Trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Thống (SN 1955, ở xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) có khoảng 70 cây gạo có tầm gửi quý được nhiều thương lái tìm mua với giá lên đến cả triệu đồng mỗi kg. Loại tầm gửi này chỉ xuất hiện trên cây gạo tía và không phải cây gạo tía nào cũng có.
Do loại tầm gửi này hầu như không thể nhân giống bằng cách chiết, ghép nên chúng rất hiếm và có giá thành cao. Những ai sở hữu cây gạo có tầm gửi coi đó là lộc trời cho, vì chỉ với việc thu hái tầm gửi và bán mỗi năm cũng có thể thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Theo ông Thống, từ xa xưa, tầm gửi cây gạo vẫn được coi là loài cây thuốc quý, được người dân dùng đun nước uống để điều trị nhiều bệnh như sỏi thận, viêm cầu thận, làm mát gan, giải độc gan... Cây gạo tía đã xuất hiện ở vườn nhà ông từ hàng trăm năm nay và ngày càng có nhiều người săn lùng, tìm mua bằng được tầm gửi cây gạo để về chữa bệnh.
“ Loại cây này có thể cho thu hoạch quanh năm nhưng người ta quan niệm rằng vào khoảng thời gian hạ chí (giữa mùa hạ) với nhiều dương khí, thu hoạch loại cây này sẽ có giá trị dược liệu mạnh nhất. Bởi vậy những ngày đầu tháng 5, nhiều người kéo đến tìm mua, muốn đến hái tận tay", ông Thống nói và cho biết trước đây, tầm gửi chỉ bán cho người dân trong xã và các xã lân cận nhưng bây giờ khách ở khắp nơi đổ về săn mua.
Tầm gửi cây gạo có giá từ 600.000 - 800.0000 đồng/kg tươi và 1 - 1,2 triệu đồng/kg khô. Năm nay, gia đình ông Thống thu hoạch được khoảng 1,3 tấn tầm gửi tươi. Cây to nhất cho từ 1 - 1,3 tạ tầm gửi. Tính ra, lợi ích kinh tế mà loài cây đặc biệt này mang về cho gia đình ông Thống mỗi năm khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.
Nhận thấy có thể làm giàu với loại sản vật thiên nhiên đặc biệt này, ông Thống đã tìm cách nhân giống cây gạo tía từ năm 2007. Tuy nhiên, việc ươm trồng rất khó khăn, chưa nói đến chuyện nhân giống tầm gửi trên cây gạo tía. “ Cây gạo tía khoảng 20 năm mới bắt đầu ra hoa, đậu quả. Mỗi năm, cây gạo chỉ ra hoa, đậu quả một lần nhưng rất khó ươm từ hạt giống nên mỗi năm tôi chỉ nhân ra được 20-30 cây gạo con ”, ông Thống nói.
Không chỉ kiếm tiền từ việc bán tầm gửi, ông Thống còn bán cây gạo tía. Giá mỗi cây gạo con sau khi ươm được 3-4 năm tuổi, cao khoảng 1,2m được ông Thống bán với giá 1 triệu đồng. Những cây gạo to hơn, đã có tầm gửi mọc trên cành sẽ được ông bán với giá từ 30-40 triệu đồng/cây.
“Cây gạo và tầm gửi cây gạo không thể chiết ghép. Trong khi đó, phải trồng 7-8 năm mới có tầm gửi. Trồng trên chục năm là có thể thu được từ 50 - 100kg tầm gửi tươi/năm. Bán với giá 800.000 đồng/kg thì chỉ cần vài năm là thu được hàng trăm triệu đồng. Chưa kể cây gạo sống được cả trăm năm, càng lâu càng thu hoạch được nhiều tầm gửi” , ông Thống lý giải.
Tương tự, ông Hà Văn Mão (ở xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cũng kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tầm gửi sống trên cây gạo. Hơn 50 cây gạo tía lớn nhỏ trong vườn nhà ông dù không phải cây nào cũng có tầm gửi nhưng tổng cộng mỗi năm cũng cho thu hoạch trên 2 tạ tầm gửi tươi.
" Khách ở khắp nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình…cũng tìm đến tận nhà tôi mua. Tầm gửi thì nhiều nơi có nhưng nhiều người vẫn muốn đến tận nơi, hái tận cây cho tin tưởng và đảm bảo ", ông Mão nói.
Ông cho biết, cách đây 30 năm, gia đình ông mua mảnh đất này, khi đó trong vườn đã có 1 cây gạo có tầm gửi, sau đó chúng tự sinh sôi nảy nở khắp vườn. Ông Mão liên tục nhân giống cây gạo tía và đến nay, ngoài bán tầm gửi, ông bán luôn cả giống cây này. Vì tầm gửi không thể ghép nên những cây gạo có tuổi đời 7-10 năm có tầm gửi rồi sẽ được bán với giá cao, lên tới 30 - 40 triệu đồng/cây.
Tầm gửi gạo tía (tên khoa học là Taxillus chinensis) được đánh giá là loại dược liệu tốt nhất trong các loại tầm gửi bởi có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe con người. Bộ phận dùng được của tầm gửi thường là toàn bộ cành lá. Thành phần hóa học trong cành và lá tầm gửi gạo tía là trans-phytol, alpha-tocopherol quinone, afzeline, quercitrin, catechin và quercituron.
Đa số các thành phần này đều có tác dụng chống oxy hóa, bẫy gốc tự do, bảo vệ màng tế bào. Đặc biệt, catechin là một hợp chất phenol có nhiều trong chè xanh, tác dụng chống ôxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và ngăn hình thành sỏi canxi, giúp điều trị sỏi tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang.