Nhất quán chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao
Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam với phương án 350km/h. Tinh thần chỉ đạo là khẩn trương, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để dự án góp phần mở ra không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sơ bộ có tổng mức đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD. Bình quân khoảng 43,7 triệu USD/km, thấp hơn suất đầu tư của Indonesia là khoảng 52 triệu USD/km. Với chiều dài 1.541 km, đường đôi khổ tiêu chuẩn 1435 mm qua 20 tỉnh, điểm đầu ga Ngọc Hồi - Hà Nội và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh. Trên toàn tuyến có 23 ga khách, cách nhau trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá. Với tốc độ 350 km/h, cự ly ga trung bình 50-70 km. Với tốc độ này, thời gian từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh còn 5 giờ 30 phút.
Bộ Giao thông hiện đang đề xuất lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray với tốc độ 350 km/h
Hiệu quả và tin cậy khi lựa chọn đường sắt tốc độ cao 350 km/h
Đường sắt tốc độ cao trên thế giới hiện áp dụng ba loại hình công nghệ là chạy trên ray, chạy trên đệm từ và chạy trên ống.
Bộ Giao thông hiện đang đề xuất lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray với tốc độ 350 km/h. Đề xuất này dựa trên nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác và 6 quốc gia đang đầu tư xây dựng mới. Đây cũng là tốc độ phù hợp với các tuyến đường sắt dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang kinh tế Bắc - Nam.
Thực tế tại các nước đang khai thác đường sắt tốc độ 350 km/h cho thấy, khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với tốc độ 250 km/h khoảng 12,5%. Chi phí đầu tư cao hơn khoảng 8-9%. Đặc biệt, nếu đầu tư với tốc độ 250 km/h, thì việc sau này nâng cấp lên tốc độ 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả. Bên cạnh đó, các chuyên gia đô thị cũng nhận định, với mật độ dày kín các đô thị, cảng biển, khu công nghiệp trên toàn tuyến, nhu cầu vận chuyển tốc độ nhanh, khối lượng lớn rất cần thiết.
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: "Lựa chọn tốc độ 350 km/h đối với sự phát triển về giao thông Việt Nam là chính xác. Lý do vì chúng ta hiện nay tốc độ đô thị hóa rất cao, chúng ta có đến gần 1.000 đô thị, các đô thị của chúng ta cũng nằm trên trục cao tốc đó thì đường sắt cao tốc kết nối được với các đô thị, các cảng biển, tạo nên hệ logistic rất lớn".
Đến năm 2050, nhu cầu vận tải hàng hoá bằng đường sắt ước khoảng 18,2 triệu tấn/năm; vận tải hành khách khoảng 119,4 triệu lượt/năm. Tuyến đường sắt hiện tại đã quá lạc hậu, không đáp ứng được khối lượng vận tải ngay ở thời điểm hiện tại, chứ chưa nói tới nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai.
Ông Hoàng Văn Toán - Phó Trưởng ga Giáp Bát, Hà Nội chia sẻ: "Đi lại hay vận chuyển hàng hóa và hành khách hiện tại vẫn chưa đáp ứng đủ nên một số khách hàng và những chủ hàng đã sang những phương tiện như đường bộ, đường thủy. Mỗi ngày, nhu cầu khối lượng về hàng hóa càng nhiều nhưng nếu để ngành đường sắt như thế này thì chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ về nhu cầu tiến tới vào những năm sau".
Ông Cao Sỹ Kiêm - Đại biểu Quốc hội Khoá 12 nêu ý kiến: "Bây giờ điều kiện đã chín muồi. Nhưng còn một băn khoăn là chúng ta chọn đối tác như thế nào cho hợp lý, như thế nào cho tiết kiệm được, như thế nào để tiệm cận khoa học kỹ thuật tốt nhất và sự phát triển bền vững, lâu dài".
Khảo sát ban đầu cho thấy, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tới 60% là cầu, 10% là hầm và 30% chạy trên nền đất yếu nên suất đầu tư dự án dự kiến vào khoảng 43,7 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm hiện nay.
Mong chờ đường sắt tốc độ cao
Theo phương án, nếu chạy với tốc độ 350 km/h thì từ Hà Nội vào đến TP. Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 5 giờ 30 phút. Trong khi đường sắt bây giờ đang chạy khoảng 34 tiếng. Như vậy là nhanh hơn rất nhiều so với tàu hoả và ô tô khách hiện nay. Thậm chí, một số chặng ngắn còn nhanh hơn cả đi máy bay, nếu tính cả thời gian chờ đợi. Các thông tin ban đầu về phương án đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu dự án được triển khai sẽ mang lại cho cả người dân và doanh nghiệp những giá trị kinh tế không nhỏ và tạo nhiều động lực cho phát triển trong thời gian tới.
Chọn đi đường sắt từ Hà Nội vào Bình Định vì muốn ngắm cảnh hai bên, với Giang, nếu có tàu tốc độ cao đến 350 km/h thì đây sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Bạn Nguyễn Trúc Giang - Tỉnh Bình Định tâm sự: "Nếu mình có khoảng thời gian di chuyển nhanh hơn và phương tiện tàu với không gian thoải mái hơn thì hành khách và những bạn trẻ như em sẽ rất thích".
Đây là chuyến tàu có hành trình từ Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh, dự kiến thời gian di chuyển sẽ khoảng 34 giờ. Tuy nhiên, theo phương án với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, thời gian từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh còn khoảng 5 giờ 30 phút. Nhiều hành khách cho rằng, phương tiện mới đó sẽ là một phương tiện thu hút rất nhiều khách trong tương lai
Anh Matthias Baunach - Du khách Đức chia sẻ: "Việt Nam của các bạn là đất nước chạy dài từ Bắc vào Nam nên đi tàu tốc độ cao thì sẽ mang lại những trải nghiệm thật tuyệt vời".
Hơn 20 năm kết hợp với đường sắt để làm tuyến du lịch Hà Nội - Đà Nẵng, anh Tiến cho rằng, dù những năm gần đây, tàu hoả đã khang trang và sạch đẹp hơn nhiều nhưng vì hạ tầng đã cũ kỹ, lại là đường đơn nên phải mất đến 16 giờ mới vào tới nơi. Nếu tương lai có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì sẽ càng có nhiều khách hàng chọn đi đường sắt.
Ông Nguyễn Cảnh Tiến - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Violette Trains Việt Nam đưa ra ý kiến: "Đó là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời, chúng tôi đã mường tượng được ra buổi sáng có mặt ở Hà Nội ăn sáng uống cà phê, nhưng buổi trưa được vào ăn hải sản Đà Nẵng, chiều du khách đã được đắm mình trong biển Mỹ Khê".
Với các công ty du lịch, cùng một thời gian tour, khi tàu chạy nhanh hơn sẽ có thể đưa thêm vào được nhiều điểm đến để gia tăng trải nghiệm, từ đó thu hút nhiều du khách.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nhận định: "Khi có đặt hàng thì cơ khí công nghiệp đường sắt có thể làm chủ và có thể từng bước nắm bắt được công nghệ và đáp ứng được như công nghệ đầu máy, toa xe chúng tôi nghiên cứu, cộng với chuyển giao các công nghệ chẳng hạn thì chúng tôi nắm bắt ngay".
Người dân và các doanh nghiệp đều rất mong chờ đường sắt tốc độ cao vì nhiều lợi ích mà nó mang lại
Đường sắt tốc độ cao – Kết nối vùng kinh tế
Có thể thấy là người dân và các doanh nghiệp đều rất mong chờ đường sắt tốc độ cao vì nhiều lợi ích mà nó mang lại. Trên thế giới, cùng với đường bộ cao tốc thì đường sắt tốc độ cao được xem là xương sống trong kết nối các tỉnh thành vào các vùng trọng điểm kinh tế. Khi khoảng cách địa lý được rút ngắn sẽ góp phần tạo nên các cú hích để thúc đẩy tiềm năng kinh tế, du lịch, tiêu dùng mua sắm của các tỉnh thành. Chính vì vậy, đầu tư vào hạ tầng giao thông nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng được Chính phủ Trung Quốc và chính quyền các địa phương xem là ưu tiên hàng đầu.
Quảng Đông - tỉnh dẫn đầu GDP, đông dân nhất Trung Quốc, 127 triệu dân - hình mẫu trong đầu tư nguồn lực tại chỗ để kết nối cơ bản đường sắt cao tốc đến các địa phương trọng điểm. Tuyến đường sắt cao tốc Mai Long, dài 98 km, vận tốc 350 km/h vừa đưa vào vận hành có ý nghĩa quan trọng đẩy nhanh quá trình hội nhập cho các thành phố ở Quảng Đông kết nối vào Vùng Vịnh Lớn - gồm các thành phố ven biển Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, Macau. Thời gian di chuyển từ TP Mai Châu đến hai thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Đông là TP Quảng Châu và Thâm Quyến trong khoảng 2 giờ 15 phút đến 3 giờ 20 phút.
Ông Châu Vân Tiên - Hành khách từ Macau - Trung Quốc chia sẻ: "Trước đây chúng tôi rất sợ đi du lịch Mai Châu vì đây là một chuyến đi dài và chắc chắn cần phải ở lại qua đêm trên tàu hỏa chậm. Nhưng bây giờ, sau khi uống trà sáng ở Quảng Châu, chúng tôi có thể ăn mì trộn và canh đầu cá - đậu phụ ở Mai Châu vào buổi trưa".
Đoạn cao tốc Mai Long kéo dài 290 km đường sắt cao tốc từ tỉnh Quảng Đông đến tỉnh Phúc Kiến rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa các vùng trọng điểm kinh tế ven biển. Tuyến đường sắt cao tốc xuyên biển đầu tiên của Trung Quốc, Phúc Châu - Hạ Môn - Chương Châu dài 278 km tỉnh Phúc Kiến đã thử nghiệm nghiệm thu tĩnh, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay sau 7 năm xây dựng.
Ông Yu Shao He - Công ty Đường sắt Nam Xương - Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho rằng: "Tuyến đường sắt cao tốc xuyên biển này sẽ cải thiện hơn nữa mạng lưới đường sắt cao tốc ven biển phía Đông Nam và thúc đẩy kết nối giữa Con đường tơ lụa trên biển và các cụm đô thị ở đồng bằng sông Trường Giang và Khu vực Vịnh Lớn. Nó cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực dọc theo ".
Trung Quốc đang trong giai đoạn nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh đầu tư những tuyến tàu cao tốc 300 - 350 km/h. Làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc, chuỗi công nghiệp phụ trợ khép kín, nguồn vốn được ưu tiên là những yếu tố khiến cho đường sắt cao tốc tại đất nước tỷ dân phát triển nhanh nhất thế giới, góp phần đáng kể vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách vùng miền.
Trung Quốc triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao khi thu nhập bình quân đầu người là hơn 1.700 USD, Indonesia là 3.300 USD, thậm chí Nhật Bản bắt đầu xây dựng đường sắt tốc độ cao đầu tiên khi GDP đầu người của họ mới chỉ khoảng 250 USD. Còn Việt Nam, GDP đầu người vào năm ngoái đã ở mức 4.300 USD. Và một điều quan trọng nữa là hoạt động vận tải của chúng ta hiện nay đang trái quy luật khi hàng không phải bay chặng ngắn, còn đường bộ lại gánh chặng dài. Do đó, cần có tàu đường sắt tốc độ cao để đảm nhận vai trò lấp "khoảng hổng" này.