Đây là ý kiến của ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng trường PTTH Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi với phóng viên Infonet xung quanh sự việc của giáo viên Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ Văn của trường, đăng phát ngôn trên mạng xã hội Facebook nêu ý kiến về việc quyết định tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải (người vừa hy sinh khi chiếc chiến đấu cơ Su-30MK2 lâm nạn) của Chủ tịch UNBD TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vào trường THPT Chu Văn An.
Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông Phan Thanh Tùng
Theo đó, ngày 20/6, trên trang cá nhân của cô Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ Văn trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đăng nội dung: "Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học. Ku Tây không thích điều này:)". Đi kèm với phát ngôn này là ảnh và tin "Vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục".
Ngay lập tức, nội dung này nhận được nhiều bình luận trái chiều tuy nhiên cũng có không ít ý kiến "chia sẻ" với nội dung mà cô giáo Hà đăng tải.
Hiệu trưởng Phan Thanh Tùng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Ban giám hiệu nhà trường đã kiểm tra và mời cô Hà lên làm việc. Ngày hôm nay (23/6), chi bộ trường đã họp, phân tích việc làm của cô Hà là "tuyên truyền, phát ngôn gây ra hậu quả ở mức độ nào"?.
"Theo điều lệ Đảng, có 3 mức xử phạt đối với Đảng viên vi phạm đó là khiển trách (đối với hành vi tuyên truyền ít nghiêm trọng), cảnh cáo (đối với hành vi tuyên truyền nghiêm trọng) và khai trừ Đảng (đối với hành vi rất nghiêm trọng).
Sau khi nghe bản kiểm điểm của cá nhân cô Hà, các ý kiến phân tích của các Đảng viên khác, căn cứ trên quy định của Đảng, chi Bộ thống nhất để mức cảnh cáo đối với cô Hà" – hiệu trưởng Phan Thanh Tùng nói.
Theo hiệu trưởng Thanh Tùng thì chi bộ trường Trần Nhân Tông cũng chủ trương việc kiểm điểm Đảng viên vi phạm là "để Đảng viên đó nhận ra sai lầm, khắc phục và quan trọng nhất là sau không tái phạm".
"Kiểm điểm không phải là chấm hết"- hiệu trưởng Phan Thanh Tùng một lần nữa nhấn mạnh.
Đánh giá về quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc tuyển dụng đặc cách vợ phi công Khải, lãnh đạo trường THPT Trần Nhân Tông khẳng định đây là việc làm kịp thời, đầy tính nhân văn để động viên, chia sẻ về mặt tinh thần đối với sự mất mát của gia đình phi công.
Phóng viên Infonet đã liên hệ với Chủ tịch Nguyễn Đức Chung để hỏi về vấn đề này tuy nhiên vị Chủ tịch Thành phố Hà Nội chưa có câu trả lời.
Xung quanh dư luận xôn xao về việc cô Mỹ Hà đăng ý kiến cá nhân trên facebook và bị xử lý, nhiều người có cách nhìn khác.
Facebooker Mai Dương chia sẻ: "Sẽ rất đáng tiếc nếu Sở GDĐT Hà Nội xử lý mạnh tay đối với cô giáo Trần Thị Mỹ Hà chỉ vì một status ngắn ngủi trên facebook, khi cô giáo đánh giá rằng việc Hà Nội đặc cách cho người vợ của cố Đại tá Trần Quang Khải được nhận việc ở trường PTTH Chu Văn An như là "cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học"...
...Dù rất ủng hộ việc làm này của Thành phố Hà Nội đối với những sự mất mát của gia đình đại tá Trần Quang Khải, rất kịp thời, rất nghĩa tình, nhưng thực sự sẽ có điều gì đó khá bất nhẫn nếu Sở GD thực thi mạnh tay với cô giáo Hà trước sức ép của một vài tờ báo.
Chắc chắn là không thể so sánh và chúng ta cần phải tỉnh táo, đừng quá đà thiếu suy nghĩ để rồi đưa được người giáo viên này vào, nhưng lại để ra đi một giáo viên khác vì lý do không đáng.
Tôi tin rằng người vợ của vị cố Đại tá cũng chẳng thích thú gì nếu cô Hà bị xử lý, ngược lại, điều này càng làm cho chị ấy bối rối và áy náy dù lỗi không nằm ở chị ấy mà nằm ở chính chúng ta.
Tôi nói thẳng là tôi không ủng hộ sự thái quá của các bạn đang share những bài báo đó và nâng quan điểm để phê phán cô giáo Hà. Có thể cô giáo chưa đúng, có thể phát ngôn của cô giáo chưa phù hợp, nhưng cô giáo đó không xứng đáng phải nhận hậu quả nặng nề như thế.
Nó không đáng một chút nào".
Còn tài khoản facebook H.H (một ca sĩ) viết: "Nói một câu công bằng thì anh Khải hy sinh khi làm nhiệm vụ là một mất mát lớn của gia đình nói riêng, của QĐND VN và cả nước nói chung. Nhân dân cả nước trân trọng và ghi nhận sự đóng góp và hy sinh của anh.
Anh là một quân nhân chuyên nghiệp, sự đóng góp và hy sinh của anh được Quân đội và Nhà nước ghi nhận và có những đền đáp xứng đáng theo chế độ đãi ngộ dành cho anh.
Còn về việc vợ anh được đặc cách vào biên chế ngành giáo dục Hà Nội theo tôi là một việc làm cảm tính, không phù hợp tính chuyên nghiệp trong việc tuyển dụng công chức của ngành giáo dục Hà Nội. Công ra công, tư ra tư, việc nào ra việc đó mới gọi là chuyên nghiệp chứ.
Comment của cô giáo trên cũng là ý kiến cá nhân của cô, có thể đúng, có thể sai nếu xét theo quan điểm của từng người, từng hoàn cảnh, ai không đồng ý thì dùng lời văn, lý luận để phản bác lại thôi cớ sao lại mạt sát, chửi rủa thậm tệ thế nhỉ.... Tôi lại ủng hộ Cô Hà...".
Cũng có chung quan điểm về vấn đề này, facebooker Quỳnh Hải viết: "Cô giáo Hà mặc dù có suy nghĩ không đúng nhưng cô có thể thể hiện suy nghĩ của mình trên Facebook. Cô chả có tội tình gì mà phải xử lý mạnh tay hay nhẹ tay cả. Facebook là nơi người ta có thể có ý kiến đa chiều về một sự việc".
Xung quanh chuyện "cần phải xử lý cô Hà", rất nhiều người tỏ ra bất bình bởi nó sẽ là một quyết định rất cảm tính để "chiều lòng đám đông".
Tài khoản Facebook Anh Lê nêu ý kiến: "Quan điểm của cô giáo đúng hay sai thì cần đưa ra lập luận để phản biện, chứ ko phải đi nhân danh "dư luận" đề vùi dập người khác chỉ vì quan điểm trái chiều. Nếu chỉ vì "dư luận bức xúc" mà phạt thì chả khác gì thời trung cổ".
"Một người không thể là nhân từ, một cộng đồng không có lòng nhân ái, khi nâng đỡ người này,đồng thời ám hại người kia chỉ vì bất đồng quan điểm", facebooker Hải Lương viết.
Trong cộng đồng mạng, không ít người bày tỏ quan điểm "không đồng tình với ý kiến của cô giáo Trần Thị Mỹ Hà" nhưng cũng phản đối gay gắt chuyện nhà trường hay cấp quản lý nào đó "xử lý" cô giáo này.
"...mặc dù cái status của cô Hà khiến tôi rất không thiện cảm với cô ấy. Nhưng xử lý cô ấy vì nói ra cảm tưởng cá nhân thôi (thích/không thích) thì tôi thấy vô căn cứ. Cô ấy cau có với đời thì đời sẽ cau có lại với cô ấy, thế thôi", facebooker Trần Vui nêu quan điểm.