Những nghiên cứu trước đây đã cho thấy, việc xâm nhập vào cơ thể vật chủ của loại động vật nguyên sinh này sẽ gây ra nhiều mối nguy hại. Nguy hiểm nhất là nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai trong tử cung.
Không những thế, ký sinh trùng còn có thể làm thay đổi và khuếch đại một số chứng rối loạn thần kinh, như bệnh động kinh, Alzheimer, Parkinson, thậm chí có thể gây ung thư thần kinh.
Nhà thần kinh học Dennis Steindler thuộc Trường Đại học Tufts, cho biết: "Nghiên cứu này dẫn đến một số thay đổi quan trọng. Nó buộc chúng ta phải xếp các bệnh truyền nhiễm vào nhóm với các bệnh thoái hóa thần kinh, động kinh và ung thư thần kinh."
Phát hiện của nhóm nghiên cứu là một phần trong những nghiên cứu mới đây về ký sinh trùng T. gondii. T. gondii lây lan sang người khi con người tiếp xúc với phân mèo hoặc ăn thịt chưa được nấu chín.
Sau khi "đổ bộ" vào cơ thể vật chủ, ký sinh trùng sẽ tạo ra các protein đề điều khiển và làm thay đổi các chất hóa học trong não đối tượng bị nhiễm bệnh.
Thông thường, những người lớn khỏe mạnh sẽ không gặp nguy hiểm bởi loài ký sinh trùng này - ngoại trừ phụ nữ mang thai.
Vì vậy, các thai phụ được khuyến cáo nên tránh xa chất thải của mèo. Các nghiên cứu trước đây cũng cho biết, loài sinh vật nguy hiểm này gắn liền với chứng rối loạn và thay đổi hành vi. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng chúng còn có khả năng thay đổi cả chức năng miễn dịch của con người.
Ký sinh trùng T. gondii lây lan qua phân mèo. (Ảnh: Alain Pham)
Nhưng một số nhà nghiên cứu khác lại nghi ngờ về những tuyên bố tiêu cực xung quanh loài ký sinh trùng này. Họ cho rằng T. gondii không hề tạo ra những mối tương quan với hệ thần kinh như những báo cáo trước đã đề cập.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới này, một nhóm gồm hơn 30 nhà khoa học thuộc 16 viên nghiên cứu đã chứng minh điều ngược lại.
Họ cho biết lượng protein do T. gondii tiết ra có thể ảnh hưởng tới các chất hóa học thần kinh và kích hoạt những thay đổi trong não của cơ thể vật chủ, dẫn đến các bệnh thoái hoá thần kinh.
Một trong số các nhà nghiên cứu – ông Rima McLeod thuộc Trường Đại học Chicago, nói:
"Chúng tôi cho rằng cơ chế hoạt động của ký sinh trùng liên quan đến nhiều yếu tố. Điểm cốt lõi ở đây là các gen mẫn cảm của ký sinh trùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ não của vật chủ. Chúng làm suy yếu khả năng ngăn ngừa những bệnh nhiễm trùng của cơ thể."
Để chứng minh điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ nghiên cứu về bệnh toxoplasma từ năm 1981. Nghiên cứu đã theo dõi 246 trẻ sơ sinh mắc bệnh toxoplasmosis bẩm sinh do ký sinh trùng T. gondii gây ra.
Kết quả cho thấy các mảnh microRNA và protein tìm thấy ở trẻ bị bệnh toxoplasmosis nặng tương thích với "dấu ấn sinh học" được tìm thấy ở những bệnh nhân mắc chứng thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ký sinh trùng còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh động kinh do chúng làm thay đổi kênh giao tiếp giữa các tế bào não, hay còn gọi là chất dẫn truyền thần kinh GABAc. Họ cũng thấy mối liên hệ giữa T. gondii và gần 1.200 gen gây ung thư ở người.
Những nhà nghiên cứu không khẳng định chắc chắn loài ký sinh trùng này đứng đằng sau tất cả những căn bệnh suy nhược thần kinh, nhưng có thể sự can thiệp của protein từ T. gondii trong môi trường não có thể gây ảnh hưởng đến con người.
Hoặc sự nhạy cảm với các gen của T. gondii ở một số người có thể gây ra căn bệnh này.
Một số ký sinh trùng làm thần kinh suy thoái. (Ảnh: Internet)
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi giả thuyết rằng bệnh xảy ra khi có sự hiện diện của các gen nhạy cảm, kiểu di truyền của ký sinh trùng và các yếu tố bẩm sinh cũng như các kiểu môi trường khác như nhiễm trùng, vi sinh vật, hoặc căng thẳng ảnh hưởng đến phản ứng của hệ miễn dịch."
Đây là một phát hiện đáng lo ngại, vì ước tính T. gondii có thể lây nhiễm đến một nửa dân số trên toàn cầu. Tuy nhiên chúng ta không cần lo lắng quá nhiều cho đến khi có những kết quả nghiên cứu chắc chắn hơn từ các nhà khoa học.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu sẽ tập trung để kiểm tra những tác động tiềm ẩn của ký sinh trùng đối với hệ thần kinh của chúng ta. Có thể những phát hiện mới sẽ đem lại những phương pháp chữa trị hiệu quả cho căn bệnh này.
Nhà nghiên cứu Steinler khuyến cáo: "Chúng ta phải nhanh chóng chuyển các kết quả nghiên cứu thành phương pháp điều trị dự phòng bao gồm mọi thứ từ thuốc men đến chế độ ăn uống, lối sống, để làm chậm sự khởi phát và tiến triển của bệnh".
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Báo cáo khoa học.
Nguồn: Sciencealert