Ông Andrew Weil, Giáo sư y học và sức khỏe cộng đồng, người sáng lập và là giám đốc Trung tâm Y học tích hợp Andrew Weil tại Đại học Arizona (Mỹ) đã phát triển kỹ thuật thở 4-7-8 nhằm giúp mọi người dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Kỹ thuật thở 4-7-8 có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào cho dù bạn đang nằm trên giường hay chuẩn bị tham gia một cuộc họp căng thẳng.
Cách thực hiện kỹ thuật thở 4-7-8 rất đơn giản:
Bước 1: Hít vào bằng mũi đến giây thứ 4.
Bước 2: Giữ hơi thở trong 7 giây.
Bước 3: Thở ra bằng miệng từ từ trong 8 giây.
Một nhà trị liệu tâm lý làm việc tại thành phố New York (Mỹ) đã lý giải rằng việc giữ hơi lâu là để làm chậm hơi thở, đảm bảo quá trình thở ra và hít vào được hoàn thành tốt nhất có thể. Từ từ thở ra bằng miệng sẽ làm trống phổi nhiều hơn so với việc thở ra tự nhiên, cơ thể cũng sẽ hấp thụ nhiều oxy hơn trong lần hít vào tiếp theo. Khi thực hành nhiều, chúng ta có thể tăng tốc độ đếm nhanh hơn.
Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích cho quá trình hô hấp cũng như cho tình trạng sức khỏe tinh thần, giúp chúng ta đi vào giấc ngủ nhanh hơn và một số tác dụng khác như:
Tập trung suy nghĩ
Một vấn đề thường hay gặp phải là các suy nghĩ thường chạy vòng vòng trong đầu chúng ta, khiến tâm trí xáo động và khó đi vào giấc ngủ. Khi thực hiện bài tập thở 4-7-8, chúng ta cần phải đếm số giây hít vào, số giây giữ hơi và số giây thở ra. Vì vậy, thở có ý thức sẽ loại bỏ những suy nghĩ không mong muốn trong đầu.
Cải thiện tình trạng hô hấp
Khi hít thở sâu một cách có ý thức như trong kỹ thuật thở 4-7-8, cơ hoành sẽ được kích hoạt một cách hoàn toàn nhằm cải thiện việc hô hấp thay vì thở quá nhanh hay quá gấp. Cơ này nằm ngay bên dưới phổi, chịu trách nhiệm cho hoạt động hít vào và thở ra.
Thúc đẩy trạng thái thư giãn sâu
Bà Cheri D. Mah, bác sĩ làm việc tại Mỹ, cho biết hệ thống thần kinh đối giao cảm (PNS) chịu trách nhiệm đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn, trái ngược với hệ thống thần kinh giao cảm (SNS) là làm tăng phản ứng cơ thể với căng thẳng thông qua việc tim đập nhanh, lo lắng, tỉnh táo.
Cả hai trạng thái trên đều quan trọng đối với sự sống, và chúng đòi hỏi sự cân bằng. Trước khi chìm vào giấc ngủ, đa phần chúng ta vẫn còn bị mắc kẹt trong trạng thái căng thẳng gây khó ngủ. Các bài tập thở có thể kích hoạt hệ thống đối giao cảm giúp ngủ ngon.
Giảm căng thẳng mãn tính
Nếu được thực hành thường xuyên theo thời gian, khả năng điều chỉnh hệ thống thần kinh và phản ứng với căng thẳng sẽ được cải thiện. Bà Bergmann nói: "Giảm căng thẳng giúp giảm lo lắng, hạ huyết áp, cải thiện tâm trạng và giảm căng cơ". Khi đó, chúng ta cũng sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn và sức khỏe tổng thể cũng sẽ được cải thiện tốt hơn.
Theo Heathline