Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một, sân bay xây một đường cất, hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Tháp không lưu – bộ não của sân bay Long Thành vượt tiến độ khoảng 70 ngày
Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tới nay các vị trí xây dựng nhiều hạng mục lớn của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đều đã hoàn thành san nền, sẵn sàng triển khai các công trình. Nhìn từ trên cao, "siêu sân bay" lớn nhất đất nước đã dần lên dáng lên hình.
Trong đó, tại dự án thành phần 2 - xây dựng công trình phục vụ quản lý bay, nhiều hạng mục vượt tiến độ. Riêng tháp không lưu thuộc đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành được chính thức khởi công vào 26/9/2022, sau hơn 600 ngày thi công, công trình này đã vượt tiến độ khoảng 70 ngày.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành với tháp không lưu cao 123m được ví như khối óc đảm bảo nhiều hoạt động của sân bay. Tháp có hình búp sen, đường kính thân rộng 10m, cabin kiểm soát có diện tích khoảng 150m2, 2 cabin kiểm soát sân đỗ với diện tích mỗi cabin khoảng 70m2.
Đại diện nhà thầu Tổng công ty 36, đơn vị thi công tại khu vực quản lý bay cho biết, tháp không lưu phần thô đã hoàn thành bê tông cốt thép đến sàn tầng 14M, đạt trên 75%. Công nhân đang dựng ván khuôn, cốt thép vách tầng 14M lên tầng 15, đạt độ cao hơn 81m. Phần nhà kỹ thuật đã hoàn thành phần bê tông cốt thép dầm sàn tầng trệt và làm dầm sàn tầng 1.
Hiện nay, công nhân đang làm dầm tầng áp mái (tầng lợp kết cấu thép) đạt 60% và đang xây tường. Phần trạm nguồn cũng đã làm xong phần thô bê tông cốt thép. Riêng phần nhà VIP đã thi công xong phần thô nền tầng trệt, đang làm dầm sàn tầng 1.
Đáng chú ý, nhà thầu đã huy động hơn 200 công nhân, kỹ sư làm nhiều ca kíp để đẩy nhanh các công việc ở các hạng mục, bù cho những ngày trời mưa. Dự kiến đến ngày 30/6/2025 sẽ hoàn thành tháp không lưu.
Công nghệ hiện đại nhất được áp dụng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, "các công trình phục vụ Quản lý bay" như đài kiểm soát không lưu, tháp không lưu là công trình hạ tầng có quy mô lớn, công nghệ phức tạp nhất từ trước tới nay mà Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện.
"Với tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia, VATM đã nỗ lực triển khai dự án với quyết tâm chính trị cao nhất, tính đến thời điểm này, Tổng công ty đang bám sát kế hoạch đề ra", đại diện VATM khẳng định.
Đặc biệt, tháp không lưu được gắn radar trên đỉnh và các hệ thống thiết bị được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất hiện nay và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai.
Trước đây, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết, đội tư vấn đã thiết kế một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại Trung tâm dữ liệu của cảng hàng không quốc tế Long Thành (Data Center) để lưu trữ thông tin của các hệ thống của toàn bộ sân bay.
Theo đó, hệ thống thiết bị kỹ thuật nhà ga, đài kiểm soát không lưu, thông tin xuất nhập cảnh, hải quan… kết hợp với hệ thống kết nối thông tin hỗ trợ kết nối giao tiếp vật lý và logic cho các hệ thống thông tin tại sân bay, phân tích và kiểm tra thông tin, đảm bảo thông tin được truy xuất cho các hệ thống riêng lẻ theo đúng định dạng, nhằm cung cấp tất cả dữ liệu liên quan hoạt động phục vụ bay một cách chính xác trong môi trường thời gian thực.
Từ đó, giúp đơn vị quản lý vận hành hiệp đồng ra quyết định tại sân bay, phân bổ phối hợp khai thác toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của cảng hàng không một cách phù hợp, hiệu quả nhất, giúp đơn vị quản lý vận hành có thể giám sát, phát hiện, xử lý các vấn đề an ninh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, ACV phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công áp dụng công nghệ BIM trong quá trình triển khai thiết kế, thi công và trong quá trình quản lý dự án để có các phương án, lường trước các điểm giao cắt giữa các gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ giữa các hạng mặt kỹ thuật cũng như tiến độ tổng thể của dự án.
BIM (Building Information Modeling) là mô hình tiên tiến giúp tạo lập và sử dụng thông tin hiệu quả xuyên suốt dự án từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành công trình. Theo đó, các nhà tư vấn thiết kế cũng như các nhà thầu xây dựng sử dụng các phần mềm BIM để tạo nên một mô hình của công trình trên máy vi tính. Mô hình này sẽ giống hệt như công trình thực tế ở ngoài công trường, được sử dụng để thể hiện toàn bộ vòng đời của một công trình xây dựng từ khâu thiết kế, thi công, cho đến khâu vận hành.