Xuất sắc
“Tuyệt vời. Trong bài diễn xiếc phải dài hơi hơn và nhiều động tác kỹ thuật, nhưng các bạn ấy biết tiết chế để vòng sau hơn vòng trước.
Phải nói hai bạn ấy đầu tư công phu, chuyên nghiệp, nghiên cứu kỹ về thị hiếu và mong muốn của nhà tổ chức”, ông Vũ Ngoạn Hợp nói.
Ông Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ đánh giá thành công của Quốc Cơ-Quốc Nghiệp có được nhờ công tác chuẩn bị rất chu đáo của cá nhân nghệ sĩ từ khâu thiết kế đạo cụ, bài bản sắp xếp tiết mục từ dễ đến khó dần.
“Tiết mục chung kết là sự tổng hoà của kỹ thuật xiếc ở trình độ cao, kỹ năng thuần thục điêu luyện, đạo diễn rất tốt khi phối hợp hài hoà giữa âm nhạc, ánh sáng, trang phục và kỹ thuật biểu diễn”, ông Khánh nói.
Có thể nói thiết kế đạo cụ ở đây đóng vai trò quan trọng, theo các nhà chuyên môn đạo cụ hỏng ở phần cuối bài thi đều do ý đồ của nghệ sĩ để “gây hiệu ứng tâm lí hồi hộp chờ đợi, tạo kịch tính cho nghệ sĩ có màn kết ngoạn mục khi nhảy từ trụ sang bàn nhờ kỹ năng thực hiện cực kỳ công phu”.
Nhờ có lần hỏi chuyện Quốc Cơ-Quốc Nghiệp về những “chiêu” gây kịch tính, nghệ sĩ cười cho rằng đấy cũng là kỹ thuật biểu diễn để tăng tính hấp dẫn cho tiết mục.
Cảm hứng mang tên Cơ-Nghiệp
“Thành công rực rỡ của hai bạn Cơ-Nghiệp là niềm tự hào cho đất nước con người Việt Nam và ngành xiếc nói riêng.
Hình ảnh hai nghệ sĩ tham gia cuộc thi trở thành sự khích lệ rất lớn, thành mẫu điển hình cho các học sinh, nghệ sĩ xiếc”, ông Hoàng Minh Khánh nói.
Ông cho rằng việc hai nghệ sĩ không lọt Top 3 giải thưởng “không phụ thuộc tài năng mà phụ thuộc vào tiêu chí của giám khảo và nhà sản xuất chương trình.
Từng có một số tiết mục nhào lộn trên không vào chung kết các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng cũng không đạt giải cao. Dù ở vị trí nào, thành tích của hai bạn đều là niềm tự hào ngành xiếc Việt Nam”.
Kỹ thuật chuyên môn của anh em hoàng tử xiếc Cơ-Nghiệp thuyết phục từ khán giả tới các nhà chuyên môn. Sự thành công của Cơ-Nghiệp không chỉ nhờ có vậy. NSND Vũ Ngoạn Hợp cho rằng hai nghệ sĩ này còn rất chú ý tới phương pháp truyền thông.
Nghệ sĩ đế kiếm 9X Trịnh Trà My lọt vòng trong Americain's Got Talent 2018
“Tiết mục hay, kỹ thuật tốt và hơn hết hai bạn ấy biết đưa mình lên vị trí xứng đáng. Xiếc Việt Nam từng có rất nhiều giải vàng, bạc, đồng tại các liên hoan xiếc quốc tế nhưng quả thực truyền thông rất kém nên khán giả không biết tới nhiều”, ông nói.
Hiệu trưởng trường xiếc nói rằng những năm gần đây Nhà nước quan tâm nhiều hơn tới đào tạo tài năng trẻ nói chung, nghệ thuật xiếc nói riêng dẫn tới sự biến chuyển rõ rệt-giáo viên, học sinh trường xiếc tham gia các kỳ thi quốc tế và có thành tích đáng nể.
Năm 2009 Việt Nam chưa có thành tích tại LH xiếc quốc tế Ngô Kiều (Trung Quốc), tuy nhiên tới cuộc thi năm 2015 tại Vũ Hán Việt Nam đạt giải Ba trong tổng số khoảng 60 tiết mục của hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mới đây, hai cô gái vàng của trường xiếc đạt giải Nhất tại LH xiếc quốc tế Cuba 2017 với tiết mục Cánh chim Việt.
Hai nghệ sĩ trẻ Ngọc Ánh-Thu Thuỳ từng giành giải nhất LHP xiếc quốc tế Cuba 2017
“Có thể nói thế hệ đàn anh đàn chị trở thành tấm gương cho học sinh trường xiếc, thúc đẩy sức sáng tạo của giáo viên”, ông Khánh nói.
Ông Vũ Ngoạn Hợp cho rằng nghệ sĩ xiếc phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong tập luyện, rủi ro chấn thương, bệnh tật trong khi tuổi thọ nghề nghiệp không kéo dài.
“Chúng ta bỏ ra hàng triệu USD để phát clip quảng bá hình ảnh Việt Nam trong vài chục giây, trong khi hình ảnh của nghệ sĩ Việt như Quốc Cơ-Quốc Nghiệp có sức lan toả rất lớn”, NSND Vũ Ngoạn Hợp nói.
Ông cho rằng đây là ví dụ đáng quan tâm để điều chỉnh chính sách phát triển văn hoá nói chung, đầu tư cho tài năng trẻ nói riêng.