Nhiều người cho rằng Tam Quốc diễn nghĩa không chỉ mô tả các cuộc chiến tranh mà trọng tâm đặt ở việc đấu trí của các nhân vật. Do đó, thời Tam Quốc rất đề cao vai trò của các kỳ tài. Họ là những người như Quách Gia, Tuân Úc, Gia Cát Lượng, Pháp Chính hay Chu Du… Tuy nhiên, trong tác phẩm này vẫn còn nhân vật tài năng không kém họ nhưng lại ít được biết đến, đó chính là Tả Từ.
Kỳ tài bí ẩn nhất trong Tam Quốc diễn nghĩa
Theo sử liệu, Tả Từ là một đạo sĩ Lão giáo, tự là Nguyên Phóng, đạo hiệu là Ô Giác tiên sinh, người quận Lư Giang, nay là Tiềm Sơn, tỉnh An Huy. Mặc dù biết nơi lưu trú của ông, nhưng năm sinh năm mất không rõ. Người ta tin rằng ông đã sống trước khi nhà Hán sụp đổ và khẳng định rằng ông thọ đến 300 tuổi.
Tả Từ học phép thuật đạo Lão để được trường sinh bất tử, từ vị đạo sĩ tên Phong Hành, và sau đó truyền lại đạo thuật cho Cát Huyền.
Tả Từ tu trên đỉnh núi Thiên Trụ, luyện tập nội đan thuật và nuôi dưỡng tinh khí bằng khí công và tập luyện Phòng trung thuật. Nhiều người nói rằng ông có thể sống trong nhiều thời kỳ mà không cần ăn. Tả Từ cũng học Tứ thư Ngũ kinh và Chiêm tinh học.
Tả Từ là một kỳ tài có tiền đồ xán lạn thời niên thiếu, nhưng vì ảnh hưởng bởi chiến loạn, ông đã chọn cách "bế quan tu luyện", trở thành cao nhân am hiểu thiên văn tinh tượng và kỳ môn độn giáp. Dân gian còn cho rằng ông là người có "bán tiên thể", tiên nhân hạ phàm.
Kỳ tài từng bị Tào Tháo, Tôn Sách đuổi giết
Trong Tam Quốc diễn nghĩa hồi 68, 69 và một số tác phẩm như: "Hậu hán thư. Tả Từ truyện", "Sưu thần ký", "Phương dư thắng lãm", "Thiên hạ danh thắng chí, "Giang nam thông chí" hay "Lư giang huyền chí" đều có ghi lại: Tương truyền rằng, Tả Từ đã từng uống rượu cùng Tào Tháo, Tào Tháo muốn có được cá lư sống ở sông Tùng Giang. Tả Từ dùng một chậu đồng đựng nước là câu được ngay, Tào Tháo mừng rỡ. Thế nhưng sau đó, Tào Tháo phát hiện các loại thực phẩm được người dân bày bán ở chợ biến mất một cách vô cớ nên ông đã cho rằng Tả Từ mưu mô lừa lọc sử dụng thủ thuật tinh vi để che mắt người, thế là đã hạ lệnh giết chết Tả Từ.
Không ngờ rằng Tả Từ vận dụng thuật kỳ môn độn giáp đến thành thục, trốn tránh thành công sự truy bắt của Tào Tháo. Theo đó, Tả Từ đã biến mình thành một con dê, ẩn nấp trong bầy dê, khiến đám binh sĩ từ bỏ việc đuổi giết.
Lần khác, Tào Tháo phái người đi khắp nơi tìm bắt. Nực cười là trong vòng ba ngày ở trong và ngoài thành tổng cộng có hơn 300 người bị bắt, đều có đặc điểm bị mù một mắt và què một chân như Tả Từ. Tào Tháo càng giận dữ: "Chặt đầu hết cho ta". Nhưng sau khi hơn 300 Tả Từ bị trảm, từ bên trong mỗi thi thể đó đều bay ra làn khói màu xanh, và trên không trung tụ lại thành một Tả Từ hoàn chỉnh. Chưa hết, Tả Từ trên không trung còn vẫy tay, một con hạc trắng bay tới. Tả Từ ngồi trên con hạc, vỗ tay và cười nói: "Chuột đất theo hổ vàng, gian hùng một ngày chết".
Tào Tháo lệnh cho binh lính dùng cung bắn Tả Từ. Chợt cơn gió mạnh thổi tung đá và cát, hơn 300 thi thể của Tả Từ ở dưới đất đột nhiên đều đứng dậy, từng người một ôm đầu, từ từ từng biến tiến về phía trước, chạy lên võ đường đánh Tào Tháo. Các quan văn võ ai nấy cùng bay hồn lạc phách, ngã lăn xuống đất, không ai cứu giúp được ai nữa.
Không chỉ có Tào Tháo, khoảng trước năm 200, lãnh chúa Đông Ngô là Tôn Sách, một người theo chủ trương Khổng giáo, muốn giết Tả Từ và cưỡi ngựa truy sát ông. Tả Từ chỉ đi bộ, vẫn trốn thoát được bằng cách đi chậm thong thả. Tôn Sách đã phát hiện Tả Từ thật sự biết những loại pháp thuật kỳ quái, đao kiếm không thể xuyên vào người. Về sau, Tôn Sách không còn dám xem thường ông.
Theo các học giả bình luận trên trang Sohu, nhiều nhà tu hành nổi tiếng thời cổ đại đều có những pháp thuật, nhưng cũng có người cho rằng điều họ dùng là ảo thuật che mắt người khác. Tuy nhiên, người có thể lập tức có thể biến mọi người trên phố đều giống hệt nhau, lại có thể biến thành cừu trong nháy mắt, khiến cả bầy cừu nói được, thì mấy ai đạt được tới trình độ đó?
Vì vậy, Tả Từ xứng đáng là kỳ tài mạnh nhất được xếp vào hàng huyền thoại trong Tam Quốc diễn nghĩa.
*Nguồn: Sohu, Sina