Như báo chí đưa tin, trong năm 2017, súng trường Mỹ M16 sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt tại Ukraine theo hợp đồng ký kết giữa tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukraine "Ukroboronprom" với công ty "Aeroscraft" (hiện đang sản xuất khinh khí cầu) của Mỹ.
Liệu việc thay thế các vũ khí Liên Xô có phải là cần thiết và súng bộ binh có phải là vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay của các lực lương vũ trang Ukraine hay không?
"Kalash" hay M16
Súng M16, hay đúng hơn là phiên bản sửa đổi của mẫu M4A1, hiện đang có trong biên chế của các đơn vị đặc nhiệm trong quân đội Mỹ và NATO như Đan Mạch, Pháp, Ý, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Igor Romanenko, cựu phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, nhận xét: "Súng trường tấn công M16 chỉ xếp sau Kalashnikov về độ phổ biến trên thế giới. Nó từng tham chiến tại các chiến trường Việt Nam, Đông Nam Á, Afghanistan, Iraq…
Mặc dù ban đầu súng có nhiều nhược điểm nhưng trải qua vài chục năm thực chiến, người Mỹ đã hoàn thiện nó. Ngoài ra, súng được thiết kế để có thể gắn thêm nhiều "đồ chơi" như máy đo khoảng cách, ngắm laser, đèn pin, v.v.".
Ông Igor Romanenko
Đến thời điểm hiện tại, trên thế giới mới chỉ có vài nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Bỉ là được phép sản xuất mẫu súng Mỹ này một cách hợp pháp. Và vào cuối năm 2016 thêm một quốc gia nữa chính thức tham gia vào nhóm này – đó là Ukraine.
Cả "Ukroboronprom" và công ty "Aeroscraft" cũng đều nhấn mạnh rằng phía Ukraine được ưu đãi khi nhận được giấy phép chỉ trong thời gian rất ngắn.
"Phía Mỹ đã rất tích cực tạo điều kiện. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng nhanh thì vào đầu tháng 2, chậm thì vào tháng 3 năm 2017, vậy mà cuối cùng giấy phép đến tay quá sớm - trước thời điểm năm mới gần 3 tuần" – ông Sergei Mikityuk, giám đốc Ukroboronservis (một chi nhánh của tập đoàn Ukroboronprom), cho biết.
Igor Pasternak - đứng giữa
Điều này quả là gây kinh ngạc đến mức người sáng lập của "Aeroscraft", ông Igor Pasternak phải thốt lên: "Được cấp phép chỉ sau có 3 tuần – cá nhân tôi chưa từng thấy ưu đãi nào cho doanh nghiệp đến mức như vậy trong đời".
Tuy nhiên, các chuyên gia khi được phỏng vấn lại không vội vàng bày tỏ niềm hân hoan lớn khi súng trường Mỹ được sản xuất tại Ukraine. Theo ông Sergey Zgurets - chuyên gia quân sự, giám đốc công ty thông tin và tư vấn Defense Express, hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng nào để chắc chắn là quân đội Ukraine cần tới súng M16.
"Bất kỳ sáng kiến nào tương tự như vậy đều phải được sự chấp thuận của Bộ Tổng Tham mưu – vốn là khách hàng chính khi đặt mua những loại vũ khí mà quân đội Ukraine cần, đặc biệt là trong tình hình hiện này khi các nguồn lực tài chính cho tái vũ trang đang cực kỳ thiếu thốn.
Do đó rất khó để tin rằng con đường này là hợp lý, bởi hiện tại vũ khí bộ binh của chúng tôi vẫn đang có đủ".
Phát ngôn viên của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine – ông Vladislav Seleznev chưa thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức khi bị hỏi: Trước khi đặt hàng M16 thì Bộ Tổng tham mưu đã liên hệ với các đơn vị quân sự có nhu cầu sử dụng loại vũ khí này hay chưa?
Sergey Zgurets - chuyên gia quân sự, giám đốc công ty thông tin và tư vấn Defense Express
Nhưng ngay cả khi có nhu cầu đặt hàng loại súng này thì theo lời ông Zgurets, sự xuất hiện của súng trường tấn công Mỹ M16 trong lực lượng vũ trang Ukraine cũng không thể giúp thay đổi tình hình tại các mặt trận theo hướng có lợi cho Ukraine.
Nguyên nhân là bởi hiệu quả chiến đấu của M16 không hơn được súng trường Kalashnikov, trong khi đó, theo các chuyên gia, số lượng vũ khí của Liên Xô hiện đang có trong các kho của Ukraine là khoảng nửa triệu khẩu.
Đạn dược quan trọng hơn súng ống?
Mẫu súng được cho là M16 phiên bản 7,62mm Ukraine bị lộ trên mạng Internet
Nền tảng của dự án "M16 Made in Ukraine" chính là đạn cho súng trường. "Ukroboronprom" cho biết: loại súng M16 phiên bản Ukraine sẽ được sản xuất để sử dụng được đạn 7,62 x 39 mm của Liên Xô mà hiện tại vẫn còn trong các kho vũ khí.
Tuy nhiên cỡ nòng 7,62 lại không phù hợp với các tiêu chuẩn của NATO, vì vậy trong thiết kế của súng sẽ có ít nhiều thay đổi và không sử dụng nòng cỡ 5,56 mm theo chuẩn Liên Minh.
Vũ khí Liên Xô tại các mặt trận Ukraine vẫn đang được sử dụng rất nhiều
Tới đây lại nảy sinh vấn đề: Khi đạn chuẩn Liên Xô trong kho cạn dần thì phải kiếm ở đâu ra thêm đạn bây giờ? Lúc đó Ukraine sẽ phải đi nhập khẩu theo giá chung của thế giới, hoặc là tự sản xuất lấy.
Những nhà lãnh đạo của Ukroboronprom cho rằng: việc xây mới một nhà máy sản xuất đạn, trong trường hợp sử dụng vốn nhà nước, là hoàn toàn có thể chỉ trong 18 tháng. Thế nhưng các chuyên gia quân sự nhận định rằng việc chạy theo cỡ nòng như vậy sẽ không đem lại điều gì tốt cả.
"Hiệu quả của súng bộ binh phụ thuộc vào ba thành phần: tự thân vũ khí, đạn dược và phương tiện ngắm bắn.
Nếu xét về đặc điểm kỹ-chiến thuật thì M4A1 không thể vượt mặt súng trường Kalashnikov được, nhưng đạn dược lại là chủ đề hoàn toàn riêng biệt và nghiêm túc.
Hiện nay chúng ta đang sử dụng đạn từ thời Liên Xô, và chúng không đủ khả năng xuyên qua được các loại áo giáp hiện đại của Nga.
Trên cơ sở này, tôi muốn nhấn mạnh cái mà chúng ta cần nói ở đây là chuyện về loại đạn dược mới. Những mẫu vũ khí đạn dược là chuẩn của NATO cũng không có được khả năng đâm xuyên mà quân đội của chúng ta đang cần trong giai đoạn hiện nay.
Chất lượng áo giáp chống đạn của Nga quá tốt khiến loại đạn 7,62,39 mm Liên Xô cũ khó mà đâm xuyên được
Theo đó, khi nói về tái trang bị cho quân đội bằng loại vũ khí bộ binh mới thì loại vũ khí đó phải tương xứng được với các mối đe dọa thực sự mà chúng ta đang và sẽ phải đối mặt, đó là mức độ và khả năng bảo vệ cao của áo giáp sử dụng trong quân đội Nga, và chúng ta thì đang thiếu những loại đạn có thể đâm thủng áo giáp của họ.
Việc chúng ta ồ ạt đem M16 vào sử dụng có lẽ sẽ chẳng thay đổi được gì trên chiến trường" - ông Zgurets nhận định.
Ngoài ra, để chuyển đổi toàn bộ vũ khí của các lực lượng vũ trang Ukraine sang M16 có thể sẽ mất vài năm.
Chủ tịch Hiệp hội những người sở hữu vũ khí của Ukraine, ông George Uchaikin, nói: "Dạy cho một người có thể chỉ mất vài ba giờ, nhưng để cho toàn bộ quân đội thì toàn bộ quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống sẽ tốn không dưới một năm rưỡi".
Các chuyên gia cũng nghi ngại cho mối quan hệ hợp tác giữa "Ukroboronprom" và công ty "Aeroscraft" – một công ty xưa nay vẫn tập trung sản xuất bóng bay, khí cầu và các phương tiện bay khác.
Dự án còn nhiều nghi vấn
Ông Uchaikin nhận xét: "Tôi thật sự không hiểu nổi tại sao mà "Ukroboronprom" lại chọn đối tác là một công ty chuyên sản xuất khinh khí cầu để chế tạo vũ khí cho quân đội quốc gia. Liệu họ đã từng có bất kỳ chút kinh nghiệm nào đối với những dự án như vậy chưa?
Vì sao không chọn những tên tuổi đã nổi tiếng từ lâu như Colt, Remington, Bushmaster, bởi lẽ chính những công ty này hiện nay đang cung cấp vũ khí cho rất nhiều đội quân của các quốc gia trên toàn thế giới.
Họ có công nghệ, có các cơ sở sản xuất riêng của mình và rất nhiều kinh nghiệm để đảm bảo thực hiện thành công các dự án như thế này.
Aeroscraft là công ty chuyên sản xuất khinh khí cầu và các phương tiện bay khác
Tại sao chính phủ lại bất ngờ lựa chọn một công ty mà những người sáng lập ra nó có dây mơ rễ má với Ukraine (Igor Pasternak - người sáng lập của công ty "Aeroscraft" là người gốc Ukraine)?
Có lẽ điều này sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn. Một công ty tư nhân có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, thế nhưng doanh nghiệp nhà nước thì phải làm mọi thứ một cách minh bạch.
Theo tôi, vấn đề vũ khí bộ binh không phải là cấp thiết hàng đầu. Có lẽ nó chỉ xếp vị trí thứ 10 hay 20 mà thôi. Chúng ta có những vấn đề quan trọng hơn nhiều cần phải giải quyết, ví dụ, đấu tranh với những phương tiện bay không người lái hoặc là chiến tranh điện tử".