Nghĩ đến tết, mọi người thường nghĩ tới những điều vui vẻ, ấm áp đoàn viên bên gia đình. Nhưng với một số người có cuộc sống gia đình quá phức tạp thì Tết đôi khi lại gắn liền với nhiều nỗi sợ hãi và ký ức nặng nề.
Chuyện về Tết của Trịnh Tú Trung là trường hợp như thế. Không dễ dàng cho Trịnh Tú Trung khi chia sẻ câu chuyện này, bởi đó là một nốt trầm buồn trong cuộc sống riêng của gia đình anh.
Tuy nhiên, có thể, đâu đó ngoài kia cũng có những hoàn cảnh hay câu chuyện tương tự. Và dù chuyện không có gì vui vẻ nhưng cả người viết và nhân vật đều mong rằng, điều đọng lại sau cuối là những suy ngẫm quý giá để mỗi người tự biết trân quý gia đình của mình hơn...
10 tiếng đứng đợi trong công viên và trận đòn hằn học
"Cái Tết mà tôi nhớ nhất là năm mình 6 tuổi. Ngày đó, mẹ tôi có một gian hàng nhỏ bán mứt Tết ngay trước cửa nhà ở gần chợ Trần Hữu Trang. Bác và bà tôi thì có gian hàng to hơn nằm ngay chân cầu Lê Văn Sỹ.
Hôm đó là ngày cuối cùng của năm và cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được ba chở đi sở thú chơi. Sau khi chụp ảnh xong với con gấu, ba dặn tôi đứng đó đợi ba quay lại đón. Tôi chờ từ 10 giờ sáng tới 8 giờ tối cũng không thấy ba quay lại.
Trịnh Tú Trung (ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)
8 giờ tối, bảo vệ vào lùa những người khách cuối cùng ra để đóng cửa nên tôi buộc lòng phải đi ra.
Cả nhà chỉ biết là ba đưa tôi đi chơi chứ không biết là đưa đi đâu và khi nào về. Vì mỗi lần ai hỏi tới là ông nổi nóng theo kiểu "đi đâu là chuyện của tôi, mấy người lo việc mình đi, đừng có can thiệp, đừng có hỏi".
Thời đó cũng không có điện thoại để nhắn tin hay gọi điện. Cận Tết nên mọi người cũng lu bu buôn bán, không ai có thời gian để ý xem tôi về chưa.
Tôi đi bộ từ sở thú về tới cầu Lê Văn Sỹ (khoảng 4-5km - PV) thì gặp bà.
Bà là em của bà nội tôi. Bà hỏi tôi, tại sao giờ này còn lang thang ở đây? Tôi trả lời là ba đưa đi chơi, con chờ từ sáng mà ba không quay lại đón nên tự đi bộ về.
Bà chở tôi về nhà. Nửa đêm hôm đó, ba tôi mới về. Mọi người trong nhà mắng ba "nhắm không lo được cho nó, mê chơi hơn, mê vui hơn thì lần sau đừng đem con đi đâu nữa". Vậy là ba lôi tôi dậy đánh thừa sống thiếu chết.
Vừa đánh, ông vừa chửi "mày cố tình đi về để gia đình thấy tao là người vô trách nhiệm. Vì mày mà mẹ mày và chị tao chửi bới tao.
Tao kêu mày đứng đó thì mày cứ đứng đó, trước sau gì tao cũng đón. Khi nào tao chưa đón thì không được phép đi về. Tao đánh cho mày nhớ một lần, không bao giờ được tái phạm nữa nghe chưa".
Thật ra, chuyện tôi phải chờ đợi, rồi tự đi về, rồi ăn đòn như vậy đã nhiều lần. Nhưng Tết năm đó là lần tôi đợi lâu nhất, 10 tiếng đồng hồ và cũng là trận đòn đau nhất.
Trịnh Tú Trung đang có cuộc sống hạnh phúc cùng mẹ sau khi bố mẹ chia tay
Vì trận đòn ấy mà sau này cứ nghĩ tới Tết là tôi nhớ lại cảnh đó trước tiên dù chẳng vui vẻ gì. Nhiều năm tháng sau đó, hễ nhìn thấy sạp mứt là tôi sợ.
Hồi xưa gia đình tôi không có điều kiện nên cả năm không bao giờ được đi chơi. Chỉ có ngày Tết mới được đi chơi nên tôi háo hức lắm.
Tết, tôi cũng ham được ba chở đi gặp người này người kia để nhận lì xì nhưng sau đó mình cảm giác được là không khí ấy quá nặng nề. Cái cảm giác của đứa con nít phải ngồi đợi người lớn nhậu nhẹt thật sự khủng khiếp. Từ từ nó trở thành nỗi ám ảnh tới mức không dám đi cùng.
Hồi đó, nhà tôi chỉ có một chiếc xe máy nên việc ba chở tôi đi cũng chỉ là một cái cớ chính đáng để được lấy xe máy đi và không phải trả lời câu hỏi của mẹ, đi đâu, chừng nào về.
Vẫn thích Tết vì được nhận lì xì...
Tôi không biết có ai gặp hoàn cảnh giống mình không, vì chuyện gia đình tôi thật sự rất nặng nề. Nhưng đó là những chuyện đã qua.
Mặc dù bị ám ảnh bởi những ký ức nặng nề đó nhưng tôi vẫn thích Tết. Bởi Tết là dịp mà tôi để dành được nhiều tiền nhất.
Từ lì xì của bà nội ở nước ngoài gửi về, lì xì của người này người kia cho. Tất cả lì xì đó, tôi để dành qua Tết mua tập vở, sách bút, quần áo...
Bà nội rất thương tôi. Bà bảo tôi là đứa bất hạnh nên bà muốn bù đắp cho tôi. Tôi thương và mắc nợ bà nội nhiều là vì thế.
Họ hàng bên nội ở Việt Nam giờ chỉ còn nhà người bác là chị ruột của ba tôi. Ngày xưa bác ở cùng nhà với tôi, bác lo lắng chăm sóc cho tôi nhiều thứ. Bác từng ngồi nặn cho tôi từng cái mụn nhọt, pha cho tôi từng miếng thuốc, thay ba chở tôi đi chơi, bởi càng ngày lễ Tết, ông càng ít khi ở nhà.
Trịnh tú Trung thường xuyên đưa mẹ đi du lịch và có hiếu với mẹ như một cách bù đắp những đau khổ cho mẹ.
Dù vậy, mỗi giai đoạn lại có câu chuyện riêng của nó. Có một thời gian bác cháu tôi ít gần gũi thăm nom. Khoảng 4, 5 năm gần đây, khi tôi có công việc ổn định, thu nhập nhiều hơn, nhìn lại tình cảm ngày xưa và tôi muốn bỏ qua hết những thù hằn gây hấn.
Mẹ tôi già rồi và bác cũng không còn nhiều thời gian. Những ân tình xưa phải giữ nên Tết nhất, tôi thường mang quà tới biếu. Không nhiều nhặn gì nhưng đó là tình cảm.
Tới giờ, niềm vui lớn nhất của tôi vẫn là được nhận lì xì dù nó chẳng đáng bao nhiêu, và dù mình vẫn có tiền. Tôi vẫn nhận show diễn kịch ngày Tết, không phải vì công việc đó kiếm được nhiều tiền mà vì vui. Tết năm nay, tôi diễn ở sân khấu Hồng Vân.
Tôi giữ thói quen, được bao nhiêu lì xì và tiền cát xê dịp Tết sẽ đợi đúng ngày Thần Tài để đi mua vàng. Được nhiều mua nhiều được ít mua ít. Và cả thói quen từ nhiều năm trước, sau Giao thừa đi lễ chùa với mẹ tôi vẫn giữ. 3 năm trở lại đây, tôi có thêm một thói quen mới là tới đền của anh Hoài Linh hầu đồng và nhận lộc đầu năm".
* Ghi theo lời kể của Trịnh Tú Trung