Ký sự Asiad 2018: Trên những nẻo đường Jakarta

Nguyên Phong (từ Jakarta) |

An ninh, tắc đường…hay lâu dài hơn như nguy cơ lãng phí từ các công trình phục vụ Asiad 2018 đang là những vấn đề đặt ra với Indonesia, khi mà thời gian diễn ra lễ khai mạc chỉ còn tính bằng giờ.

Thậm chí, vẫn còn đó những câu hỏi về việc vì sao chính phủ Indonesia lại đứng ra nhận đăng cai Á vận hội, sau khi Việt Nam đã nhận rồi xin rút.

An ninh là vấn đề quan tâm hàng đầu của chính phủ Indonesia trong thời gian diễn ra Asian Games 2018 (Asiad 2018). Cảnh báo càng tăng lên sau vụ tấn công khủng bố tại Surabaya, thành phố lớn thứ 2 ở Indonesia cách đây ít tháng.

Theo tờ Jakarta Post, an ninh đã tiến hành hàng loạt chiến dịch truy kích khủng bố, tiêu diệt và bắt giữ nhiều đối tượng kể từ vụ việc trên. Chính quyền cho biết sẽ triển khai khoảng 100.000 nhân viên an ninh tại các thủ đô Jakarta, Tây Java và Palembang, những nơi đăng cai các môn thi đấu ở Asiad 2018.

Chuyện khủng bố nghe có vẻ xa xôi, trên thực tế mối lo thường trực của BTC cũng như đoàn các quốc gia dự Asiad 2018 bao gồm cả Việt Nam lại là…tắc đường, đặc biệt với các môn thi đấu tại thủ đô Jakarta. Thủ đô của Indonesia từng đứng thứ 12 trong nhóm những thành phố có tình trạng giao thông tệ nhất trên thế giới, theo khảo sát của INRIX Global Traffic.

Sáng 17/8, tôi cùng dăm đồng nghiệp “nhảy” Grab từ Cikarang (Tây Java) để tới Jakarta. Quãng đường di chuyển hơn 50km mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Như thế là chúng tôi gặp may, hôm qua đúng ngày Quốc khánh Indonesia nên mật độ lưu thông trên đường giảm hẳn. Cũng hành trình trên, một đồng nghiệp của tôi đã mất gần 3 giờ đồng hồ khi xui xẻo “chọn” đúng giờ cao điểm để lên đường.

Theo kết quả một cuộc khảo sát năm 2017, một lái xe ở thủ đô Jakarta, trung bình mỗi ngày có thể tốn 68 phút trên các con đường tắc nghẽn, cỡ 21 phút để tìm chỗ để xe và dừng đỗ trên đường…33.000 lần/năm. Người dân Jakarta có lẽ cũng sẽ phải ưu tư khi biết trong suốt cả cuộc đời, thời gian trung bình họ lãng phí trên những đoạn đường ken đặc phương tiện giao thông lên tới 10 năm!

Grab và Go-Jek

Đây là hai dịch vụ rất hữu ích với các du khách khi đến Jakarta. Dịch vụ Grab đã phổ biến ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Go-Jek là một ứng dụng khác cho việc di chuyển ở Jakarta, dù sinh sau nhưng đang phát triển rất mạnh. Ứng dụng này tương tự như Grab, và thậm chí còn tiện lợi hơn khi mở rộng sang cả dịch vụ gọi đồ ăn, massage… với giá cả rất cạnh tranh.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Go-Jek đã trở thành đối thủ đáng gờm của Grab và taxi truyền thống. Rất dễ để nhìn thấy trên đường phố Jakarta những tài xế Go-Jek, đón hoặc chở khách trên đường. Xe máy tỏ rõ ưu thế so với ô tô trong điều kiện tắc đường ở Jakarta.

Cùng một quãng đường, di chuyển bằng xe máy có thể tiết kiệm 1 nửa thời gian so với ô tô. Sự phát triển nhanh chóng của Go- Jek thậm chí đã dẫn đến những phàn nàn với chính quyền từ các doanh nghiệp taxi truyền thống, về việc Go-Jek đang làm teo tóp dịch vụ giao thông công cộng.

Ký sự Asiad 2018: Trên những nẻo đường Jakarta - Ảnh 1.
Những vị khách dừng xe ngay vệ đường hỏi mua dê để chuẩn bị cho lễ hội sắp tới. Ảnh: NP.

Trong thời gian diễn ra Asiad 2018, chính quyền Jakarta cũng yêu cầu đóng cửa một số trường học gần các điểm tổ chức các môn thi đấu nhằm giảm thiểu tình trạng tắc đường. Hệ thống xe buýt nhanh TransJakarta cũng được tận dụng tối đa.

Truyền thông Indonesia nói BTC đã trưng dụng 400 xe buýt để phục vụ di chuyển trong thời gian diễn ra Asiad 2018, riêng thủ đô Jakarta có 300 chiếc. Để đi đúng tuyến mình cần, cách nhanh nhất với cánh phóng viên là nhờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, vốn bao giờ cũng sẵn lòng và rất tận tình.

Ngõ nghèo không cần Asiad

Khách sạn nơi tôi ở tại thủ đô Jakarta nằm sâu trong một đoạn ngõ nhỏ, cách chỉ khoảng hơn 2km với sân vận động quốc gia Bung Karno. Ở đây, những ngôi nhà nhỏ lụp xụp nằm xen nhau, tường sơn cáu bẩn và cũ kỹ. Rạch nước chạy vòng quanh, đóng quạnh một màu đục nhờ, nổi váng của chất thải. Có khá nhiều hàng ăn, thoáng nhìn đều có thể thấy chủ yếu để phục vụ những khách hàng bình dân.

Tại một ngã ba, một phụ nữ chậm rãi đo, đổ xăng vào bình cho khách. Xăng được đựng trong những chai nước giải khát cũ: có coca-cola, Fanta…Cách đó không xa, chỉ trên đoạn đường khoảng 100m ghi tên Karbela Selatan, tôi đếm được 3 chuồng bán dê lưu động.

Trời nắng, mùi phân dê thoảng bốc lên, hăng hăng mũi. Lễ tân khách sạn nơi tôi ở giải thích, đây là những chuồng dê được dựng tạm, bán để phục vụ ngày lễ Hồi giáo sắp diễn ra ở Jakarta. Tôi được biết chính quyền thủ đô đã cố gắng để dẹp những điểm bán động vật sống xung quanh Bung Karno và các điểm tổ chức thi đấu tại Asiad 2018, vừa tránh khả năng bệnh dịch, vừa để giữ hình ảnh.

Nếu cần chọn một nơi để nhìn thấy sự chênh lệch giữa kẻ giàu và người nghèo, không gì bằng đến Jakarta. Thủ đô của Indonesia xếp thứ 6 trên thế giới về khoảng cách giàu nghèo, và ở châu Á chỉ sau mỗi Bangkok (Thái Lan).

Một báo cáo năm 2017 của Oxfam nói, tài sản của 4 người giàu nhất Indonesia còn lớn hơn 100 triệu người nghèo nhất nước này. Người giàu đã hưởng phần lớn của cải được tạo nên trong gần 2 thập kỷ kinh tế phát triển mạnh nhất ở Indonesia.

Chỉ bước ra khỏi đoạn ngõ Karbela Selatan độ 500m, bên ngoài là con lộ lớn rộng thênh thang, dẫn tới Bung Karno và hàng loạt toà nhà chọc trời ở Jakarta. Chỉ cách Bung Karno hơn 2km, nhưng ở đây không có băng-rôn, không khẩu hiệu, và cũng không vẻ gì những con người đang phải chật vật mưu sinh hàng ngày kia hứng thú với các môn thi đấu thể thao của Asiad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại