Ký ức bi hùng của những viên gạch trên Quảng Trường Đỏ nhìn từ Lễ Duyệt binh 2018

Nguyễn Phước Thắng |

Hôm nay, bước chân của những người lính Nga lại tiếp tục bước hùng dũng và tự hào trong Lễ Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow.

Ngày 9/5/2010, trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, khi bước chân của những người lính trong khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (Nato) của Hoa Kỳ, Anh, Pháp... bước đi trên những viên gạch ở Quảng trường Đỏ, Thủ đô Moscow.

Người ta nói rằng, tới thời điểm đó, Chiến tranh lạnh mới thực sự kết thúc và thế giới sẽ bước sang một giai đoạn mới. Giai đoạn của hòa bình, hợp tác và phát triển. Thế nhưng đối với những viên gạch tưởng như vô tri vô giác trên Quảng trường Đỏ.

Những ký ức đã ghi dấu trải qua thực sự là những dòng chảy oai hùng nhưng đầy bi tráng đối với Liên bang Xô Viết, với nước Nga và cả với dân tộc Việt Nam, là những bài học với giá trị lịch sử lớn lao cho cả hiện tại và tương lai..

Từ bước chân của người thanh niên gầy gò viếng Lê nin trong giá buốt tới ngày Độc lập và toàn thắng 30/4/1975...

Ngày 21/1/1924, toàn thể nhân loại tiến đau lòng tiếc thương khi vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới - Lenin đã qua đời.

Trong những dòng người dài vô tận từ khắp mọi nơi trên thế giới về thủ đô Moscow trong giá lạnh âm 40 độ để viếng Lenin có dấu chân của một người thanh niên Châu Á trẻ tuổi, gày gò, mặc một chiếc áo khoác mùa thu mỏng, mặt và các ngón tay đều tím tái vì lạnh nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm tin và ý chí sắt đá.

Đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta. Dấu chân của Người đã in trên những viên gạch trên Quảng trường Đỏ tới Nhà Công đoàn nơi quàn linh cữu viếng Lênin.

Ký ức bi hùng của những viên gạch trên Quảng Trường Đỏ nhìn từ Lễ Duyệt binh 2018 - Ảnh 1.

Hình ảnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động tại Moscow.

Đồng chí Gécmanéttô - Chiến sĩ cách mạng người Italia, nguyên là Uỷ viên chấp hành Ban Bí thư Công hội Đỏ quốc tế đã kể lại trong những dòng hồi ký của ông:

Một thanh niên rất gầy gò, đầu đội cátkét, mình mặc chiếc áo mỏng mùa thu, tay xách một vali bé tí, bước vào và nói: "Tôi là Nguyễn Ái Quốc, người Việt Nam, vừa ở Pari đến. Tôi đến thì Lênin vừa mất. Nói đến đây người thanh niên ngừng lại, lau nước mắt. Bây giờ tôi muốn đến viếng linh cữu Lênin…".

"Đồng chí Quốc, đồng chí mặc mỏng manh như thế không chịu được rét Nga đâu. Đồng chí hãy chờ đến ngày mai, khi có quần áo ấm hãy đi..." Nguyễn Ái Quốc thở dài, không trả lời ngồi uống nước chè với chúng tôi, rồi trở về phòng mình.

Khoảng 10 giờ đêm, có tiếng gõ cửa nhẹ. Trước mặt tôi là đồng chí Ái Quốc, vẫn trong bộ quần áo mỏng manh, đầu đội cátkét. Mặt đồng chí xanh xám, ngón tay, mũi và tai thâm tím vì giá rét. Tôi vừa đi viếng Lê nin về. - Ái Quốc vừa nói vừa run cầm cập. Tôi không thể chờ đến ngày mai để viếng Người bạn vĩ đại nhất của nhân dân các nước thuộc địa...

Có thể nói trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, một trong những điều Người nuối tiếc nhất đó là không được gặp Lê nin, thế nhưng những dấu chân của Người trên Quảng trường Đỏ trong những ngày giá lạnh ấy đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế dấu ấn về một Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong nước ngày ở nước Nga với câu nói:

"Chỗ của tôi là ở Việt Nam, nơi mà các đồng chí và đồng bào tôi đang chiến đấu..."Từ những bước chân của Bác trên Quảng trường Đỏ tới ngày Độc lập và toàn thắng, dân tộc ta đã đi một chặng đường đầy hào hùng và vinh quang trong hơn 50 năm, để khẳng định một chân lý: Chủ nghĩa Mác Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho Cách mạng Việt Nam".

Từ bước chân hùng dũng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 7/11/1941...

Ngày 7/11/1941, những viên gạch trên Quảng trường Đỏ đã chứng kiến bước chân hùng dũng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc duyệt binh huyền thoại kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại. Ngay sau cuộc duyệt binh, Hồng quân tiến thẳng ra mặt trận để tiêu diệt kẻ thù.

Tình thế của Liên Xô lúc đó vô cùng nguy cấp. Phát xít Đức lúc này đang triển khai chiến dịch bao vây đánh chiếm Matcơva mang tên "Bão biển" (Typhoon).

Ký ức bi hùng của những viên gạch trên Quảng Trường Đỏ nhìn từ Lễ Duyệt binh 2018 - Ảnh 2.

Hồng quân Liên Xô tiến thẳng ra mặt trận trong cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1945.

Chúng dự tính chiếm thủ đô Nga trước ngày 7/11. Một số vị trí quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30 km. Bộ phận trinh sát của Đức thậm chí đã dùng ống nhòm để quan sát được những ngôi sao đỏ trên nóc Điện Kremlin.

Cuộc duyệt binh tuyệt mật chỉ được thông báo trước cho các quan chức tham dự trước 1h. Để đảm bảo tính bí mật và bất ngờ, thời gian của cuộc duyệt binh đã được thay đổi. Thay vì từ 10h sáng giờ Mátcơva chuyển sang 08h sáng.

Ngay bản thân các đơn vị tham gia duyệt binh được tập luyện trước đó vài ngày, nhưng chỉ với nội dung là biểu dương cho nhân dân cả nước biết về sức mạnh phòng thủ của thủ đô Matxcơva, chứ không phải để tham gia duyệt binh.

Thời tiết ngày 7/11/1941 ở Mátcơva nhiều tuyết, gió mạnh vì vậy cũng hết sức thuận lợi để tổ chức Lễ duyệt binh này khi không quân phát xít khó có thể oanh tạc như khi thời tiết đẹp.

Phát biểu tại Lễ duyệt binh lịch sử này, Stalin đã nói với Hồng quân Xô Viết: "Các dân tộc bị nô dịch của châu Âu đang sống dưới ách của bọn xâm lược Ðức trông chờ vào các đồng chí như là những người sẽ giải phóng cho họ.

Sứ mệnh giải phóng vĩ đại đã trao cho các đồng chí. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó... Dưới ngọn cờ của Lenin, tiến lên giành thắng lợi!"

Đây là cuộc duyệt binh chỉ diễn ra trong 25 phút, là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong lịch sử các Lễ duyệt binh của Liên Xô trước đây và sau này là Liên ban Nga.

Những viên gạch trên Quảng trường Đỏ đã in dấu chân và chứng kiến những chiến sỹ Hồng Quân ra thẳng mặt trận – mà nhiều người trong số họ sẽ không thể trở về trong Lễ duyệt binh mừng chiến thắng sau đó 4 năm. Nhưng dấu chân của họ đã viết nên trang sử bất hủ, mở ra cục diện mới cho Cuộc chiến tranh vệ quốc.

... tới bước chân của những người anh hùng chiến thắng phát xít ngày 24/6/1945

Như một lời hẹn ước, 4 năm sau, 24/6/1945, những viên gạch trên Quảng trường Đỏ một lần nữa chứng kiến bước chân hùng dũng của những người lính chiến thắng phát xít trong Lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng lịch sử lần đầu tiên được tổ chức, chỉ hơn 1 tháng sau ngày Chiến thắng.

Vinh quang nào chả có sự hy sinh. Rất nhiều bước chân chiến sỹ đã đi qua Hồng trường cách đây 4 năm đã nằm lại chiến trường và không thể có mặt trong ngày toàn thắng.

Cuộc duyệt binh hôm đó đã kéo dài hơn hai tiếng bất chấp trời mưa to. 40.000 Hồng quân, 1.850 phương tiện quân sự và các vũ khí khác góp mặt vào sự kiện này. Đây là cuộc duyệt binh dài nhất và lớn nhất từng được tổ chức trên Quảng trường Đỏ ở Moscow.

Nguyên soái Georgy Zhukov giám sát cuộc duyệt binh, nguyên soái Konstantin Rokossovsky là người chỉ huy. Lãnh tụ Joseph Stalin cùng các quan chức cấp cao theo dõi toàn bộ buổi lễ từ khán đài của Lăng Lenin.

Ký ức bi hùng của những viên gạch trên Quảng Trường Đỏ nhìn từ Lễ Duyệt binh 2018 - Ảnh 3.

Lãnh tụ Stalin trên kỳ đài và hình ảnh cuộc duyệt binh lịch sử mừng chiến thắng Ngày 24/6/1945.

Và những tháng năm thăng trầm không có dấu chân người lính trong ngày Chiến thắng

Từ năm 1948, truyền thống duyệt binh trên Quảng trường Đỏ trong ngày Chiến thắng bị gián đoạn và gần 20 năm sau, truyền thống này mới được khôi phục, cụ thể là năm 1965, nhân kỷ niệm 20 năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Sau khi Liên Xô tan rã, hoạt động duyệt binh Ngày Chiến thắng cũng tạm ngừng. Đến năm 1995, truyền thống này lại mới lại được khôi phục lại nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít.

Những năm không có dấu chân người lính trên Quảng trường trong ngày chiến thắng gắn liền với những thăng trầm trong lịch sử Liên Xô và Liên bang Nga; có thể nói những viên gạch trên Quảng trường Đỏ đã chứng kiến rõ nét nhất những dòng chảy lịch sử ấy...

Từ những bước chân bồn chồn và lo lắng trong ngày chiến thắng 9/5/1995

05 năm sau ngày Liên Xô tan rã, những dấu chân của người lính chiến thắng mới lại có dịp được in trên những viên gạch của Quảng trường Đỏ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Thế nhưng đó là những bước chân bồn chồn và lo lắng cho tương lai của nước Nga, cũng như tương lai của từng người dân, người chiến sỹ Nga...

Ký ức bi hùng của những viên gạch trên Quảng Trường Đỏ nhìn từ Lễ Duyệt binh 2018 - Ảnh 4.

Các cựu chiến binh trên Quảng trường đỏ ngày 9/5/1995 - Cuộc duyệt binh đầu tiên sau ngày Liên Xô tan rã.

Liên bang Xô Viết tan rã, ước mơ về một tương lai tốt hơn của người dân Nga chưa thấy đâu. Lạm phát, nghèo đói, tỷ lệ tội phạm tăng cao, phúc lợi xã hội kém... Nhiều thành tựu đã đạt được dưới thời kỳ Xô Viết bị xóa nhòa, vị trí của nước Nga trên trường quốc tế sụt giảm nghiêm trọng. Người dân mất niềm tin.

Nước Nga lúc đó đang ở trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc chiến Chechnya lần thứ I, một cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Ichkeria, từ tháng 12 năm 1994 đến tháng 8 năm 1996.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Chính phủ ở Chechnya tự tuyên bố độc lập, ly khai khỏi nước Nga. Quân đội Nga, cùng với hiện trạng của đất nước khi đó, mặc dù quân số áp đảo, nhưng trang thiết bị lạc hậu, sụt giảm ý chí chiến đã buộc thỏa thuận ngừng bắn và một hiệp ước hòa bình với quân ly khai.

Con số chính thức số quân Nga tử trận là 5.732 người. Không có con số chính xác cho số quân Chechnya bị giết, con số ước lượng là từ 3.000 đến 17.391 người tử trận. Ước tính số thường dân bị chết từ 30.000 đến 80.000 người, nhiều thành phố và làng mạc trên khắp nước cộng hòa trong tàn phá.

Những bước chân của các Cựu chiến binh trong Cuộc chiến tranh vệ quốc cùng những người chiến sỹ trẻ trên Hồng trường như bồn chồn, lo lắng hơn cho số phận và danh dự của nước Nga trong thời điểm ấy, trên nền của một bản quốc ca không có lời.

(Tổng thống Nga Elsin khi đó đã lựa chọn Bài ca ái quốc của Glinca là một đoạn nhạc không lời để thay thế cho Quốc ca Liên Xô của Alexandrov, sau này khi trở thành Tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin đã sử dụng lại bản Quốc thiều từ thời Xô Viết để làm Quốc thiều Liên bang Nga)...

Gặp lại những bước chân của niềm tự hào và xóa nhòa ranh giới cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh

Ngày 9/5/2005, trong Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng phát xít, những viên gạch trên Hồng trường lại được gặp lại Các cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Vệ Quốc. Đối với những viên gạch trên Hồng trường, bước chân của người lính chiến thắng năm nào đã trở thành những ký ức thiêng liêng.

Tuy nhiên do các cụ đã quá cao tuổi, ban Tổ chức đã quyết định chở các cựu chiến binh duyệt qua lễ đài trên hàng trăm cỗ xe tải Zis5V. Toàn bộ Lễ đài đã đứng dậy vỗ tay hoan hô theo nhạc khi các cỗ xe chở các cựu chiến binh đi qua, trong đó có toàn thể nguyên thủ quốc gia của các cường quốc G7, Ấn Độ, Trung Quốc...

Dù một số cựu chiến binh và tướng lĩnh Nga đã phản đối việc cho quân đội của các nước Nato duyệt binh trên những viên gạch ở Quảng trường Đỏ trong ngày 9/5/2010, nhưng sự hiện diện của quân đội Mỹ, Anh, Pháp... trên Quảng trường Đỏ đã là minh chứng cho sự thực sự chấm hết của cuộc chiến tranh lạnh, cho sự tôn trọng và cho những giá trị đích thực.

Đó là nhân loại sẽ sống trong hòa bình, hợp tác, tôn trọng những giá trị cơ bản của nhau lâu dài và vĩnh cửu...

Ký ức bi hùng của những viên gạch trên Quảng Trường Đỏ nhìn từ Lễ Duyệt binh 2018 - Ảnh 6.

Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 2017.

Lời kết

Ngày 9/5 năm nay, khi những bước chân của những người chiến sỹ Nga lại tiếp tục bước hùng dũng và tự hào trên Quảng trường Đỏ, thế giới vẫn còn chìm trong bạo lực, đói nghèo, khủng bố, thách thức. Những nguy cơ xung đột luôn tiềm ẩn và thách thức độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Nhưng những viên gạch trên quảng trường đỏ vẫn còn đó, như những chứng nhân lịch sử, chứng nhân cho những bước chân đã ghi dấu cho sự nghiệp giải phóng loài người, cổ vũ cho nhân loại tiến bộ, cho nước Nga...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại