Một ngôi làng ở Ghana, một quốc gia ở Tây Phi cấm tất cả phụ nữ sinh con tại làng, trang Oddity Central đưa tin.
Ngôi làng Mafi Dove, ở miền Nam Ghana, là nơi sinh sống của khoảng 5.000 người. Điều đặc biệt là hầu như trong số đó không ai được sinh ra tại ngôi làng này.
Mỗi khi có thai, trước khi sinh con 1, 2 tháng, các phụ nữ phải di chuyển qua làng khác "lánh tạm" đến khi sinh con xong mới được quay về làng. Ảnh: BBC
Điều cấm kỵ này được đưa ra với niềm tin rằng việc sinh con tại làng là một xúc phạm nghiêm trọng đến các vị thần.
Vậy nên, khi các phụ nữ mang thai đến hạn sinh nở, họ phải di cư đến các cộng đồng lân cận sinh con xong mới được quay về.
Không ít trường hợp thai phụ đã chuyển dạ vô cùng đau đớn nhưng vẫn phải đợi chuyển đi rồi mới được sinh con.
Cũng giống như nhiều cộng đồng người Ghana khác, người dân trong làng Mafi Dove vẫn tồn tại nhiều phong tục và truyền thống từ thời xa xưa, dù xã hội bên ngoài có phát triển thế nào.
Ngoài điều cấm kỳ lạ không được sinh con trong làng, Mafi còn cấm người dân không được phép nuôi động vật. Trừ những loài động vật bay trên trời, hầu như không ai tìm thấy bất cứ loài động vật nào được nuôi dưới đất.
Thú vị ở chỗ là người dân có thể đem động vật từ nơi khác đến làng Mafi Dove để giết thịt nhưng lại không được phép nuôi. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt.
Rất nhiều trẻ em sống trong làng Mafi Dove nhưng không một ai trong số chúng được sinh ra tại chính ngôi làng của mình. Ảnh: BBC
Điều cấm kỵ thứ ba là cấm chôn cất. Do diện tích đất hạn hẹp, người dân ở làng Mafi Dove không được phép chôn cất trong làng. Khi có người qua đời, gia đình phải đưa tới các ngôi làng lân cận để mai táng nhờ.
Được biết, người đặt ra ba điều cấm kỵ trên là người sáng lập ra làng Mafi Dove - một thợ săn có tên Togbe Gbewofa Akiti.
Khi Togbe lần đầu đặt chân đến mảnh đất này, một giọng nói vang lên và bảo với anh rằng, đây là một nơi linh thiêng.
Nếu anh Togbe và người dân muốn tồn tại ở đây, họ phải tuân thủ ba quy tắc: Không nuôi động vật, không chôn cất, không sinh đẻ.
Tuy nhiên ngày nay, nhiều phụ nữ đã lên tiếng đòi quyền được sinh con trong làng bởi việc di chuyển một thai phụ đi xa là rất nguy hiểm và dễ có nhiều biến chứng.
Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong làng vẫn giữ nguyên quan điểm, cho rằng việc sinh con trong làng là ô uế, ảnh hưởng tới các vị thần, sẽ khiến cuộc sống của người dân không còn yên bình nữa.
Để giải quyết mâu thuẫn này, một số phòng khám thai sản đã được mở ra ở ngay ngoại ô làng nhằm giúp phụ nữ có thể sinh con gần nhà hơn, tránh được những rủi ro không đáng có.