Đó là chiến dịch bình định Chiêm Thành diễn ra năm Nhâm Tý, niên hiệu Hưng Long thứ 20 (1312), đời vua Trần Anh Tông. Sự thành công của chiến dịch quân sự chủ yếu đến từ mưu kế của mưu sĩ nổi tiếng đời Trần – Đoàn Nhữ Hài.
Trước đó, khi vua Chiêm là Chế Chí sai người sang Đại Việt nạp cống, vua Anh Tông đã sai Đoàn Nhữ Hài bí mật ước hẹn với sứ giả là trại chủ Câu Chiêm.
Đoàn Nhữ Hài là vị quan am hiểu tình hình Chiêm Thành. Năm 1304, ông đã dẫn đầu đoàn sứ giả sang Chiêm. Trong chuyến đi này, Đoàn Nhữ Hài đã làm được hai việc mà các sử thần sau này ca ngợi. Thứ nhất là ông không lạy vua Chiêm mà mở chiếu thư ra để lạy, thứ hai là treo bảng cấm buôn bán ở bến cảng Tỳ Ni (ở khu vực thành phố Quy Nhơn hiện nay).
Đại Việt sử ký toàn thư viết: Sứ nước ta đi sứ Chiêm Thành, không lạy vua Chiêm bắt đầu từ Nhữ Hài. Do đó, khi về nước, ông được thăng chức Tham tri chính sự.
Sau đó, Nhữ Hài còn được thăng lên chức Tri khu mật viện sự, chức vụ rất quan trọng chỉ giao cho những người tôn thất. Ông cũng được giao đi phủ dụ nhân dân hai châu Ô, Lý và đổi tên đất này thành các châu Thuận, Hóa mới được nhập vào Đại Việt từ món quà sính lễ của vua Chiêm Chê Mân để cưới công chúa Huyền Trân.
Vua Trần Anh Tông. Ảnh minh họa.
"Đạo diễn" của một chiến dịch quân sự toàn thắng
Nhờ sự am hiểu về địa phương và nhân vật ở Chiêm Thành, mà Đoàn Nhữ Hài đã lập kế hoạch hoàn hảo cho cuộc chiến. Nhận được sự cam kết của chủ trại Câu Chiêm sẽ làm nội ứng cho quân Đại Việt, vua Anh Tông thân chinh xuất quân.
Khi quân Đại Việt tiến đến phủ Lâm Bình (vùng Quảng Bình hiện nay), chia quân làm ba đường: Huệ Vũ Vương Trần Quốc Chẩn (em trai vua Anh Tông) theo đường núi, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư theo đường biển, vua tự dẫn sáu quân theo đường bộ; thủy bộ cùng tiến. Đoàn Nhữ Hài được phong làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước.
Vua đến Câu Chiêm thì cho quân dừng lại. Nhữ Hài sai người tới chỗ trại chủ, nói rõ ý yêu cầu của vua Đại Việt là đòi quốc chủ nước Chiêm Thành ra hàng. Trại chủ báo với vua Chiêm Chế Chí. Dưới sự tác động của viên trại chủ, Chế Chí nghe theo, đem gia thuộc đi đường biển tới hàng.
Lúc đó, một sự kiện bất ngờ xảy ra khi Nhân Huệ Vương cho quân đuổi theo thuyền vua Chiêm. Nhữ Hài lập tức cho người chạy thư hỏa tốc về tâu với vua rằng: "Khánh Dư định cướp công vua".
Vua giận lắm, sai bắt giám quân của Nhân Huệ Vương là Nguyễn Ngỗi đem chặt chân. Nhân Huệ Vương lúc đó mới hoảng sợ, đến ngự doanh tạ tội và nói rằng: "Thần sợ nó đến giữa biển lại đổi bụng khác, nên mới chặn đằng sau thôi".
Vua nguôi giận, sai chia quân đi tuần các bộ lạc. Lúc đó quân đội Chiêm còn mạnh, lại chưa nắm được lệnh đầu hàng của vua Chiêm nên tụ tập định đánh vào ngự doanh. Tiếng voi của quân Chiêm lúc đó đã gần ngoài trại, quân sĩ nhà Trần có vẻ lo sợ.
Nhưng chỉ vài hôm sau, quân của Huệ Vũ Vương tự tìm đường mà tới, uy lực quân Đại Việt tăng lên gấp bội, khiến người Chiêm chạy tan hết cả.
Sử sách sau này đánh giá: Trận này không mất một mũi tên mà Chiêm Thành bị dẹp, đó là công sức của Nhữ Hài.
Chỉ cần khéo léo sử dụng các biện pháp tình báo và ngoại giao, Đoàn Nhữ Hài đã giúp quân đội của vua Trần giành được thắng lợi hoàn hảo.
Cho nên trong lời tựa cuốn sách "Vạn kiếp tông bí truyền thư" của Hưng Đạo Vương Trần Hưng Đạo, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã viết: "Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh", câu này đem áp dụng vào kế sách Đoàn Nhữ Hài, có lẽ không sai.
Tháng 5 năm ấy, vua Trần Anh Tông đem chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về Thăng Long, phong cho em của ông ta là Chế Đà A Bà Niêm làm Á hầu trấn giữ đất ấy.
Xuất thân đặc biệt
Đoàn Nhữ Hài là một trường hợp gia nhập quan trường độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông chưa tham gia thi cử, không phải con nhà quan, chỉ là một học trò áo vải bỗng nhiên xuất hiện đúng lúc vua cần rồi được cất nhắc.
Chuyện là năm 1299, vua Trần Anh Tông uống rượu say, đến nỗi Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường về kinh thăm cung điện cả buổi sáng mà vua vẫn không dậy nổi. Thượng hoàng nổi trận lôi đình, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội.
Đến chiều, vua Anh Tông mới tỉnh dậy, biết chuyện rất hoảng hốt. Nhìn quanh không thấy những bề tôi thân tín đâu cả, vua bối rối ra khỏi cung, tới cửa chùa Tư Phúc, gặp thư sinh Đoàn Nhữ Hài là học trò quê ở Hồng Châu (nay là Hải Dương) đang ngồi đọc sách, bèn nhờ ông soạn bài biểu tạ tội với Thượng hoàng.
Sau đó vua lấy thuyền nhẹ cho chèo về Thiên Trường, đem Đoàn Nhữ Hài theo, tới rạng sáng hôm sau thì tới.
Vua sai Đoàn Nhữ Hài vào phủ dâng biểu cho Thượng hoàng. Thượng hoàng giận, giả bộ không thèm để ý đến, mặc Đoàn Nhữ Hài cứ quỳ trước cửa điện. Chiều hôm ấy trời bỗng nhiên nổi mưa to gió lớn. Đoàn Nhữ Hài vẫn quỳ nguyên tại chỗ không nhúc nhích. Động lòng, Thượng hoàng sai nội nhân ra cầm tờ biểu tạ tội vào.
Đọc xong, Thượng hoàng khen tờ biểu viết khéo, quở trách Anh Tông nghiêm khắc rồi tha cho về, răn vua rằng: "Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?".
Trở về kinh sư, vua Trần Anh Tông ngay lập tức phong Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán, chức quan đứng hàng thứ hai ở Ngự sử Đài, có nhiệm vụ can gián, đàn hặc nhà vua. Khi ấy ông chưa tới 20 tuổi.
Việc một thư sinh trẻ tuổi chưa hề đỗ đạt gì, lại không phải dòng dõi quý tộc, mà được đưa lên một cương vị trọng yếu như vậy đã không khỏi khiến thiên hạ đàm tiếu, thậm chí người ta còn đặt câu thơ chế diễu rằng: "Ngự sử tụng truyền câu cổ ngữ, Đoàn trung tán miệng còn hơi sữa".
Tuy nhiên sau này, Đoàn Nhữ Hài đã thể hiện năng lực của mình, dần được thăng lên đến những chức vụ rất cao như Tri khu mật viện sự, Hành khiển, làm quan trải suốt 3 triều vua Trần là Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông.
Bàn thờ Đoàn Nhữ Hài tại Huyền Trân Công Chúa điện, Huế
Hy sinh ở trận tiền
Mặc dù là quan văn, nhưng cuối đời, Đoàn Nhữ Hài lại bỏ mạng nơi chiến trường. Đó là khi ông được Thượng hoàng Trần Minh Tông giao chức đốc chiến trong chiến dịch chinh phạt Ai Lao năm 1335.
Trận này, do mây mù che tối, quân Ai Lao phục sẵn voi ngựa, hai mặt giáp công. Quân của Đoàn Nhữ Hài bị đánh thua tan tác, bản thân ông sa xuống nước chết đuối. Sau thất bại đó của Đoàn Nhữ Hài, Thượng hoàng Minh Tông cho rằng ông đã thất trận chỉ vì muốn lập kỳ công, than rằng: "Thế mới biết sự mong muốn của con người không thể vượt quá giới hạn được!".
(Theo Đại Việt Sử ký toàn thư)