Kỳ tích Nhật Bản vừa xác lập: Mang "một nhúm báu vật" về Trái Đất, tiêu tốn 14,6 tỷ Yên

Trang Ly |

"Đây là giây phút chúng tôi chờ đợi nhất trong 6 năm qua".

Ảnh gốc: Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA)

Ảnh gốc: Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA)

Ngày 6/12/2020 - cùng với sự kiện tàu vũ trụ Hayabusa2 của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trở về Trái Đất thành công - Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử mang được mẫu đất đá khoan sâu từ một tiểu hành tinh về Trái Đất nghiên cứu (đọc chi tiết).

Ryugu - một tiểu hành tinh nằm cách Trái Đất của chúng ta 300 triệu km - chính là mục tiêu mà JAXA đã nhắm đến cách đây 6 năm.

Năm 2018, Forbes trích dữ liệu tính toán của Asterank ước tính, tiểu hành tinh Ryugu có thể được tạo thành từ niken, sắt, coban, nước, nitơ và amoniac, có trị giá tổng cộng 82,76 tỷ USD. 

Hiện tại, mẫu đất đá được cho là nặng 1 gram này đang được Nhật Bản lưu trữ vô cùng cẩn thận. Đại diện của cơ quan vũ trụ Nhật sẽ họp báo và công bố thành phần của mẫu đất đá Ryugu trước báo chí sau khi có kết quả chính thức. Tập hợp các chuyên gia hàng đầu Nhật đang nghiên cứu mẫu này.

Trong khi đang háo hức chờ đợi, mời độc giả điểm qua 10 điểm nổi bật xoay quanh sứ mệnh mà JAXA thực hiện trong 6 năm qua (Dữ liệu được lấy từ JAXA, Space):

1/ 6 năm

Là tổng thời gian mà sứ mệnh Hayabusa2 hoàn thành (từ khi cất cánh đến khi trở về Trái Đất thành công).

Ngày 3/12/2014, JAXA cho tàu thăm dò không gian Hayabusa2 phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima (Nhật) đến tiểu hành tinh Ryugu. Khoảng 4 năm sau, ngày 3/10/2018 (Giờ chuẩn Nhật Bản), tàu vũ trụ Hayabusa2 thả thành công tàu đổ bộ MASCOT xuống Ryugu.

Sau những ngày thu thập mẫu đất đá trên bề mặt Ryugu và tiến hành "khoan" bề mặt để lấy đất đá sâu bên dưới Ryugu, Hayabusa2 trở về Trái Đất thành công vào ngày 6/12/2020.

Kỳ tích Nhật Bản vừa xác lập: Mang một nhúm báu vật về Trái Đất, tiêu tốn 14,6 tỷ Yên - Ảnh 1.

Địa điểm hạ cánh MASCOT trên Tiểu hành tinh Ryugu (màu xanh). Nguồn: Nguồn: JAXA

2/ 5,2 tỷ km

Là tổng quãng đường mà tàu vũ trụ Hayabusa2 đã bay trong suốt quá trình thực hiện sứ mệnh đi đến Ryugu và về Trái Đất.

3/ 16,4 tỷ Yên (150 triệu USD)

Là chi phí của dự án Hayabusa2. 

Năm 2006, Ủy ban Hoạt động Không gian của Nhật Bản đề xuất dự án Hayabusa2. Tháng 8/2010, Hayabusa2 nhận được tài trợ.

4/ 82,76 tỷ USD

Năm 2018, Forbes trích dữ liệu tính toán của Asterank ước tính, tiểu hành tinh Ryugu có thể được tạo thành từ niken, sắt, coban, nước, nitơ và amoniac, có trị giá tổng cộng 82,76 tỷ USD. 

Sau khi tính toán chi phí đến đó và thiết lập các hoạt động khai thác, Asterank ước tính Ryugu có thể tạo ra hơn 30 tỷ USD lợi nhuận.

5/ 1 gram

Là lượng mẫu đất đá dự kiến mà Hayabusa2 đã mang về Trái Đất sau khi thu thập trên Ryugu, Japantimes và CNN cho biết.

Các mẫu vật, ước tính tổng cộng nặng 1 gram, bao gồm mẫu tiểu hành tinh dưới bề mặt đầu tiên trên thế giới. Các nhà khoa học hy vọng những vật liệu nguyên thủy sẽ giúp nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc của sự sống trên Trái Đất và sự tiến hóa của Hệ Mặt Trời.

Kỳ tích Nhật Bản vừa xác lập: Mang một nhúm báu vật về Trái Đất, tiêu tốn 14,6 tỷ Yên - Ảnh 2.

Trái: Hình minh họa tàu đổ bộ MASCOT tách khỏi tàu mẹ Hayabusa2. Phải: Hình minh họa MASCOT hạ cánh trên bề mặt của tiểu hành tinh Ryugu. Nguồn: JAXA

Tiến sĩ Yuichi Tsuda, Giám đốc dự án Hayabusa2 tại JAXA cho biết: "1 gram đối với nhiều người là rất nhỏ bé nhưng đối với chúng tôi đó là kỳ tích. Đây là giây phút chúng tôi chờ đợi nhất trong 6 năm qua".

Hiện tại, các mẫu đất bề mặt và dưới bề mặt tiểu hành tinh Ryugu sẽ được xử lý bởi Trung tâm Quản lý Mẫu Ngoài Trái Đất của JAXA. Mẫu này vẫn đang niêm phong kỹ trong Tamatebako (玉手 箱), có nghĩa là "hộp kho báu".

6/ Viên nang trở về Trái Đất như thế nào?

Viên nang chứa mẫu đất đá trên tiểu hành tinh Ryugu được bảo vệ bởi một tấm chắn nhiệt. Sau khi tách khỏi tàu vũ trụ mẹ Hayabusa2, nó lao về Trái Đất với vận tốc 11km/giây, việc ma sát với bầu khí quyển biến nó thành quả cầu lửa nhỏ.

Ở độ cao 10km so với mặt đất, một chiếc dù mở để làm chậm tốc độ rơi của viên nang, đồng thời đèn hiệu tín hiệu được bật để truyền cho đội giám sát ở mặt đất biết được vị trí rơi của nó. Địa điểm rơi là vùng đất hoang dã Woomera tại Nam Úc.

Để tìm kiếm viên nang quý giá này, JAXA bố trí đặt các đĩa vệ tinh để nhận tín hiệu, sử dụng radar hàng hải, máy bay không người lái và máy bay trực thăng để hỗ trợ tìm kiếm và thu hồi viên nang thành công.

7/ Tàu mẹ Hayabusa2

Hayabusa2 nặng 609 kg. Tàu mẹ mang theo tàu đổ bộ MASCOT và những chiếc tàu lượn MINERVA-II1A và MINERVA-II1B. 

Ngoài ra còn có hệ thống các camera công nghệ cao, viên nang trở về Trái Đất. Tàu trang bị hệ thống năng lượng Mặt Trời với mỗi cánh rộng 6 mét.

Kỳ tích Nhật Bản vừa xác lập: Mang một nhúm báu vật về Trái Đất, tiêu tốn 14,6 tỷ Yên - Ảnh 3.

Hình ảnh tàu mẹ Hayabusa2 (trái) và tiểu hành tinh Ryugu. Nguồn: JAXA

8/ Ryugu là gì?

Tên của tiểu hành tinh này do JAXA đặt theo Ryūgū (Long Cung) - một cung điện dưới nước huyền diệu trong một truyện cổ tích dân gian Nhật Bản.

Tiểu hành tinh này có đường kính 900m, do đó lực hấp dẫn của tiểu hành tinh này yếu hơn so với Trái Đất tới 66.500 lần. Nó nằm cách Trái Đất chúng ta 300 triệu km.

9/ Vì sao Nhật Bản quyết định chọn Ryugu?

Sứ mệnh Hayabusa trước đó của Nhật Bản nhắm đến là tiểu hành tinh Itokawa - một tiểu hành tinh loại S - loại được thành từ nhiều vật liệu đá và sắt niken.

Đến sứ mệnh Hayabusa2 này, JAXA chọn Ryugu (một dạng già hơn Itokawa) - một tiểu hành tinh loại C nghĩa là nó có nguồn gốc từ cacbon; với tỷ lệ cacbon cao, đây là loại tiểu hành tinh phổ biến nhất trong Hệ Mặt Trời.

JAXA nhận định, Ryugu có thể chứa nhiều khoáng chất hữu cơ hoặc ngậm nước. Việc thu thập được mẫu đá lần này sẽ góp phần giải mã sự hình thành của Hệ Mặt Trời.

Dưới đây là bức ảnh có độ phân giải cao nhất chụp được bề mặt của Ryugu cho đến nay:

Kỳ tích Nhật Bản vừa xác lập: Mang một nhúm báu vật về Trái Đất, tiêu tốn 14,6 tỷ Yên - Ảnh 5.

Cận cảnh bề mặt của Ryugu được tàu mẹ Hayabusa2 chụp từ độ cao 64 mét. Nguồn: JAXA

Kỳ tích Nhật Bản vừa xác lập: Mang một nhúm báu vật về Trái Đất, tiêu tốn 14,6 tỷ Yên - Ảnh 6.

Hình minh họa về những chiếc tàu lượn MINERVA-II1A và MINERVA-II1B của Hayabusa2 khám phá bề mặt của tiểu hành tinh Ryugu. Nguồn: JAXA

10/ Hayabusa2 đi về đâu?

Japantimes cho biết, tàu vũ trụ Hayabusa2 sẽ không trở lại Trái Đất mà thay vào đó tiếp tục thực hiện một sứ mệnh mở rộng để khám phá một tiểu hành tinh xa xôi khác có tên 1998KY26 - nằm giữa quỹ đạo của Trái Đất và sao Hỏa.

1998KY26, đường kính 30 mét, là một tiểu hành tinh loại X - có tiềm năng chứa nhiều kim loại và nước. Nếu sứ mệnh thăm dò 1998KY26, Nhật Bản tiếp tục sẽ là quốc gia đầu tiên tiếp cận thành công một tiểu hành tinh quay nhanh trong Hệ Mặt Trời  (quay khoảng 10 phút một lần). 

Dự kiến phải mất 11 năm thì Hayabusa2 mới đến 1998KY26.

Sự trở lại của Hayabusa2 diễn ra vài tuần sau khi tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA thực hiện thành công việc lấy mẫu bề mặt từ tiểu hành tinh Bennu (nhưng chưa mang trở về Trái Đất). 

Trong khi đó, Trung Quốc đã thông báo trong tuần này rằng tàu đổ bộ Mặt Trăng (Chang'e-5) của họ đã thu thập các mẫu dưới lòng đất và niêm phong chúng trong tàu vũ trụ để mang trở về Trái Đất.

Bài viết sử dụng nguồn: Hayabusa2.jaxa.jp, Space.com, Japantimes, Kyodonews, The Guardian

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại