Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea từng khởi đầu ra sao

Hồ Việt |

Ngày 1-7 cách đây tròn 20 năm, Chelsea chính thức được tỷ phú Nga Roman Abramovich tiếp nhận và khởi đầu một kỷ nguyên đã làm thay đổi bộ mặt bóng đá mãi mãi. Những gì mà bóng đá đang vận hành hiện nay, chỉ là các phiên bản nâng cấp của kỷ nguyên ấy. Dù Abramovich không còn là ông chủ của The Blues nhưng 20 năm ấy, là di sản.

Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea từng khởi đầu ra sao - Ảnh 1.

Cho đến tận bây giờ, chưa có một đội bóng nào thực hiện quá trình đổi chủ và chuyển mình dữ dội, thành công rực rỡ như Chelsea cách đây 20 năm. Người ta có thể làm giống ở khía cạnh tài chính và mua sắm, nhưng dường như đó chỉ là một quá trình copy, không hoàn toàn mang tinh thần của Chelsea hồi năm 2003.

Mùa hè đầu tiên, năm 2003, đội chủ sân Stamford Bridge ngay lập tức ký hợp đồng với một lượng lớn cầu thủ: Hernan Crespo, Damien Duff, Juan Sebastian Veron, Claude Makelele, Adrian Mutu, Wayne Bridge, Joe Cole, Geremi, Glen Johnson và Aleksey Smertin. Chưa hết, họ nâng cấp toàn bộ băng ghế dự bị để đưa một đội bóng hạng khá trở thành một thế lực. Như người ta nói về chuyện cổ tích - chỉ sau một đêm.

Nhưng con số có thể còn cao hơn, cả về số lượng và rất nhiều về danh tiếng. Đây là những gì vừa được tiết lộ thông qua lời kể của nhà cầm quân lão làng Claudio Ranieri, HLV Chelsea thời điểm đó. “Khi tôi trở lại Anh chuẩn bị cho mùa giải mới, giám đốc điều hành Trevor Birch nói với tôi rằng CLB đã được bán. Tôi hỏi chủ mới là ai, Trevor nói là một người Nga, rất giàu có và đang muốn xây dựng một đội ngũ lớn… chỉ thế thôi”.

Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea từng khởi đầu ra sao - Ảnh 2.

HLV Ranieri và những bom tấn đầu tiên

Điều đầu tiên mà ông Ranieri nghĩ đó là mình sẽ bị… mất việc. Có tin đồn Abramovich muốn ký hợp đồng với Sven-Goran Eriksson, HLV tuyển Anh. Trong buổi gặp đầu tiên, ông chủ mới nói với Ranieri: “OK, mùa giải trước ông đã làm rất tốt, hãy cố gắng hết sức trong mùa giải này’. Ngay sau đó, tỷ phú Nga hỏi: “Hãy cho tôi biết anh muốn gì về chuyển nhượng. Trong đầu tôi nghĩ đến 2 siêu sao của Italy khi đó là Francesco Totti và Alessandro Nesta. Roman muốn mua những nhà vô địch, các ngôi sao thực thụ nhưng để có được họ, bạn phải xúc tiến đàm phán, theo đuổi ít nhất là 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, mùa giải đã sắp bắt đầu”.

Dù Totti và Nesta không đến London, nhưng tiết lộ của HLV Raniei cho thấy tầm nhìn của Abramovich. “Ông ấy nói với tôi rằng mình muốn mua những cầu thủ giỏi và biến Chelsea thành đội bóng vĩ đại nhất thế giới. Trong cuộc đời mình, đó là lần duy nhất tôi được thảo luận về những điều lớn lao đó”, Ranieri kể.

Một “chứng nhân” khác, cầu thủ chạy cánh Jesper Gronkjaer, người đã gia nhập Chelsea mùa 2000/01 thì nói về nỗi lo lắng của các cầu thủ ở thời điểm đó khi mà Chelsea gặp khó khăn tài chính, trả lương không đúng hạn và tương lai cầu thủ bấp bênh: “Vào mùa xuân năm đó, có tin đồn về việc không nhận được lương, về việc Ken Bates muốn bán câu lạc bộ. Điều này rất rõ ràng vì mùa hè trước đó, Chelsea không mua bất kỳ cầu thủ nào vì không có tiền”.

Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea từng khởi đầu ra sao - Ảnh 4.

“Không ai có thể tưởng tượng được Roman sẽ đến và chúng tôi chưa bao giờ thấy một ai như vậy, sử dụng số tiền lớn như vậy trong một thời gian ngắn để thay đổi ngay từ cơ sở đào tạo. Chúng tôi chưa bao giờ thực sự thấy điều đó ở châu Âu trước đây. Tất cả các cầu thủ đều nghĩ rằng mình sẽ bị bán đi để nhường chổ cho người khác. Mọi chuyện khá hỗn loạn. Ngay từ ngày đầu tiên của Roman, đã có tin đồn về công thức 5 cầu thủ cho mỗi vị trí. Mà phải là những cầu thủ hàng đầu của Real Madrid, của Bayern Munich, của Man.United”, Gronkjaer hồi tưởng. Mãi đến 12 tháng sau, Gronkjaer mới phải ra đi sang Birmingham. Trong thời gian đó, The Blues tiếp tục vung tiền và mang về những cái tên như Arjen Robben và Didier Drogba.

Chelsea từng gây sốc với việc bỏ ra 153 triệu Bảng ở mùa giải 2003/2004 và 149,9 triệu Bảng ở mùa giải 2004/2005. Cú sốc này lại trở thành một dạng “tiêu chuẩn mới” trên bước đường lột xác của những thế lực xuất hiện sau này tại châu Âu. Quan trọng hơn, bắt đầu bằng việc gây sốc và tiếp nối bằng việc đầu tư bền bỉ gần 2 thập niên, Chelsea của Roman Abramovic đã bỏ ra 2,1 tỷ bảng để mua sắm cầu thủ. Chelsea còn “vô địch” về khoản bán cầu thủ khi đã thu 1,16 tỷ bảng từ thị trường chuyển nhượng dưới thời Roman Abramovich. Đi kèm với đó là thói quen liên tục thay đổi HLV.

Kỷ nguyên Abramovich ở Chelsea từng khởi đầu ra sao - Ảnh 5.

Kỷ nguyên Abramovich diễn ra tốt đẹp và thực sự không có dấu hiệu nào cho thấy tỷ phú người Nga chán bóng đá. Chỉ có thời cuộc mới khiến ông rời bỏ Chelsea. Truyền thông Anh đã ví 19 năm Abramovich làm chủ tịch Chelsea là bài học đặc biệt, mang đến nhiều kinh nghiệm và khó lòng xuất hiện một lần nữa trong thế giới bóng đá. Roman Abramovich cũng là người tiên phong trong làn sóng mới, khi các đội bóng Ngoại hạng Anh chuyển đổi từ các ông chủ địa phương giàu có sang những ông chủ siêu giàu đến từ khắp nơi trên thế giới. Sau Roman, là nhà Glazer (Man.United), tỷ phú Stan Kroenke (Arsenal), Hoàng thân Sheikh Mansour (Man.City), bộ đôi tài phiệt John W. Henry và Tom Werner (Liverpool) hay mới nhất là Thái tử Mohammed bin Salman (Newcastle).

Roman Abramovich không phải người duy nhất có nhiều tiền của tại Ngoại hạng Anh, nhưng có lẽ chưa vị chủ tịch nào để lại tình yếu CLB của mình nhiều như tỷ phú Nga. Trong bức tâm thư đẫm nước mắt của mình, Roman Abramovich đau đớn tiết lộ ông không muốn chia tay Chelsea theo cách như thế này, nhưng đó là một quyết định khó khăn và ông buộc phải làm thế. Di sản mà Roman Abramovich để lại sẽ vĩnh viễn không mất đi và mùa hè năm 2003 sẽ mãi in sâu trong tiềm thức của các CĐV Chelsea.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại