió Mặt trời. Nhưng vì một lý do nào đó, lớp vỏ từ của sao Hỏa bỗng biến mất, khiến hành tinh không thể giữ lại được khí quyển và hơi nước, rồi trở nên trơ trọi như ngày hôm nay.
InSight sẽ được cấp năng lượng liên tục, và luôn giữ liên lạc với Trái đất. Với cánh tay robot được lập trình sẵn, InSight sẽ đặt cố định các máy đo xung động lên bề mặt của sao Hỏa. Điều này nhằm phục vụ cho mục tiêu đầu tiên của NASA, là họ muốn nghe được âm thanh hoạt động địa chất của hành tinh này.
Các xung động, dù là do thiên thạch va vào, do đất sạt lở, hay do magma dưới lòng đất bùng nổ, tất cả đều sẽ được ghi lại. Thiết bị này nhạy đến mức ghi nhận được mọi hoạt động địa chất xảy ra trên toàn bộ hành tinh.
Qua thời gian, dữ liệu về các xung động này sẽ được tổng hợp, và từ đó chúng ta có được cấu trúc thành phần của hành tinh.
Công cụ tiếp theo là một đầu dò nhiệt, có thể tự động đào sâu vào lòng đất. Trên đầu dò có một cảm biến, với tác dụng ghi nhận thời gian đầu dò nhận đủ nhiệt để bị ngưng hoạt động. Theo dự tính, đầu dò có thể đào được khoảng 5m - sâu hơn rất nhiều so với bất kỳ nhiệm vụ trên sao Hỏa trước kia.
"Ở độ sâu ấy, chúng ta loại bỏ được tất cả sự biến động về nhiệt độ trên bề mặt hành tinh. Thay vào đó, toàn bộ nhiệt lượng đều đến từ lõi hành tinh - nguồn năng lượng đủ để kích hoạt bất kỳ hoạt động địa chất nào," - trích lời Suzanne Smerkar, chuyên gia trong dự án chia sẻ.
Với số dữ liệu này, Smrekar có thể tính được thời gian năng lượng tại lõi sao Hỏa thoát ra ngoài.
Đó là những gì còn sót lại sau 4,6 tỉ năm tồn tại của hành tinh, và nhờ thế chúng ta có thể biết được chuyện gì đã xảy ra với sao Hỏa trong quá khứ.
Bên cạnh đó, InSight có thể là công cụ hữu hiệu để xác định xem liệu có bể nước ngầm nào tồn tại trên sao Hỏa không.
Nếu có, đó sẽ là bằng chứng đầu tiên cho thấy khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa (tất nhiên là dưới dạng vi sinh vật), và đem lại một số câu trả lời cho các chiến dịch chinh phục hành tinh này trong tương lai.
Còn trên bề mặt, InSight sẽ sử dụng hệ thống định vị radio để kiểm tra về độ "lung lay" quanh trục của hành tinh khi xoay quanh Mặt trời. Các dữ liệu thu được sẽ cho biết điều gì đang xảy ra tại lõi của Hỏa tinh.
Từ những gì thu được, khoa học cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ hiểu thêm nhiều điều hơn về Trái đất - vì đã có đối tượng để so sánh.
"Trái đất là một hành tinh lớn, có nhiều năng lượng, nhiệt lượng. Nhưng hoạt động địa chất của hành tinh rất tích cực trong lịch sử, nên hầu hết các bằng chứng từ thời kỳ đầu đã bị xóa sạch." - Tom Hoffman, quản lý dự án chia sẻ.
"Để tìm ra bằng chứng, nay chúng ta có sao Hỏa - một hành tinh gần giống với Trái đất, nhưng đã nguội lạnh từ lâu rồi."
Tham khảo: Business Insider, BBC