Tuy nhiên, với sự kỳ thị, bới móc đời tư người mắc Covid-19 sẽ khiến người bệnh e ngại, khai báo hạn chế, dẫn đến khó kiểm soát người nghi nhiễm.
Lan truyền thông tin thất thiệt
Theo thông tin từ Bộ Công an, những ngày qua đã lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21 nhiễm Covid-19. Các đối tượng bịa đặt, xuyên tạc bệnh nhân này có bồ nhí, con riêng, thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.
Cùng với việc xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin xuyên tạc tình hình về dịch bệnh Covid-19, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh, xử lý một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về bệnh nhân này.
Điển hình như Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại Đông Anh…
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bệnh nhân N.Q.T. Các đơn vị chức năng của Bộ Công an căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng để xem xét hình thức xử lý.
Theo thống kê của lực lượng công an, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội.
Trong số này, có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc sai sự thật, kỳ thị thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Có thể xử lý hình sự
Theo các chuyên gia luật, người mắc Covid-19 là những bệnh nhân, nạn nhân của bệnh dịch toàn cầu. Khi họ mắc bệnh, cũng như bao người bệnh khác phải chịu tổn hại về sức khỏe, tâm lý.
Trong khi cả hệ thống y tế đang ra sức chữa trị thì cộng đồng đừng vì thế mà gây sức ép, gắn cho họ thêm căn bệnh tinh thần không đáng có, đây là hành vi đáng lên án.
Về phía người nhiễm virus SARS-CoV-2, nếu e ngại, sợ hãi dẫn đến khai báo hạn chế, thiếu trung thực, dẫn đến khó kiểm soát người nghi nhiễm. Những trường hợp khai báo gian dối, dẫn đến lây lan bệnh dịch thì việc này sẽ có cơ quan chức năng xử lý theo quy định tùy theo mức độ vi phạm.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, pháp luật nghiêm cấm lợi dụng tình trạng dịch bệnh để lấy thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác, vu khống…
“Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Ngoài ra, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.