Việc quản lý trang trại “điện mặt trời” tại TT-Huế hiện rơi vào tình trạng mơ hồ. Trong khi đó, chủ các trang trại “điện mặt trời” vẫn vô tư xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà khung sắt để áp pin, thậm chí áp tấm pin năng lượng lên nhà không có mái lợp, với diện tích rộng lớn tại các khu quy hoạch chức năng "cứng" là sản xuất nông nghiệp.
Bên trong một khu nhà khung sắt không có tấm lợp. Mái nhà là những tấm pin năng lượng.
Theo kiểm tra mới đây của UBND huyện Quảng Điền, tại vùng trang trại rú cát của 3 xã Quảng Lợi, Quảng Thái, Quảng Vinh hiện có 4 dự án trang trại gắn với công trình điện mặt trời, với tổng diện tích sử dụng xây dựng công trình liên quan đến phát điện khoảng 6,5 hecta. Như vậy, mỗi dự án trang trại có diện tích lắp pin mặt trời áp mái rộng bình quân hơn 1ha. Tuy nhiên, có những khu trang trại đã sử dụng từ 2 đến gần 3ha đất sản xuất nông nghiệp làm mặt bằng lắp pin năng lượng mặt trời.
Tại huyện Phong Điền cũng có 3 khu vực trang trại “điện mặt trời” vừa hình thành trên mặt bằng đất trang trại truyền thống (vườn, ao, chuồng trại) do chủ cũ nhượng lại. Diện tích pin năng lượng áp mái tại các trang trại vùng cát chưa được UBND huyện Phong Điền kiểm tra, thống kê cụ thể.
Trong khu nhà này không có bất kỳ hoạt động sản xuất nông nghiệp nào. Trên là mái bằng pin mặt trời, dưới là đất cát khô cằn, bạc màu khó có cây trồng gì phát triển được.
Điều đáng nói, chủ nhân trang trại “điện mặt trời” đều là người từ nơi khác đến, có người là chủ doanh nghiệp xây dựng. Họ mua đất từ chủ trang trại cũ, sau đó cải tạo mặt bằng, không tổ chức trồng trọt, chăn nuôi ngay từ đầu theo đúng nghĩa trang trại sản xuất nông nghiệp, mà triển khai ồ ạt công trình điện năng lượng mặt trời.
Việc hình thành các khu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp như đề án trình với cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn mờ mịt. Các khu trang trại “điện mặt trời” hầu hết do các doanh nghiệp gắn mác “công nghệ xanh” đứng tên.
Trang trại hay nhà máy phát điện năng lượng mặt trời?
Theo chính quyền sở tại, khi khai báo, trình phương án tổ chức sản xuất trang trại mới (kèm công trình điện mặt trời), hai thành phần “ao, chuồng” như mô hình người dân địa phương từng làm trước đây gắn với cải tạo đất bạc màu, tăng độ phì nhiêu đấtt đai trên đặc thù thổ nhưỡng vùng cát nội đồng cằn cỗi ở Quảng Điền, Phong Điền không được chủ đầu tư mới xem trọng như trước.
Họ xây dựng công trình nhà khung sắt áp pin lên mái là chính, “thòng” theo điều kiện quyết định nhưng rất mơ hồ là trồng rau, nuôi giun quế, thả gà… Trong khi đó, rau trồng theo công nghệ nào trên vùng cát bạc màu khô hạn, bao giờ trồng, phun tưới bằng nguồn nước gì, thị trường tiêu thụ nơi đâu… thì không được trình bày rõ.
Một công nhân kiểm tra các tấm pin đã được lợp lên khung nhà bằng sắt không có mái đúng quy định.
Theo tiết lộ của một chủ cũ trang trại rú cát ở Quảng Điền, mỗi hecta đất trang trại nơi đây hiện được san nhượng với giá trên dưới 400 triệu đồng. Đất đai sau chuyển nhượng đã được chủ mới biến thành trang trại “điện mặt trời”, với thời gian sử dụng đất trong vòng 20 năm.
“Không biết người ta sản xuất rau màu tại một nơi chỉ toàn cát trắng cằn cỗi, nắng hạn khắc nghiệt và đầy rủi ro do thiên tai như thế này sẽ cho lợi nhuận như thế nào, theo phương thức canh tác, công nghệ gì. Trong khi công trình phụ trợ phục vụ trồng rau là các nhà khung sắt (mục đích chính để áp tấm pin năng lượng mặt trời) lại có giá trị đầu tư hàng tỷ đồng. Đây là một điều bất thường. Liệu tiền thu từ bán rau có bù được chi phí xây dựng nhà khung sắt, nếu nơi này không gắn pin áp mái để bán điện ra ngoài?”, một người dân tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, băn khoăn.
Nông dân địa phương cho rằng, nếu thuần túy chỉ trồng rau tại nơi không thích hợp cho cây rau tồn tại mà bỏ hàng tỷ đồng để làm hạ tầng “khủng”, cụ thể là các nhà khung sắt dày đặc, sẽ tạo rủi ro rất cao về đầu tư. Đó cũng là điều bất thường, vì ngay việc trồng cây lâm nghiệp keo, tràm lấy gỗ phủ xanh đất trống trên vùng cát nội đồng lâu nay đã rất khó khăn.
Cây cối của khu trang trại cũ bị đào xới, cày ủi trốc gốc để lấy mặt bằng sản xuất điện mặt trời.
“Xưa nay, chưa ai làm như vậy. Cũng chưa có mô hình trình diễn, thí điểm nào làm căn cứ để họ triển khai đại trà sản xuất rau, giun quế tại đây như thế. Tôi không tin việc trồng rau, nuôi giun nơi đây là mục đích chính và sẽ mang lợi nhuận cao, bù đắp được chi phí về đầu tư hạ tầng như vậy, nếu không phải là để làm điện mặt trời”, một nông dân bày tỏ nghi ngờ.
Một công trình trang trại "điện mặt trời" tại huyện Phong Điền. Công trình này xây sẵn mái để áp pin.
Đề cập về các khu trang trại có lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp khung nhà trên địa bàn, đại diện UBND huyện Quảng Điền, cho biết, chủ đầu tư khai báo, trình bày phương án là trồng rau màu, còn họ có sản xuất đúng đề án, làm theo công nghệ gì, thị trường tiêu thụ ra sao… thì vẫn phải chờ xem.
Một thực tế hiện nay tại khu trang trại “điện mặt trời” huyện Quảng Điền, có nơi chủ đầu tư cho áp hàng nghìn tấm pin năng lượng lên phần khung nhà kim loại, nhưng bên dưới không hề có tấm lợp. Pin mặt trời thay luôn tấm lợp mái nhà.
Hàng loạt ngôi nhà không có mái, bên trên được lắp tấm pin năng lượng thay tấm lợp.
Trong khi, theo Công văn 7088 (ngày 22/9/2020) của Bộ Công thương về hướng dẫn thực hiện điện mặt trời mái nhà, công trình trang trại yêu cầu phải có mái, mái nhà phải phù hợp công năng, loại hình trang trại… Đây cũng là điều kiện để công ty điện lực ký hợp đồng tiêu thụ điện. Trước thực trạng xây dựng nhà không mái nhưng áp tấm pin mặt trời, phía công ty điện lực tại TT-Huế cho biết sẽ rà soát để đưa ra quyết định ký hợp đồng đấu nối, mua bán điện. Trường hợp không bảo đảm sẽ bị từ chối đấu nối, mua bán.
Trước đó, như tin đã đưa, sau Tây Nguyên , phong trào làm trang trại “điện mặt trời” có dấu hiệu tạo thành “cơn sốt” và lan nhanh tại TT-Huế, tiềm ẩn những nguy cơ sử dụng đất trái mục đích, biến tướng sản xuất nông nghiệp; gây sa mạc hóa, ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất năng lượng tái tạo đấu nối từ mặt đất.
“Cơn sốt” này hiện chưa được các cấp có thẩm quyền kiểm tra, chấn chỉnh.