Trong thế kỷ 20, làng võ Trung Quốc có nhiều huyền thoại võ thuật lẫy lừng đến từ nhiều môn phái trứ danh như Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi… Một trong số những gương mặt tiêu biểu nhất phải kể Lã Tử Kiếm, huyền thoại Võ Đang từng kết nghĩa huynh đệ với Hoắc Nguyên Giáp và sau này còn xác lập kỷ lục Guinness là người đàn ông sống thọ nhất hành tinh.
VỊ ĐẠI HIỆP TỪ NĂM 13 TUỔI ĐÃ CƯỚP PHÁP TRƯỜNG, GIẢI CỨU CHA KHỎI ÁN TỬ HÌNH
Theo Baidu, Lã Tử Kiếm sinh ngày 22/11/1893 trong một gia đình có truyền thống võ thuật ở huyện Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Cả cha lẫn mẹ của ông đều là những võ sư nổi danh khắp Hồ Bắc. Sinh thời, ông được đặt biệt danh là "Trường Giang đại hiệp", là một trong ba hiệp sĩ nổi tiếng nhất của làng võ Trung Quốc cùng với Hoắc Nguyên Giáp (Tân Môn đại hiệp) và Đỗ Tâm Ngũ (Quan Đông đại hiệp).
Chân dung huyền thoại võ thuật Lã Tử Kiếm.
Website Zhuanlan.zhihu khi nói về Lã Tử Kiếm từng khẳng định rằng ông bắt đầu luyện võ cùng với mẹ của mình từ năm 7 tuổi. Môn võ đầu tiên mà ông được truyền dạy chính là Võ Đang. Đến năm lên 13 tuổi, cha của Lã Tử Kiếm bị chính quyền nhà Thanh bắt giam rồi kết án tử hình vì lý do đã giải cứu người đứng đầu của một tổ chức khởi nghĩa.
Vào ngày cha của ông bị hành quyết, Lã Tử Kiếm được mẹ dẫn tới pháp trường. Bằng mưu mẹo và khả năng võ thuật hơn người, Lã Tử Kiếm đã cùng với mẹ giải cứu thành công cha của ông. Sau sự kiện này, cả nhà Lã Tử Kiếm phải cải trang rồi trốn khỏi huyện Nghi Xương.
Theo tờ báo Trung Quốc thì khi còn sống, chính Lã Tử Kiếm từng kể lại rằng vào năm 23 tuổi, ông được cha dẫn lên núi Võ Đang để tầm sư học đạo dù lúc đó, ông đã là một võ sĩ rất giỏi về công phu. Chính trong khoảng thời gian này, ông đã gặp được nhiều bậc thầy võ thuật để rồi trở thành tri kỷ, trong số đó có huyền thoại Hoắc Nguyên Giáp.
Dù có tuổi đời lớn hơn (khoảng 20 tuổi) song Hoắc Nguyên Giáp lại vô cùng tôn trọng tài năng võ thuật và nhân cách của Lã Tử Kiếm. Sau lời đề nghị của Hoắc Nguyên Giáp, hai người đã kết nghĩa huynh đệ. Một thời gian sau, chính Lã Từ Kiếm là người đã trợ giúp để Hoắc Nguyên Giáp lần đầu tiên mở một võ đường ở Thượng Hải.
Trong thời gian này, nhiều võ sĩ người Nhật Bản đã đến võ đường của Hoắc Nguyên Giáp để thách đấu nhưng tất cả đều lần lượt bị Hoắc Nguyên Giáp và Lã Tử Kiếm đánh bại.
Lã Tử Kiếm từng kết nghĩa huynh đệ với huyền thoại Hoắc Nguyên Giáp.
Theo truyền thông Trung Quốc, Lã Tử Kiếm là người tinh thông tuyệt kỹ "Du thân Bát quái liên hoàn chưởng". Năm 27 tuổi (1920), tại Nam Kinh tổ chức đại hội đả lôi đài toàn Trung Quốc. Lã Tử Kiếm lúc ấy mới lần đầu tiên tham dự đã lập tức giành chức vô địch. Tên tuổi của ông nổi như cồn trong giới võ lâm Trung Quốc.
Lã Tử Kiếm từng có lần giải thích về biệt danh "Trường Giang đại hiệp" mà giới võ lâm đặt cho ông. Theo đó, sông Trường Giang (Dương Tử) vốn là một huyết mạch về giao thương ở miền Nam Trung Quốc. Chính bởi điều đó, quân đế quốc Nhật Bản đã thực hiện nhiều mưu đồ để chèn ép các công ty vận tải của Trung Quốc. Một ngày nọ, Chủ tịch của công ty vận tải đường thủy Trung Quốc đã nhờ Lã Tử Kiếm đứng ra can thiệp và ông lập tức nhận lời.
Thời điểm đó, các doanh nghiệp vận tải của người Nhật được hoạt động dưới sự "bảo kê" bởi một cao thủ được gọi là Vua samurai sở hữu võ công cao cường, và Lã Tử Kiếm đã gửi lời thách đấu với vị samurai này.
Vào ngày diễn ra cuộc chiến, Lã Tử Kiếm chỉ cần dùng một quyền vào ngực đã làm đối thủ thổ huyết. Khi Lã Tử Kiếm định tung ra cú đấm thứ hai thì võ sĩ samurai liền gục xuống đất, lăn ra chết tươi. Sau khi giành chiến thắng ở trận tỉ thí này, người Nhật đã không thể chèn ép các công ty vận tải của Trung Quốc trên sông Dương Tử và từ đó, ông được giới võ đặt biệt danh là "Trường Giang đại hiệp".
NỘI CÔNG THƯỢNG THỪA, TỪNG ĐÁNH CHẾT QUYỀN VƯƠNG MỸ, LẬP KỶ LỤC GUINNESS
Theo truyền thông Trung Quốc thì sinh thời, Lã Tử Kiếm từng trải qua nhiều trận "tử chiến" nhưng ông chưa một lần thất bại. Từ năm 1910 khi ông mới kết nghĩa huynh đệ với Hoắc Nguyên Giáp, có một lần, Hiệp hội Judo Nhật Bản đã cử tới 10 cao thủ đến võ đường của Hoắc Nguyên Giáp để thách đấu. Sau đó, chính Lã Tử Kiếm đã cùng với Hoắc Nguyên Giáp đứng ra ứng chiến rồi lần lượt đánh bại tất cả các võ sĩ người Nhật.
Lã Tử Kiếm được coi là người sở hữu võ công thượng thừa ở Trung Quốc.
Nhưng, trận đấu nổi tiếng bậc nhất của Lã Tử Kiếm phải kể tới lần ông đánh chết cao thủ từng là quyền vương của Mỹ Tom Newham. Đây là người cận vệ của tướng Marshall - chỉ huy quân đội Mỹ tại Trung Quốc. Trận đấu này xảy ra vào năm 1945 sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nhật ở Trung Quốc đã kết thúc. Lúc này, Lã Tử Kiếm đã được phong hàm Thiếu tướng, trở thành người cận vệ số 1 của Tưởng Giới Thạch.
Tom Newham vốn là võ sĩ khét tiếng của Mỹ nên ông luôn coi thường võ thuật Trung Hoa. Với ý đồ hạ thấp danh dự của người Trung Quốc và khuếch trương sức mạnh của quân đội Mỹ, Tom Newham đã mở một kỳ võ đài ở Trùng Khánh, thách đấu tất cả các cao thủ người Trung Hoa.
Tất nhiên, đã có nhiều võ sư người Trung Quốc lên đài để giao đấu với Tom Newham. Thế nhưng, họ lần lượt thất bại. Điều này càng khiến quyền vương người Mỹ thêm phần ngạo mạn.
Thế rồi, Lã Tử Kiếm đã tìm gặp Tưởng Giới Thạch (vốn là người thống lĩnh Dân quốc) để bày tỏ nguyện vọng xin được giao đấu với Tom Newham. Ban đầu, Tưởng Giới Thạch từ chối bởi ông không muốn cuộc chiến này có thể gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với phía Mỹ. Nhưng, trước thái độ ngạo mạn của nhiều binh sĩ Mỹ trong đó có Tom Newham, Tưởng Giới Thạch cuối cùng đã chấp nhận để Lã Tử Kiếm lên đài.
Ở trận đấu này, Lã Tử Kiếm đã lợi dụng được sở hở, sự chủ quan của Tom Newham để tung ra một cú đòn chí mạng, khiến võ sĩ người Mỹ gục ngã. Sau đó ba ngày, Tom Newham đã bị tử vong do bị trọng thương.
Lã Tử Kiếm từng phải cải tạo ở Tân Cương suốt hơn 10 năm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc.
Ngoài những trận đấu gây vang dội võ lâm thì cuộc đời của Lã Tử Kiếm cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, ông bị gán mác là "phản cách mạng" nên đã bị đẩy vào một trại cải tạo ở Tân Cương và phải ở đây suốt hơn một thập kỷ.
Vào năm 1979, Lã Tử Kiếm khi đó đã 86 tuổi vẫn được mời đến biểu diễn võ thuật ở Nhà thi đấu Bắc Kinh trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo lừng danh Đặng Tiểu Bình. Sau khi chứng kiến màn biểu diễn quá điệu nghệ của Lã Tử Kiếm nên Đặng Tiểu Bình đã tỏ ra kinh ngạc. Cũng chính sau sự kiện hôm đó, Lã Tử Kiếm được trở về đoàn tụ cùng gia đình ở thành phố Trùng Khánh.
Với giới võ lâm Trung Quốc thì công phu của Lã Tử Kiếm được đánh giá là tương đương với người huynh đệ kết nghĩa của ông đó là huyền thoại Hoắc Nguyên Giáp. Tuy nhiên, trái ngược với sự đoản mệnh của Hoắc Nguyên Giáp thì Lã Tử Kiếm lại sống cực thọ.
Theo Baidu, vào một đêm khuya tháng 6/2009, Lã Tử Kiếm bất ngờ bị đột quỵ dẫn tới hôn mê dù trước đó ông hoàn khỏe mạnh. Sau khi cân nhắc, các con cháu của ông đã quyết định cho ông đi phẫu thuật.
Ca phẫu thuẫn diễn ra thành công. Lã Tử Kiếm được cứu sống nhưng kể từ đó, ông không còn khỏe mạnh và minh mẫn như trước. Kể từ năm 2012, tình trạng của ông dần xấu đi và ông phải nằm liệt giường. Ông thường xuyên la hét lên vì đau đầu. Thế rồi, vào lúc 7 giờ sáng ngày 21/10/2012, ông đã ra đi một cách thanh thản tại nhà riêng ở thành phố Trùng Khánh. Trước đó, ông đã xác lập kỷ lục Guinness là người đàn ông sống thọ nhất thế giới ở tuổi 118.
Cho đến nay, Lã Tử Kiếm vẫn được coi là một tượng đài lừng lẫy, là niềm tự hào không chỉ với môn phái Võ Đang mà còn với cả nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa.
Năm 2012, Lã Tử Kiếm từng lập kỷ lục người đàn ông sống thọ nhất thế giới.
* Xem thêm các tin tức võ thuật hấp dẫn tại đây.