Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy

Thi Anh |

Một thanh niên "ôm mộng" trở thành phóng viên chiến trường và Syria là nơi đầu tiên anh ta chọn để tác nghiệp.

Sunil Patel chưa từng đăng bài báo nào trước khi anh quyết định tới Syria làm phóng viên chiến trường. Trước chuyến đi ấy, chàng thanh niên 25 tuổi là nhân viên hỗ trợ cộng đồng cho sở cảnh sát London. Patel sống cùng bố mẹ và thi thoảng đi làm tình nguyện trong các trại tị nạn của người Kurd và Palestine.

Dưới đây là trải nghiệm của anh tại chảo lửa Trung Đông.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy - Ảnh 1.

Tôi gặp Carlos trong một quán net ở Erbil, vùng người Kurd tại Iraq (tất nhiên, Carlos không phải tên thật của anh ta).

Carlos bảo tôi, anh ta đã từng tới Syria làm phóng viên ảnh tự do, và sẽ sớm quay lại đó. Tôi cũng kể anh ta nghe, mình có ý định tới đó viết bài về cuộc xung đột dù không hề có kinh nghiệm làm báo.

"Cậu biết không?", anh ta nói, "Tớ sẽ đưa cậu tới Syria". Dường như anh ta chẳng quan tâm tới việc tôi là một kẻ mới vào nghề. Có lẽ Carlos chỉ muốn có bạn đồng hành.

Chúng tôi thỏa thuận với nhau. Tôi sẽ quay về nhà ở London, khi nào Carlos sẵn sàng trở lại Syria, anh ta sẽ điện cho tôi và chúng tôi sẽ gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đó chúng tôi sẽ vượt biên. "Tớ có mối rồi", anh ta nói. Tôi hơi lo lắng nhưng kế hoạch đó nghe cũng lọt tai.

Chúng ta sẽ chẳng có những phóng viên chiến trường như Robert Fisk hay Seymour Hersh nếu họ chỉ ru rú ở nhà với mẹ, thay vì lao vào cuộc.

Gia đình tôi không thích kế hoạch này. Họ nghĩ tôi sẽ bỏ mạng ở đó. Nhưng tôi đã nói với họ, rằng nếu đời này tôi có một cơ hội làm phóng viên chiến trường, thì chính là đây.

Nhưng họ chẳng quan tâm. Họ chỉ buồn.

Ngay ngày hôm sau, Carlos gọi điện. "Nghe này", anh ta nói, "Tớ đi đây. Cậu có tham gia không?" Lòng tôi đã quyết. Tôi bảo Carlos là sẽ gặp anh ta ở đó và đặt ngay chuyến bay kế tiếp tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Lên đường

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy - Ảnh 2.

Sau khi máy bay đáp xuống Istanbul, tôi bắt xe buýt tới Hatay, nơi Carlos đang ở cùng bạn. Biên giới Syria cách đó chỉ 25 dặm về phía Đông Nam. Chúng tôi muốn tới đó càng nhanh càng tốt, nhưng chẳng ai trong 2 chúng tôi nói được quá vài từ tiếng Thổ hoặc tiếng Ả Rập.

May thay, chúng tôi được một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ đưa tới đó. Họ cho chúng tôi vào nhà, mời chúng tôi uống trà và đôi bên trò chuyện bằng Google dịch. Chúng tôi giải thích rằng mình đang định tới Syria. Không biết bằng cách nào nhưng họ hiểu những gì chúng tôi nói và giúp chúng tôi điện cho "mối" của Carlos, người sẽ giúp chúng tôi vượt biên.

Việc của chúng tôi là đi tới biên giới.

Theo lời Carlos, anh ta đã có thâm niên xin đi nhờ xe và từng rong ruổi khắp Đông Âu. Thế nên, chúng tôi quyết định xin quá giang tới biên giới Syria.

Chúng tôi đúng là một cặp buồn cười - tôi là người Ấn Độ nên dĩ nhiên là không đáng ngờ, nhưng Carlos thì da trắng, tóc đen, cổ lại đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh. Chúng tôi đã vẫy xe trên suốt con lộ hẹp bên ngoài Hatay.

Phải xin đi nhờ 7 chặng và mất 3 tiếng, chúng tôi mới đi được 25 dặm tới biên giới.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy - Ảnh 3.

Biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ (địa phận Reyhanli).

"Mối" của Carlos, một người tên Muhammad đã lái xe đưa chúng tôi vào thị trấn Reyhanli gần biên giới với Syria. Reyhanli chỉ cách Aleppo, nơi cuộc chiến đang nóng dần, 35 dặm.

Khi chúng tôi đi lòng vòng và tìm cách định hướng, hàng loạt người tị nạn vẫn đang đổ về Thổ Nhĩ Kỳ - để chạy trốn khỏi cuộc chiến. Tôi đoán vậy.

Vượt biên vào Syria

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy - Ảnh 4.

Chúng tôi đi bộ qua biên giới. Chẳng ai chặn lại, cũng chẳng ai hỏi han. Chúng tôi cứ thế mà đi. Không đủ tiền nên chúng tôi không thuê thông dịch viên. Carlos thì chẳng còn mối nào nữa, và lúc đó chúng tôi chỉ mong gặp được các phiến quân nổi dậy, những người chúng tôi có thể nói chuyện và cho chúng tôi thấy bộ mặt của chiến tranh.

Đúng lúc đó, vài người đàn ông mặc quân phục tiến về phía chúng tôi. "Phóng viên này!", họ hô lên bằng tiếng Ả Rập.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy - Ảnh 5.

Quân Giải phóng Syria (FSA).

"Đúng vậy, chúng tôi là phóng viên", tôi nói bằng tiếng Anh. Tôi nghĩ họ hiểu. "Chúng tôi muốn đưa tin. Các anh có thể dẫn chúng tôi tới chỗ có chiến sự được không?"

Thế rồi một người khác xuất hiện. Anh ta là phóng viên Syria và biết một chút tiếng Anh. "Đừng lo", anh ta nói, "Đây là Quân Giải phóng Syria (FSA). Anh có thể đi cùng họ. Tin tôi đi, họ an toàn."

Tự nhiên, chúng tôi thấy chợn. Nhưng chúng tôi biết đây là cơ hội duy nhất của mình, nên trộm nghĩ: Cứ đi xem có chuyện gì. Có vẻ cũng chẳng nguy hiểm lắm.

Tất cả chúng tôi chen chúc trong một chiếc Toyota 2 khoang cũ kỹ. Phía trước là 2 binh lính, vũ trang đầy đủ, còn tay phóng viên người Syria, Carlos và tôi thì ở đằng sau. Tay phóng viên cho chúng tôi biết, các chiến binh đang đưa chúng tôi về căn cứ.

Chẳng có trận giao tranh nào đáng kể ở những thị trấn mà chúng tôi đi qua, nhà cửa vẫn đứng yên và mọi thứ trông đều ổn.

Đi khoảng 40 phút thì chúng tôi đến một nơi trông như trường học. Những người lính dẫn chúng tôi vào bên trong, nơi có khoảng 30 chiến binh và một anh chàng người Syria. Anh ta cho chúng tôi biết, đây là Idlib.

"Các anh là phóng viên", anh ta nói, "Chúng tôi sẽ chăm sóc các anh. Nếu các anh muốn viết bài, hoặc ra ngoài với phiến quân, chúng tôi sẽ giúp". Anh ta không phải là phiến quân, mà chỉ là bạn của họ. Thế rồi, lính FSA đãi chúng tôi một bữa no nê với món hummus và falafel.

Kết quả là chúng tôi ở lại đó 4 ngày, mà chẳng làm gì mấy.

Chúng tôi ngày càng mất kiên nhẫn bởi chẳng thấy chiến sự xảy ra ở nơi này, nên một đêm, chúng tôi hỏi lính FSA xem, liệu có ai có thể đưa chúng tôi tới thành phố cổ đang bị chiếm giữ được không. Anh ta bảo: "Tất nhiên là được".

Ngay trước nửa đêm, một chỉ huy đưa chúng tôi tới Jabal al-Zawiya, cách đó 1 giờ lái xe. Mọi chuyện hẳn sẽ nghiêm trọng hơn. Lúc nào cũng sẽ có đánh nhau.

Đêm đó chúng tôi nghỉ lại trong một ngôi nhà đất trên đồi. Trong nhà toàn những ông già. Họ đeo quân trang và vũ trang đầy mình. Tôi nhớ là đã nhìn thấy một cái gì đó trông như giá treo quần áo, móc đầy những khẩu M-16.

Bom nổ ở phía xa. Ngoài những ông già, còn có một cậu thanh niên người Syria, trước là sinh viên văn học. Cậu ta phiên dịch cho chúng tôi.

Hôm sau, cậu sinh viên dẫn chúng tôi đi quanh vùng và chúng tôi đã phỏng vấn những người chịu ảnh hưởng của cuộc chiến. Cậu ta cũng đưa chúng tôi tới một thị trấn gần đó và cho chúng tôi xem tàn tích của một ngôi nhà mà shabiha, những kẻ trung thành với Assad - đã đốt trụi. Chúng tôi bước vào căn nhà đổ nát ấy và chụp ảnh.

Ký sự Syria phiên bản a-ma-tơ: Tập viết báo với quân nổi dậy - Ảnh 6.

Jabal al-Zawiya.

Dù thế, cảm giác vẫn hơi thất vọng.

Đây không phải là Aleppo, nơi chiến tranh thực sự diễn ra. Và chúng tôi muốn lên đường. Chúng tôi muốn nhìn thấy bom nổ. Vì thế vài ngày sau, 1 chỉ huy FSA lại đề nghị đưa chúng tôi tới gần tiền tuyến hơn, tới một căn cứ khác của phiến quân ngay ngoại ô thành phố.

Đường rất xấu. Chúng tôi đi qua một vài thị trấn tan hoang. Hầu hết các công trình đều trúng bom và đổ sụp. Một số ít nhà cửa còn sót lại thì bị cướp hoàn toàn. Đúng là những thị trấn ma.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại