Kỷ luật bêu tên dưới cờ khiến học sinh nhục nhã, sợ hãi

Hà Linh |

Nhiều thầy cô và chuyên gia giáo dục cho rằng, sự việc nữ sinh lớp 10 ở An Giang bị kỷ luật, bêu tên dưới cờ khiến học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, bị ghét bỏ. Từ đó, có thể nảy sinh hành động tiêu cực.

Ngày 30/11, học sinh N.T.N.Y, học sinh Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) được cô giáo chủ nhiệm phát hiện ngất xỉu trong nhà vệ sinh do em này uống thuốc tự tử. Báo cáo của Sở GD&ĐT An Giang nêu: “Nhà trường có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành là lãnh đạo trường nêu họ tên học sinh vi phạm nội quy dưới cờ, làm ảnh hưởng tâm lý học sinh”.

Thầy cô lầm tưởng về kỷ luật áp đặt

Cô Phạm Yến, chuyên gia phòng tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, giáo viên, nhà trường áp dụng hình thức kỷ luật không tích cực không còn phù hợp với thời điểm hiện nay. Nhất là khi đã có nhiều văn bản của Bộ GD&ĐT quy định về việc này.

Cô Yến khẳng định, bêu tên học sinh trước cờ hay phê bình, quát mắng trẻ trước lớp đều ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý học sinh. Nhất là các em ở độ tuổi mới lớn, nhạy cảm, đang xây dựng hình ảnh bản thân trước bạn bè là cần được tôn trọng, tự tôn. Khi bị bêu tên trước trường, làm vỡ hình ảnh của bạn trước rất nhiều người. Nhất là học sinh thường phóng đại vấn đề, sự việc lên. Ví dụ, thầy cô phê bình em sẽ nghĩ: thầy cô ghét bỏ mình, từ đó bạn bè sẽ xa lánh, mình cô đơn, không ai đứng về phía mình…

Trước đây, một số giáo viên cho rằng, phê bình học sinh trước lớp, trước trường sẽ làm cho em đó xấu hổ, kỷ luật bản thân hơn và không vi phạm nữa. Nhưng đây chỉ là nhầm tưởng, bởi vì khi bị kỷ luật theo hình thức đó em tự ti, cảm giác bất công, bị bỏ mặc, không ai tin tưởng…từ đó có thể dẫn tới những hành động tiêu cực. “Hành động tiêu cực như nữ sinh ở An Giang ngầm khẳng định, em này thể hiện mình đúng”, cô Yến nói.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, thầy cô không nên kỷ luật bằng hình thức trừng phạt học sinh cả về tinh thần lẫn thể chất. Các em có thể vi phạm một vài lỗi nào đó trong quá trình học tập, rèn luyện, thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm cần kiên trì sửa lỗi, giải thích cho em hiểu và không vi phạm. “Trong thời đại 4.0 như hiện nay, nếu học sinh bị kỷ luật phê bình nêu tên trước toàn trường sẽ là nêu tên trước toàn thế giới. Các em sẽ tự ti, xấu hổ, chịu áp lực rất lớn”, thầy Khang nói.

Bêu tên trước trường là bạo lực tinh thần học sinh

Về vấn đề này, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục- Đại học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc kỷ luật không tích cực như bêu tên học sinh trước toàn trường là bạo lực tinh thần. Khi bị bêu tên trước toàn trường, cảm xúc của học sinh khi đó sẽ là thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị. Nếu những em vi phạm nhiều lần, bị phạt nhiều lần như vậy sẽ dễ trở nên oán giận. Thậm chí, một số em có hành vi trả đũa bằng cách chống đối giáo viên hay tự gây hại cho bản thân, khiến mọi người hối hận vì đã phạt mình.

Trường hợp học sinh ở An Giang, nếu thực sự em này đã uống thuốc tự tử rồi để lại thư tuyệt mệnh chứng tỏ sau sự việc đó, em đã làm hại bản thân để phản ánh mình không chấp nhận, đồng ý với cách xử phạt của thầy cô. Hành vi đó cũng có thể thể hiện thông điệp muốn người khác dừng lại cách xử phạt đó, không ai phải rơi vào hoàn cảnh giống mình.

Theo TS Nam, giáo viên nên áp dụng hình thức kỷ luật tích cực, giúp học sinh nhận ra sai lầm để tiến bộ, không nên giáo dục học sinh dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi. “Học sinh ở An Giang uống thuốc tự tử là tiếng chuông cảnh tỉnh về phương pháp xử lý, cách thức ứng xử của giáo viên với học sin”, ông Nam nói.

Vì thế, theo ông Nam, Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 32 quy định về hình thức kỷ luật, trong đó trong quá trình học tập, rèn luyện “cấm” bêu tên học sinh trước trường, trường lớp. Các nhà trường phải quán triệt triết lý kỷ luật tích cực tới giáo viên. Bản thân giáo viên cũng phải tự thay đổi nhận thức về quan điểm “yêu cho roi cho vọt” như ngày trước. “Chúng ta có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói một cách thông thường là làm gương, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, ông Nam phân tích.

Giáo dục tích cực chính là tập trung nhấn mạnh vào hành vi tốt, điểm tốt của trẻ, khuyến khích việc tốt thay vì săm soi cái xấu. Hành vi tốt tăng lên đồng nghĩa hành vi xấu giảm đi. “Còn những biện pháp kỷ luật đi ngược quan điểm này, như giáo dục dựa trên đau đớn và bị nhục nhã, sợ hãi, là bạo lực”, TS Trần Thành Nam khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại