Vải chín sớm đang được bán nhiều trên chợ mạng, chợ truyền thống khu vực phía Nam và các vùng Đắk Lắk, Đắk Nông... chính là giống vải được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên. Năm nay, giá vải tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi gấp ba so với năm ngoái.
Vải chín sớm hay còn gọi là vải u hồng, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Vải có vị ngọt thanh pha chút chua chứ không ngọt đậm như vải thiều miền Bắc. Hiện, các cửa hàng trái cây bán giá 100.000-130.000 đồng một kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Vải u hồng có phần chóp nhọn hơn vải thiều
Vải u hồng chín sớm giá 130.000/kg
Theo khảo sát của VnExpress, tại các cửa hàng và chợ truyền thống ở TP HCM, vải chín sớm có giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng, gấp đôi năm ngoái. Trái lại, trên chợ mạng giá mềm hơn chỉ từ 45.000 - 70.000 đồng/kg.
Các tiểu thương tại đây cho biết, vải chín sớm đang bán có nguồn gốc từ Đắk Lắk, thu hoạch từ cuối tháng 4 đến tháng 6. Năm nay, giá vải u hồng tăng cao là do chi phí vận chuyển và bảo quản tăng 40%. Hơn nữa, vải mới đầu vụ nên số lượng cung ứng ra thị trường còn hạn chế.
Ở những cửa hàng trái cây cao cấp, vải chín sớm cũng được bày bán trên các kệ với giá lên tới 130.000 đồng một kg. Theo các chủ cửa hàng, giá ở đây cao hơn các chợ truyền thống vì quả được chọn kỹ.
"Năm nay, giá vải tăng mạnh lên 130.000 đồng mỗi kg nhưng vẫn hút khách", chị Hoa, chủ cửa hàng trái cây trên đường Thống Nhất (quận Gò Vấp) nói. Chị đã bán vải u hồng được 2 ngày nay và nhập được khoảng 10kg mỗi ngày vì hàng đầu vụ số lượng có hạn.
Trên chợ mạng, vải u hồng có giá khá mềm chỉ từ 45.000đ/kg. Ảnh chụp màn hình
Tại các nhà vườn, giá sản phẩm này đang ở mức 40.000-45.000 đồng một kg, tăng 10.000-20.000 đồng so với cùng kỳ. Các hộ trồng cho rằng, giá tăng vì chi phí và công chăm sóc cho mùa vải năm nay tăng cao. Mặt khác, vải mới đầu vụ nên số lượng cung ứng ra thị trường thấp.
Tại một nhà vườn ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, chủ vườn cho biết vải U Hồng năm nay khá hút khách. Đầu mùa vải có giá 60.000 đồng/kg, và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Chủ vườn cho biết: “Khách hàng ở khắp nơi như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội đặt đơn không kịp giao, mỗi đơn khách cũng đặt cả thùng vải”.
Doanh nghiệp chuyên thu mua vải Tây Nguyên lý giải, năm ngoái hàng khó bán đi các địa phương khác do hoạt động cách ly, còn giờ tình hình có vẻ ổn định hơn nên sức tiêu thụ tốt, giúp giá tăng.
Dữ liệu từ báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk thông tin, hiện diện tích trồng vải của tỉnh trên 1.313 ha, tăng hơn 5 lần so với năm 2015, chiếm 3,6% so với tổng diện tích cây ăn quả (36.300 ha).
Phần lớn diện tích vải tập trung nhiều ở Ea Kar, M’Đrăk, Krông Păc, Krông Ana, Buôn Hồ, Krông Năng. Tỉnh này đang tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tích cực hướng sản xuất theo quy trình VietGAP giúp cây vải phát triển bền vững.
Cận cảnh một vườn vải u hồng ở Tây Nguyên. Nguồn: Hana Ban Mê
Giống vải u hồng có đặc điểm là quả mọc thưa và khoe quả. Thuộc nhóm giống có quả to trung bình, khối lượng 30-35 quả/kg. Khi chín vỏ quả mỏng, vai quả có màu hồng đỏ tươi, phần cuối quả màu vàng hoặc xanh sáng. Quả khi còn xanh hơi chua, khi chín quả ngọt vừa.
Tỷ lệ cùi ăn được chiếm từ 55-60%. Năng suất cùng độ tuổi trung bình thường bằng 2/3 so với giống vải chính vụ, năng suất khá ổn định và ít chịu ảnh hưởng của thời tiết lạnh.
Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung được biết đến là thủ phủ của cà phê và hồ tiêu, trong những năm gần đây, giá cả của các loại nông sản chủ lực này liên tục giảm thấp nên người dân đang có xu hướng chuyển đổi cây trồng.
Cùng với nhãn Hương chi, nhãn Miền T2, T6, vải u hồng đang trở thành một lựa chọn chuyển đổi của nông dân, việc chăm sóc vải cũng không quá khó so với các loại cây trồng khác.
(Tổng hợp)