Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán VEA) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với doanh thu sụt giảm đáng kể. Theo đó, doanh thu trong kỳ đạt 998 tỷ đồng, giảm128 tỷ đồng, tương đương 11,4% so với quý 1/2019.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tốc độ đi lùi mạnh hơn, giảm từ 1.087 tỷ đồng xuống 902 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của VEAM tăng 57,8 tỷ đồng, tương đương 152% lên 95,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, VEAM ghi nhận chi phí tài chính giảm mạnh từ 5,8 tỷ đồng xuống 3,3 tỷ đồng nhưng doanh thu cải thiện đáng kể, từ 177 tỷ đồng lên 229 tỷ đồng.
Các công ty liên kết hoạt động hiệu quả mang về cho VEAM khoản lợi nhuận lên đến 1.165 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 1.209 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
VEAM cũng đã nỗ lực cắt giảm chi tiêu, bên cạnh chi phí tài chính, chi bán hàng giảm từ 25,4 tỷ đồng xuống 16,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng nhẹ từ 99,2 tỷ đồng lên 99,7 tỷ đồng.
Đa số các chỉ tiêu đều tăng trưởng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng từ 1.293 tỷ đồng lên 1.371 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế tăng 54 tỷ đồng, tương đương 4,2% lên 1.325 tỷ đồng.
Có thể thấy, lợi nhuận sau thuế tại VEAM cao hơn hẳn doanh thu. Điều đó cho thấy, VEAM có các chỉ tiêu tài chính khả quan không phải từ hoạt động kinh doanh chính.
Hiện các công ty liên kết là yếu tố chính mang lại hiệu quả cho VEAM. Trong năm 2019, Honda và Toyota là những đơn vị "giải cứu" cho đà đi lùi của VEAM.
Cụ thể, trong năm 2019, doanh thu hoạt động tài chính của VEAM đạt 7.827 tỷ đồng, tăng 2.332 tỷ đồng, tương đương 42,4% so với năm 2018. Cổ tức và lợi nhuận được chia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu hoạt động tài chính, đạt 6.980 tỷ đồng, chiếm 89,2% doanh thu tài chính.
Trong đó, đóng góp của Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam là lớn nhất. Honda Việt Nam mang về cho VEAM khoản cổ tức, lợi nhuận được chia lên đến 5.824 tỷ đồng, tăng so với 4.495 tỷ đồng. Còn lợi ích mà Toyota Việt Nam mang lại là 841 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 622 tỷ đồng của năm 2018.
Thế nhưng, trong quý I/2020, Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam chưa thực hiện chi trả cổ tức nhưng VEAM vẫn tăng trưởng nhanh về lợi nhuận. Đó là do các công ty liên kết khác mang về cho VEAM khoản lãi 1.165 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền gửi tiết kiệm cũng đóng góp vai trò rất lớn vào sự tăng trưởng của VEAM.
Do những khoản cổ tức khủng mà Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam mang lại, VEAM có lượng tiền mặt rất dồi dào. Tại thời điểm 31/3/2020, VEAM có tới 12.750 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại nhiều ngân hàng. Khoản tiền này mang về cho VEAM tiền lãi 227 tỷ đồng, chiếm 99% doanh thu hoạt động tài chính.
Liên quan đến VEAM, mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can với Vũ Quang Tâm, nguyên Phó Tổng giám đốc, hiện là thành viên Hội đồng quản trị, để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trần Ngọc Hà, nguyên tổng giám đốc VEAM, về cùng tội danh. Ông Hà đã bị khởi tố trước đó trong cùng vụ án .
Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra VEAM và một số đơn vị thành viên.
Bên cạnh đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 4 bị can, gồm Trần Ngọc Hà, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Máy kéo nông nghiệp.