Trong làng bóng đá Việt, có không ít tên tuổi gắn bó với nghề cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV. Tuy nhiên, để thành công được ở CLB lẫn các cấp đội tuyển, thậm chí ghi dấu đậm nét cả với bóng đá nam và bóng đá nữ, có lẽ chỉ duy nhất HLV Mai Đức Chung.
Thậm chí, cho đến tận bây giờ, việc ông Chung cùng lúc nắm cả ĐTQG nam và nữ khi bóng đá Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn năm 2017 vẫn là trường hợp hy hữu trên thế giới.
Bí quyết nào để người đàn ông với vẻ ngoài bình dị, đôi khi còn bị nhận xét là "hiền quá mức" lại có thể chạm tới được những thành công hiếm hoi ở công việc luôn đòi hỏi phải dung hòa nhiều yếu tố như nghề HLV?
Câu trả lời có lẽ bắt nguồn từ chính những gì ông Chung đã phải trải qua trong suốt hành trình dài gắn liền với trái bóng, với những câu chuyện rất… Mai Đức Chung.
Từ chối ghế Phó Chủ tịch VFF, đánh liều nhận làm bóng đá nữ
Kết thúc mùa giải 1983 tôi nghỉ đá bóng và chuyển sang công tác huấn luyện. Làm từ đội trẻ rồi lên dẫn dắt đội một của Tổng cục Đường sắt đến tận khi đội giải thể vào năm 2000. Đội lúc ấy được Ngân hàng Á Châu (ACB) của bầu Kiên tiếp quản, còn tôi quyết định chuyển sang Tổng cục TDTT đảm nhận vị trí Trưởng bộ môn bóng đá.
Thậm chí, tôi cũng từng nhận được lời mời để về đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch VFF. Dù vậy bản thân tôi thấy mình thích làm chuyên môn hơn nên chuyện đó cuối cùng không xảy ra.
Trong quãng thời gian đó, một sự kiện bất ngờ vào năm 1997 đã tạo bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của tôi. Đó là khi VFF quyết định thành lập đội bóng đá nữ tham dự SEA Games 19 và tôi được Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ tin tưởng giao nhiệm vụ dẫn đội.
Dù chưa có nhiều kinh nghiệm làm bóng đá nữ nhưng sau đó tôi cùng các học trò vẫn vô địch giải tiền SEA Games và vào giải chính thức thì giành được HCĐ.
Bóng đá nam xích mích thế nào, bóng đá nữ giống thế mà còn đáng ngại hơn
Chuyển từ bóng đá nam sang bóng đá nữ tất nhiên tôi phải có những điều chỉnh về phương pháp huấn luyện cho phù hợp hơn. Ngoài ra còn một điều tế nhị nằm ở sự khác biệt sinh lý nữa.
Cầu thủ nam chỉ đau ốm, chấn thương thì nghỉ, còn với nữ họ có "ngày đèn đỏ" nữa. Mình cũng phải xem xét sự ảnh hưởng của chuyện đó để tính toán nhân sự, bởi nó là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng, phong độ của cầu thủ.
Ngoài ra bóng đá nam có những xung đột như thế nào thì bóng đá nữ đều có cả. Với bóng đá nam, cầu thủ có xích mích, va chạm, thậm chí đánh nhau nhưng sau đó họ có thể bắt tay giải hòa luôn nhưng ở bóng đá nữ mọi thứ diễn ra âm ỉ hơn nhiều, họ không thể hiện rõ ra bên ngoài.
Các cầu thủ nữ Việt Nam tập trung chuẩn bị cho lần đầu tiên tham dự SEA Games.
Tôi vẫn nhớ năm 1997 có một trường hợp hai người tuy cùng ở tuyển nhưng lại không chơi với nhau, có khúc mắc riêng, ra sân họ không hỗ trợ nhau.
Cả hai cùng đá cánh phải, một người hậu vệ, một người tiền vệ. Sau một vài tình huống tôi bắt đầu phát hiện ra vấn đề. Bạn nữ tiền vệ lên tấn công rất tốt nhưng đến khi đội phòng ngự lại không chịu lùi về, cứ đứng ở giữa sân thôi. Tôi lập tức ra chỉ đạo chấn chỉnh và đến khi trận đấu kết thúc liền gọi hai cầu thủ đó lại nói chuyện.
"Nếu các cháu cứ như thế này, trước hại bản thân cháu, sau là hại cả đội, cần phải sửa đổi ngay. Cháu có công nhận điều đó với bác không?" - Tôi chỉ hỏi nhẹ nhàng như thế và bạn ấy ngay lập tức nhận khuyết điểm.
Cùng với những lời động viên, mình cũng phải kèm theo động thái cứng rắn, khẳng định sẵn sàng loại cầu thủ đó ra khỏi đội nếu vẫn tiếp tục duy trì thái độ đó. Mình kết hợp vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, nhắc nhở về vấn đề chuyên môn để cầu thủ hiểu ra vấn đề.
Cầu thủ nữ họ có nhiều điều tế nhị, nên muốn tạo ra sự công bằng, sòng phẳng, tôi muốn gặp gỡ nhắc nhở cầu thủ nào đều làm ở ngay trên sân. Như thế để cho tất cả những cá nhân khác nhìn vào và hiểu rằng mình không hề có sự ưu ái riêng nào cả.
Chứ nếu mình gặp riêng ở đâu đó hoặc nói chuyện ở trong phòng với họ, những người khác có thể sẽ đặt nghi kị về việc mình có ý gì đây mà lại làm thế. Mọi thứ đều phải hành xử hết sức tinh tế để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Thống trị SEA Games và kỉ niệm NHM xô đổ rào vào xem... bóng đá nữ
Sau tấm HCĐ SEA Games 1997, tôi tiếp tục trở lại huấn luyện đội Tổng cục Đường sắt. SEA Games 1999 không tổ chức bóng đá nữ còn năm 2001 người được trao nhiệm vụ dẫn dắt đội là HLV Steve Darby. Năm ấy nữ Việt Nam giành được HCV SEA Games đầu tiên tuy nhiên trong nội bộ lại xảy ra nhiều vấn đề, đồng thời cách huấn luyện của ông Steve Darby cũng chưa thực sự phù hợp với con người của mình.
Ngoài ra một điều quan trọng nữa là việc sử dụng HLV ngoại cũng kèm theo một khoản chi phí không hề nhỏ. Trong khi đó tôi vẫn đang là cán bộ Tổng cục TDTT, ăn lương theo chế độ đó thôi, không cần thêm khoản gì kèm theo nữa nên mọi người bàn bạc và thống nhất lại đưa Mai Đức Chung về làm đội nữ. Đó là thời điểm chuẩn bị cho SEA Games 2003.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra đăng cai đại hội thể thao của Đông Nam Á. Phải nói đó là một sự kiện trọng đại lắm, cần tổ chức thật tốt để quảng bá hình ảnh đất nước với bạn bè trong khu vực.
Ngày ấy đội nữ đá ở Hải Phòng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các lãnh đạo địa phương. Rồi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm khi ấy cũng liên tục xuống đội hỏi thăm, mời tôi thẳng thắn nêu ý kiến xem đội tuyển nữ đã đầy đủ chưa, còn thiếu những gì và cần được bổ sung, hỗ trợ ra sao?
Cán bộ địa phương lúc ấy họ cũng lo tôi nói gì không tốt, khiến cho họ bị Phó Thủ tướng phê bình. Tuy nhiên thực lòng khi đó chế độ dành cho đội nữ đều rất tốt, tôi không có gì để chê trách hay phàn nàn cả. Nhưng động thái đó cũng cho thấy Nhà nước, Chính phủ, các cấp lãnh đạo đều rất quan tâm tới bóng đá nữ.
Năm ấy nữ Việt Nam đá ở sân Lạch Tray (Hải Phòng). Đây là mảnh đất rất hâm mộ bóng đá nhưng phải nói thật những trận đầu ở vòng bảng chưa thực sự hút được khán giả. Tôi vẫn nhớ ngày đó vé còn phải phân cho các trường cấp 3 để kéo học sinh tới động viên thôi chứ bán được ít lắm.
Nhưng không ngờ đến trận chung kết vé lại lên cơn sốt một cách khủng khiếp. Giá vé bị chợ đen đẩy lên đến một triệu rưỡi mà vẫn hết sạch. Cuối cùng người ta xô đổ cả rào, khiến ông Ngô Duy Hùng, Giám đốc Sở TDTT Hải Phòng phải trốn vì không còn vé mà bán được nữa.
Thậm chí lúc ấy lại đến các học sinh cũng lên tiếng vì lúc đầu giải họ đến ủng hộ đội nữ giờ lại không được phân vé. Nhưng thực sự số lượng vé được phát hành không thể đáp ứng đủ hết được. Sân Lạch Tray 2 vạn chỗ ngồi chật kín.
Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Myanmar ở trận chung kết và không khí Hải Phòng lúc ấy dồn dập, tưng bừng phấn khởi vô cùng. Trận đấu đó cũng có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa khi ấy đến cổ vũ và sau đó xuống tận sân chúc mừng toàn đội. Đến tận bây giờ đó vẫn là kỉ niệm đáng nhớ với bóng đá nữ mà người dân Hải Phòng vẫn còn nhắc nhở.
Còn một kỉ niệm nữa mà tôi không bao giờ quên ở kì SEA Games năm đó. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày đó về hưu rồi nhưng vẫn đi từ trong miền Nam ra Hải Phòng để cổ vũ đội tuyển bóng đá nữ.
Bác Võ Văn Kiệt đến tận nơi đóng quân của đội để gửi lời động viên. Thậm chí lúc đầu bảo vệ họ không nhận ra bởi bác đi giản dị quá, chỉ có một mình với lái xe. Phải đến khi người lái xe nói ra thì bảo vệ họ mới sững người và mời bác vào.
Vào khách sạn, bác nhờ gọi tôi xuống gặp riêng. Lúc xuống đến nơi tôi xúc động lắm, nhưng bác Võ Văn Kiệt bảo không cần cầu kì quá, để cho các cháu cầu thủ nghỉ ngơi cũng được, đưa cho 5 triệu đồng, nắm tay dặn dò tôi động viên toàn đội cố gắng để giành được chức vô địch.
Đến chiều khi họp đội, được tôi thông báo tin, ai nấy tất cả đều vỗ tay đầy xúc động. Đấy là câu chuyện mà tôi đến giờ vẫn nhớ mãi, khi một nguyên thủ quốc gia đã về hưu rồi nhưng vẫn lặn lội đường xa đến để cổ vũ, chăm lo cho đội tuyển, cho nhân dân.
Đá SEA Games nơi đất khách: Chậm chân là… bị đói
SEA Games 2005 tôi lại tiếp tục dẫn đội sang thi đấu tại Philippines. Điều kiện sinh hoạt cũng khá khó khăn. Nơi ở giống như một khu căn hộ chung cư, nhiều đội tuyển ở chung đó.
Về chuyện ăn uống, đội nào xuống trước thì được ăn no, còn nếu xuống sau thì ăn đói, hết cả thức ăn. Nhưng cũng rất may khi kiều bào Việt Nam ở bên đó rất nhiệt tình. Mọi người đến thăm thấy đội gặp khó khăn như thế liền tự bỏ tiền túi ra để đi chợ, mua tôm mua thịt về rang mang đến cho các tuyển thủ có thêm đồ ăn.
Chỉ hành động nhỏ thế thôi nhưng thực sự nó kiến chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng nơi đất khách, từ đó quyết tâm của toàn đội được đẩy lên rất cao.
Thời tiết Philippines khi đó nắng nóng không kém gì ở miền trong của mình, các đối thủ cũng hết sức khó nhằn. Thậm chí ở vòng loại Việt Nam còn thua Myanmar 0-1 nhưng đến trận chung kết thì chúng ta thắng lại được họ với tỉ số tương tự nhờ công của Văn Thị Thanh.
Câu chuyện đó để thấy rằng không chỉ khi thi đấu ở Việt Nam mà đến lúc ra nước ngoài, đội bóng đá nữ vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ, thương yêu giúp đỡ từ các kiều bào.
Chiến tích lịch sử cho bóng đá nam
Thời điểm 2007, tôi lên làm trợ lý cho HLV Alfred Rield khi ấy kiêm nhiệm cả ĐTQG và đội U23. Nhưng bất ngờ ông ấy phải về nước để chữa bệnh thận nên giao quyền dẫn đội lại cho tôi. Được giao phó như thế thì bản thân mình cũng vui vẻ nhận lời, động viên để ông Rield yên tâm về chữa trị, hứa làm tốt nhiệm vụ và sẽ giao lại quyền khi ông ấy trở lại.
Thực sự lúc ấy nghe tôi nói thế ông ấy cảm động lắm. Ở những nơi khác có khi người ta lợi dụng cơ hội như thế này để lật đổ, nhưng mình thì không. Mình là người Việt Nam, sống có trước có sau, sẵn sàng hỗ trợ hết mức để mang lại thành tích tốt nhất có thể cho đội tuyển chứ không hề có một suy nghĩ cấn cá gì cả.
Nhưng cũng không ngờ trên cương vị mới tôi lại làm rất tốt. Olympic Việt Nam chơi tưng bừng để giành quyền lọt vào vòng loại thứ ba của Olympic Bắc Kinh 2008.
Đến khi HLV Rield chữa bệnh xong và trở lại Việt Nam, ông ấy có hỏi tôi đã làm những gì mà báo chí khen ngợi nhiều đến thế? Tôi chỉ bảo mình vẫn sử dụng những con người đó thôi, nhưng có sự thay đổi một chút về chiến thuật, chuyền từ 4-4-2 hay 4-3-3 quen thuộc sang đá 4-2-3-1. Con người Việt Nam thể hình nhỏ, tốc độ, thể lực chưa thực sự tốt nên tôi muốn ưu tiên triển khai bóng ở khu vực giữa sân.
Tôi đưa lại sắp xếp đội hình cho HLV Rield xem thì ông ấy bảo "Good, good" và khen ngợi tôi. Nhưng khi ấy ông Rield sức khỏe cũng tốt trở lại rồi nên mọi việc tôi lại bàn giao lại như cũ. Mình hứa sao làm vậy thôi, không có vấn đề gì lấn cấn cả.
Cuộc gọi mở ra kỉ nguyên thành công cho bóng đá Việt
Thực lòng chuyện dẫn cả ĐTQG nam và nữ vào năm 2017 tôi cũng nghĩ đơn giản thôi chứ có gì to tát lắm đâu. Người ta cần thì cần lúc khó khăn, còn khi sung túc đủ đầy có khi lại ít nghĩ đến nhau.
Trong thời điểm U23 Việt Nam thất bại ở SEA Games, đội tuyển lâm vào thế khó khi không có HLV. Lúc ấy không dễ để vực dậy tinh thần các cầu thủ, trong khi V.League lại nghỉ dài đến tận 2 tháng, những người không đá SEA Games cũng cảm thấy rất uể oải.
Khi nhận được lời mời từ Liên đoàn, tôi suy nghĩ rất nhanh thôi và quyết định đồng ý, dù ranh giới giữa cái được và mất lúc này thực sự mong manh vô cùng.
Sau khi nhận lời, tôi có gọi điện thoại cho Anh Đức và nói: "Đức ơi, bố quay về làm đội tuyển tạm thời, làm HLV tạm thời. Bố mời lên tham gia đội tuyển, hỗ trợ giúp đỡ bố nhé".
Lúc đó, Anh Đức có xin tôi nửa ngày để suy nghĩ, tôi cũng nói lại rằng con cứ suy nghĩ kĩ đi, rồi báo lại cho bố cũng được. Nhưng không ngờ chỉ nửa tiếng sau, Anh Đức đã chủ động gọi lại cho tôi và đồng ý trở lại đội tuyển.
Trong lòng tôi cảm thấy rất cảm động và thầm cảm ơn Anh Đức. Trong lúc lực lượng chúng ta đang yếu và khó khăn như vậy mà Anh Đức cũng góp phần công sức nhỏ của mình cho thành tích của đội tuyển.
Một cầu thủ khác cũng được tôi gọi lên ở đợt đó là Mạc Hồng Quân, ngày ấy cũng 2 năm rồi chưa lên tuyển trở lại. Với Quân, câu chuyện ngày tôi sang Czech và tình cờ biết chàng trai này cũng là một kỉ niệm đáng nhớ.
Hồi 2012, tôi có chuyến đi sang Czech và gặp một người bạn ở bên đó. Người ta được xem Mạc Hồng Quân chơi bóng và có giới thiệu cho tôi. Lúc ấy cũng nhân tiện có trận đấu nên tôi trực tiếp đến xem giò thử xem sao.
Quan sát Mạc Hồng Quân thi đấu tôi thấy đây là mẫu cầu thủ mà chúng ta đang rất cần, tại sao không đưa cậu ấy về để cống hiến cho Việt Nam. Tôi liền thu xếp để có cuộc nói chuyện với Quân và gia đình cậu ấy.
Cũng rất may Quân vừa được gia đình ủng hộ, lại có quốc tịch Việt Nam rồi nên mọi thứ tiến hành rất thuận lợi. Cả Quân và người thân đều tỏ ra vô cùng phấn khởi và mong muốn có thể cống hiến được cho Tổ quốc.
Kể lại như thế để nói rằng việc gọi ai vào danh sách, tạo cơ hội cho ai, cầu thủ Việt kiều hay lão tướng, tôi đều dựa vào yếu tố chuyên môn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thấy điều gì có lợi cho đất nước, cho bóng đá thì ta nên làm. Không hề có chút ý nghĩ nào cho cá nhân cả.
Ngay cả thời điểm bây giờ, khi làm đội nữ tôi vẫn luôn luôn tâm niệm phải cố gắng nhiều hơn nữa. Có lẽ rất khó để so sánh giữa bóng đá nam và bóng đá nữ. Ngay cả thế giới cũng khó để làm việc đó nữa là Việt Nam. Bóng đá nữ của chúng ta còn nhiều hạn chế, số lượng đội còn ít nên sự đầu tư còn hạn chế. Bởi vậy không bao giờ nên so sánh cả.
Những người làm chuyên môn như chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, đồng thời cũng mong các ban ngành và xã hội cùng chung tay cho sự phát triển của bóng đá nữ. Bóng đá nam có thành tích tốt rồi, nhưng nữ cũng có thành tích rất tốt đó chứ, HCV SEA Games, cũng từng vào tới bán kết ASIAD, nhưng tất nhiên đó là những chuyện trong quá khứ, chúng tôi phải quên đi và tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa.
Đồng nghiệp, học trò nhớ nhất điều gì khi nhắc tới cái tên Mai Đức Chung?
HLV Lê Thụy Hải: "Tiếp xúc với Mai Đức Chung, chúng ta ai cũng sẽ thấy đây là một con người rất điềm đạm, biết cách lắng nghe. Đặc biệt về sự kiên nhẫn có lẽ khó ai bằng được. Khi chuyển sang làm HLV, anh Chung có lợi thế khi bản thân vốn đã là một cầu thủ tốt, cộng với mong mỏi được theo nghề huấn luyện vốn đã có sẵn trong anh ấy rồi.
Về phong cách, HLV Mai Đức Chung là một người chu đáo. Tôi từng làm trợ lý cho anh ấy ở Đường sắt nên rất hiểu. Anh Chung kĩ tính, chỉn chu lắm. Đó là những điều tôi có khi không có được. Việc gì cũng chi tiết, cụ thể nhưng đồng thời lại vô cùng chu đáo, gần gũi, nắm bắt được tâm lý VĐV. Yếu tố đó giúp anh ấy có thể thành công được cả với bóng đá nam và nữ.
Một chữ để nói về bí quyết thành công của anh Chung với bóng đá nữ, tôi sẽ dùng chữ "Nhẫn". Tôi cũng từng làm bóng đá nữ nên tôi biết mình không làm lâu dài được, tính mình nóng nảy. Còn nói thật trong công việc có lẽ chúng ta không phải bàn quá nhiều nữa, bởi chỉ nhìn vào những thành tích đạt được đã đủ hiểu tài năng của HLV Mai Đức Chung là như thế nào."
QBV nữ 2018 Nguyễn Thị Tuyết Dung: "Trong suốt quãng thời gian vừa qua, làm việc với bác Chung thực sự rất thoải mái. Bác luôn dành sự quan tâm tới tất cả chị em trong đội. Ai ra sân có biểu hiện gì buồn hay khác lạ là bác Chung nhận ra ngay và lập tức động viên, chia sẻ. Tình cảm giống như một người cha dành cho các con.
Làm việc với một HLV như vậy cũng giúp bản thân mình thoải mái hơn rất nhiều. Đơn giản nhất ở việc gần gũi về ngôn ngữ, điều không thể có được ở HLV nước ngoài. Thực lòng tôi thấy bác rất tận tâm vì công việc, luôn tìm tòi để hiểu hơn các học trò của mình, kể cả những vấn đề nhỏ nhất.
Bản thân tôi thời gian theo học Đại học TDTT cũng gặp nhiều áp lực, lên tập trung muộn rồi lại suy nghĩ nhiều về bài vở. Bác Chung chỉ thoáng nhìn thôi đã nhận ra ngay và sau đó đã hỗ trợ tôi rất nhiều để cân bằng lại tâm lý để vừa thi đấu vừa học tập.
Đó thực sự là niềm vui khi được làm việc với một HLV vừa có chuyên môn tốt lại nắm bắt, thấu hiểu tâm lý học trò, đồng thời luôn đối xử công bằng với tất cả mọi cá nhân trong đội."
Thành tích đáng nể của HLV Mai Đức Chung ở cấp độ CLB
Không chỉ thành công ở đội tuyển, ông Chung còn tỏ ra khá mát tay khi dẫn dắt các đội bóng tại V.League.
2009: Đưa Bình Dương lọt vào bán kết AFC Cup, á quân V.League
2011: Vô địch Cúp QG cùng Navibank Sài Gòn
2015: Giành cú đúp vô địch V.League và Cúp QG trong lần trở lại Bình Dương