Kỳ nhân nhìn đường bằng… mũi chân và chơi đàn 'không cần nhìn' nốt nhạc

NGỌC TRẦN |

Tôi còn nhớ như in một đêm mùa đông dày đặc sương mù cách đây đã 3 năm ở bản Thu Lao giữa xã Nàn Sán, Si Ma Cai, Lào Cai trong tiếng đàn nỉ non và giọng hát dân ca đằm thắm của các nghệ nhân người Thu Lao, tôi đã gặp ông. Hình ảnh lão nghệ nhân mù Vàng Tờ Sín với cây đàn Ản Tắng...

Hình ảnh lão nghệ nhân mù Vàng Tờ Sín với cây đàn Ản Tắng cứ trở đi trở lại mãi trong tôi kể từ ngày đó…

Kỳ nhân nhìn đường bằng… mũi chân

Đội 2 là thôn trung tâm của xã Nàn Sán với những ngôi nhà vách đất mái lợp ngói âm dương cổ. Ở đó, đồng bào dân tộc Thu Lao và dân tộc Nùng chung sống yên bình từ nhiều đời nay.

Ngược dòng thời gian, trở lại Nàn Sán 70 năm trước. Trong một ngôi nhà vách đất cũ kỹ, có một bé trai cất tiếng khóc chào đời.

Kỳ nhân nhìn đường bằng… mũi chân và chơi đàn không cần nhìn nốt nhạc - Ảnh 1.

Ông lão mù Vàng Tờ Sín có thể đi lại trong thôn mà không cần dùng gậy

Vì cha là người Nùng, mẹ là người Thu Lao, nên em mang dòng máu của hai dân tộc. Sẽ chẳng có chuyện gì để kể, nếu như năm lên 3 tuổi, em bé nọ không bị một trận ốm “thập tử nhất sinh”, rồi sau đó đôi mắt cứ mờ dần đi.

Vì sống ở nơi heo hút, gia đình khó khăn không thể đưa em đi chữa trị, nên đôi mắt em đã mãi mãi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Hoàn cảnh của chú bé Vàng Tờ Sín khiến nhiều người rơi nước mắt.

Nghệ nhân người Thu Lao Vàng Sín Phìn ở Đội 2, xã Nàn Sán là người lớn lên cùng Vàng Tờ Sín từ thở nhỏ, năm nay tóc đã điểm hoa râm, kể chuyện: Ông trời lấy đi của Vàng Tờ Sin đôi mắt, nhưng bù lại cho cậu những khả năng đặc biệt.

Ngày còn nhỏ, Vàng Tờ Sín không chịu ngồi yên ở nhà, mà muốn ra đường chơi cùng bạn bè. Ai cũng lo cậu không nhìn thấy gì ra đường sẽ bị vấp ngã, bị lạc không về nhà được.

Nhưng chỉ cần bố mẹ dẫn đi chơi vài lần, Vàng Tờ Sín có thể một mình cầm gậy dò dẫm đi khắp con đường đầy ổ trâu, ổ gà trong thôn, sau đó lại tự về nhà.

Ngày này qua tháng khác, Vàng Tờ Sín không chỉ đi được đường thẳng, mà có thể đi cả vào các đường ngang, ngõ nhỏ vòng vèo trong thôn, đến chính xác nhà ai cần đến như có người dẫn đường, làm cho cả xóm kinh ngạc.

Đặc biệt, vào buổi tối, Vàng Tờ Sín đi lại trong thôn còn giỏi hơn người bình thường nếu không có đèn pin để soi…

Khi lớn lên, Vàng Tờ Sín còn đi gánh nước giúp gia đình, theo bạn bè lên núi Pả Đoản Cố Tráng để lấy cây song, cây mây về chẻ ra, bện thành dây thừng để bán kiếm tiền.

Anh dùng cán dao, gõ gõ vào từng gốc cây, nghe âm thanh phát ra có thể biết được cây già, cây non, cây nào cụt ngọn…

Với đôi tai thính nhạy như loài dơi, anh nghe được những âm thanh rất nhỏ xung quanh và nhận biết được bà con trong thôn chỉ qua giọng nói.

Hàng ngày, nhìn đôi chân Vàng Tờ Sín dò dẫm trên đường, đôi tai thì nghiêng nghiêng lắng nghe âm thanh từ mọi phía để cảm nhận, người ta trầm trồ thán phục, có người bảo cậu được thần linh chỉ đường, có người bảo cậu có thể nhìn đường bằng…mũi chân.

Vì mặc cảm bị mù, lại sợ làm phiền người khác, nên Vàng Tờ Sín cứ sống độc thân mãi, thời thanh niên thì ở cùng bố mẹ, khi bố mẹ qua đời thì ở cùng gia đình em trai.

Năm nay đã 70 tuổi, chàng trai Vàng Tờ Sín ngày nào đã trở thành ông già tóc bạc.

Đến Nàn Sán, tôi không thể tin nổi nếu không tận mắt thấy ông lão mù không cần cầm gậy dò đường, mà ngày ngày vẫn có thể đi lại trong thôn, đến nói chuyện với anh em, hàng xóm, hay đi cả cây số ra quán mua gói muối, cân thịt...

Kỳ nhân nhìn đường bằng… mũi chân và chơi đàn không cần nhìn nốt nhạc - Ảnh 2.

Ông lão mù Vàng Tờ Sín có thể đi lại trong thôn mà không cần dùng gậy

Ông Vàng Tờ Sín cười: “Năm nay Đội 2 có đường bê tông rồi, tôi đi lại cũng dễ dàng, không sợ bị vấp ổ trâu, ổ gà như trước nữa”.

Tôi hỏi ông đường thôn có nhiều thay đổi, mắt ông thì không nhìn thấy, sao vẫn tìm được đường đi? Ông bảo con đường nó ở trong đầu hết rồi, đi vài lần là nhớ, giống như người mắt sáng xem bản đồ thôi.

Tuy tuổi đã cao, mắt không thấy gì, nhưng ông vẫn giúp gia đình em và các cháu các việc thông thường như quét nhà, quét sân, băm rau lợn, cắm cơm…

Chuyện cổ tích về ông tiên với cây đàn

Trở lại câu chuyện cách đây 3 năm, tôi lần đầu tiên đến thăm thôn Nàn Sán để tìm hiểu viết bài về dân ca của người Thu Lao.

Buổi tối hôm ấy, tôi ở lại bản Thu Lao, được nghe các cao niên ở bản Thu Lao chơi đàn và hát những làn điệu dân ca đằm thắm. Trong số những người chơi đàn hay nhất ở Nàn Sán, có một ông lão mù, và không ai khác, đó chính là Vàng Tờ Sín.

Hôm nay gặp lại ông, tôi lại được nghe lão nghệ nhân mù Vàng Tờ Sín chơi đàn.

Trong khi nghệ nhân Vàng Sín Phìn kéo nhị, thì ông ôm cây đàn Ản Tắng, tay phải cầm miếng gẩy, tay trái từng ngón lướt trên cung đàn, bấm những phím đàn thật mềm mại.

Tiếng đàn của ông vang lên thật ngọt ngào, khi như tiếng suối ngàn chảy róc rách, chim ngũ sắc líu lo mùa xuân, khi ào ào như gió thổi qua rừng thông, lúc nỉ non như giọt sương mùa đông rơi trên lá cỏ…

Tiếng đàn, tiếng hát cũng là tiếng lòng ông. Kỳ nhân Vàng Tờ Sín không chỉ chơi đàn giỏi, mà với trí nhớ đặc biệt, ông còn thuộc hàng chục bài hát dân ca dài của người Thu Lao, có thể hát ba, bốn đêm chưa cạn lời hát.

Ông hát tôi nghe một đoạn bài "Kháo bố mi" (Trông cậy vào bố mẹ): Du mí má tủ áng/ Mi oàn san bài pán/ Di mí má tủ sể/ Mi oàn phạm bài lệ/ Mi bử lặc đi mỗ/ Khấu tê pác lầng số/ Số gia nhỗ má léng… (Tạm dịch ra là: Lúc con lọt lòng mẹ/ Mẹ mớm cơm nuôi con/ Con bé như cây móc/ Mẹ bế sáng, trưa, tối/ Cơm từ miệng mẹ ra/ Chăm còn bằng bạn bè/ Con làm người trưởng thành/ Nhớ công ơn bố mẹ)…

Kỳ nhân nhìn đường bằng… mũi chân và chơi đàn không cần nhìn nốt nhạc - Ảnh 3.

Ông Vàng Tờ Sín chơi đàn giỏi và thuộc nhiều bài hát dân ca Thu Lao

Chuyện kể lại là ngày còn nhỏ Vàng Tờ Sín thường được bố mẹ cho đi cùng khi đến các đám cưới, đám tang, lễ hội của người Thu Lao. Có lần cậu được sang tận thôn La Hờ ở xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương ăn đám cưới.

Ở đó, cậu được nghe các cụ già đánh đàn, các chàng trai, cô gái người Thu Lao hát giao duyên rất hay. Vàng Tờ Sín thích nghe đàn hát, và kỳ lạ là nghe đến đâu, cậu nhớ ngay đến đó.

Khi về nhà, Vàng Tờ Sín nhờ bố mẹ mượn đàn Ản Tắng của các cụ già trong thôn, rồi cứ nhớ lại từng nốt nhạc, từng làn điệu, mày mò tự đánh đàn và hát.

Đến năm 30 tuổi, Vàng Tờ Sín có thể chơi đàn Ản Tắng loại 3 dây, 4 dây và kéo nhị thành thạo.

Tuy đánh đàn theo cảm nhận, mắt không nhìn thấy gì, nhưng tiếng đàn của Vàng Tờ Sín trong trẻo như những âm thanh của núi rừng, rưng rưng như trải cả nỗi lòng, khiến người nghe mê đắm, xúc động.

Người trong bản gần, người ngoài bản xa càng nghe tiếng đàn của Sín, càng cảm thương anh, thương cho chàng trai có bàn tay tài hoa, tâm hồn trong sáng mà bị ông trời lấy đi đôi mắt…

Nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông lão mù Vàng Tờ Sín vẫn chơi đàn.

Ông cùng mấy ông lão còn đau đáu với bản sắc dân tộc, với những làn điệu dân ca Thu Lao vẫn ngồi cùng nhau nhâm nhi chén nước chè, rồi cùng đàn, hát, nhớ về một thời đã xa.

Ông bảo người biết chơi đàn và hát dân ca Thu Lao ở Si Ma Cai bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, sợ rằng sau này thế hệ già mất đi, thì bản sắc dân tộc sẽ mai một hết.

Nhà ông ở ngay gần trường tiểu học của xã, mỗi khi nghe thấy tiếng đàn của ông, các em học sinh lại ùa ra cổng trường, đến nghe ông chơi đàn.

Trong đôi mắt trong veo của lũ trẻ, thì ông Vàng Tờ Sín giống như một ông tiên trong câu chuyện cổ tích.

Tôi nhìn ông lão mù tóc trắng như cước, làn da đỏ hồng như người cõi tiên giáng trần nở nụ cười thật hiền từ. Ông không nói ra, nhưng trong lòng vui lắm…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại