HLV Philippe Troussier là nhà cầm quân giàu kinh nghiệm, khi ông từng huấn luyện ở 7 đội tuyển quốc gia, gồm Nhật Bản, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Nam Phi, Burkina Faso, Qatar và Maroc. Trong đó, việc đưa đội tuyển Nhật Bản vào đến vòng 1/8 World Cup 2002 là chiến tích nổi tiếng nhất của ông Troussier.
HLV Philippe Troussier
Chiến công ở Nhật Bản
" Tôi không có mặt ở đây để dạy người Nhật chơi bóng. Họ kỹ thuật sẵn rồi. Công việc của tôi, bằng tính cách khắc nghiệt, là tạo ra một tập thể gắn kết, giàu thể lực, kỷ luật, cứng rắn và tự chủ ", HLV Philippe Troussier chia sẻ với truyền thông Nhật Bản cách đây 23 năm.
Từng làm việc ở nhiều đội tuyển khác nhau, nhưng tên tuổi của HLV Troussier chỉ thực sự vươn tầm trong quãng thời gian 4 năm nắm quyền ở đội tuyển Nhật Bản (1998 - 2002), nơi ông định hình phong cách và thương hiệu.
Đội tuyển Nhật Bản trước khi ông Troussier góp mặt gần như vô danh ở sân chơi World Cup. Kỳ World Cup đầu tiên mà mà đội bóng có biệt danh "Samurai áo xanh" tham dự là vào năm 1998. Nhật Bản bị loại sau 3 trận toàn thua, đứng cuối bảng. Thành tích tổng thể của Nhật Bản của giải này (điểm số, hiệu số) đứng thứ 31 trong số 32 đội tham dự.
Đó là thời điểm bóng đá Nhật Bản có rất ít tài năng đang chơi bóng tại nước ngoài. Khi đến xứ mặt trời mọc, ông lập tức nhận ra vấn đề này.
" Nền bóng đá thiếu các HLV và cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu ở nước ngoài, cọ xát với nhiều nền bóng đá khác nhau. Phương pháp tập luyện của họ nặng về lý thuyết và sách vở. Đó chính là nhược điểm lớn nhất với nền bóng đá Nhật Bản khi đó ", HLV Troussier nhấn mạnh.
HLV Troussier dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản ở World Cup 1998.
Đội hình Nhật Bản thời Troussier có một trường hợp xuất ngoại hiếm hoi, đó là Hidetoshi Nakata. Cựu tiền vệ tài hoa mang biệt danh "Bechkham Nhật Bản" được truyền thông nước nhà ngưỡng mộ bởi tạo dấu ấn ở nước ngoài, điều mà trước thời Nakata, hầu như không có tuyển thủ Nhật Bản nào làm được.
Tuy nhiên, HLV Troussier không thích cá tính của Nakata. " Họ có sự tôn trọng thái quá, thậm chí sợ hãi trước người đàn anh nổi tiếng ", ông nói.
Nhà cầm quân người Pháp áp dụng kỷ luật hà khắc ở đội tuyển Nhật Bản. Ông cấm các cầu thủ dùng điện thoại di động hay đến cửa hàng tiện lợi mua đồ ăn vặt. Đặc biệt, quy định nghiêm ngặt về chuyện ăn mặc. Kỷ luật sắt đá của HLV Troussier khiến những ngôi sao như Nakata không thoải mái, đặc biệt khi ông tuyên bố sẵn sàng loại ngôi sao của Parma khỏi đội hình nếu không đáp ứng yêu cầu chiến thuật.
Với chiến lược gia có biệt danh "Phù thủy trắng", mọi cầu thủ đều bình đẳng và phải tuân thủ lối chơi. Ai thể hiện được bản thân thì được đá chính, không có ngoại lệ.
Phong cách huấn luyện có phần hà khắc và độc đoán của ông Troussier ban đầu không được giới truyền thông Nhật Bản ủng hộ. Ông còn từng hét vào mặt và yêu cầu học trò "biến đi" khi không hài lòng. Không thuộc mẫu HLV gò mình vào khuôn phép ứng xử, thậm chí bốc đồng, nhưng HLV Troussier rất chặt chẽ và quy củ về chiến thuật.
Chính tác phong kỷ luật của HLV Troussier đã giúp đội tuyển Nhật Bản từ chỗ chỉ đá bóng một cách khuôn mẫu và lý thuyết, đã trở thành tập thể giàu tính chiến đấu. Tầm ảnh hưởng của HLV Troussier không chỉ đơn thuần ở một cấp độ đội tuyển, mà trải rộng ở nhiều cấp độ nền bóng đá.
HLV Troussier tạo ra nhiều cải cách và đột phá chiến thuật.
Năm 1999, U20 Nhật Bản của HLV người Pháp lọt vào chung kết U20 World Cup, chỉ thua U20 Tây Ban Nha. Sau đó HLV Troussier đã đưa đội Olympic Nhật Bản vào tứ kết Olympic Sydney 2000. Chỉ sau đó khoảng một tháng, ông Philippe Troussier tiếp tục để lại ấn tượng mạnh mẽ khi đưa lứa cầu thủ vừa chơi xuất thần ở đấu trường Olympic tỏa sáng đánh bại Ả Rập Xê Út để vô địch Asian Cup 2000.
Một năm sau đó, đội tuyển Nhật Bản lọt vào vòng 1/8 World Cup 2002 dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier. Cho đến nay, đây vẫn là thành tích tốt nhất của Nhật Bản ở sân chơi thế giới.
Kỷ luật thép của HLV Troussier
Trong "sảnh danh vọng" tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA), có một vị trí trang trọng dành cho ông Troussier. Dấu ấn lớn nhất HLV Troussier để lại không phải danh hiệu vô địch Asian Cup 2000, mà là những đổi thay toàn diện về tư duy bóng đá, giúp đội tuyển Nhật Bản thực sự chuyển mình
Sau thành công với bóng đá Nhật Bản, HLV Philippe Troussier còn là người đặt những nền móng đầu tiên cho bóng đá Qatar khi dẫn dắt đội tuyển nước này giai đoạn năm 2003 - 2004. Ông cũng từng dẫn dắt CLB Marseille (Pháp) và các đội tuyển khu vực châu Phi.
Triết lý của HLV Troussier luôn đặt kỷ luật lên hàng đầu, mà muốn có kỷ luật, bản thân HLV trưởng phải thể hiện được quyền uy.
" Tôi cho rằng đã là một HLV ở cấp độ đội tuyển thì điều quan trọng đầu tiên là kinh nghiệm. Người dẫn dắt tập thể phải là người được các cầu thủ biết đến và tôn trọng. HLV phải sở hữu được uy quyền đối với các cầu thủ của mình. Kinh nghiệm là thứ tạo ra quyền lực đối với một HLV trưởng ", HLV Troussier nói.
Ông Steve Darby, cựu HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam cũng đánh giá cao ông Troussier ở mặt này. " Tôi từng được xem ông ấy huấn luyện đội tuyển Nhật Bản và quả thực rất ấn tượng với phương pháp của ông. HLV Troussier làm việc bài bản, quy củ và mang lại cảm giác tin cậy. Các cầu thủ đều rất tôn trọng ông Troussier ", HLV Darby nói.
HLV Troussier ký hợp đồng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam trong 4 năm. Ông sẽ bắt đầu công việc ngay trong thời gian tới, trước mắt là chuẩn bị cho các trận giao hữu vào giai đoạn FIFA Day diễn ra vào 20 - 28/3.