Nhắc đến hải âu, người Việt gọi là mòng biển, chúng ta nhớ ngay đến loài chim đặc biệt trắng phau, bay chấp chới ngoài biển cả. Chúng sinh sống ở biển khơi, kiếm ăn ngoài biển, ngủ trên những con sóng, đậu trên những boong tàu.
Thế nhưng, thật khó tin, khi ở hồ nước có độ cao 2.000m, thuộc thành phố Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), lại có cả triệu con chim hải âu, tức mòng biển, loài chim chỉ tìm thấy ở biển khơi.
Ngồi trên tàu hỏa đến TP. Côn Minh, nhìn sang bên phải, thấy biển nước mênh mông, với chân trời xanh ngắt, tưởng rằng đó là biển cả, nhưng thực ra, đó là hồ nước có tên Điền Trì.
Hải âu ở hồ Điền Trì rất thân thiện với con người.
Điền Trì là một trong số ít hồ lớn nhất của Trung Quốc với chiều dài 39km. Hồ nước rộng mênh mông được bao bọc bởi dãy núi Tây Sơn xanh biếc.
Vào mùa hè, hồ Điền Trì là thắng cảnh nghỉ mát lý tưởng. Thời tiết trời nóng, mặt hồ lại càng trong xanh lẫn với nền trời cao, tạo nên vẻ đẹp thủy mặc.
Tuy nhiên, thời điểm hấp dẫn nhất ở hồ nước này lại là mùa đông. Khi cái lành tràn ngập khắp hành tinh, vùng Siberi của Nga băng tuyết trắng xóa, cũng là lúc đàn chim hải âu bắt đầu cuộc hành trình cả vạn cây số từ Siberi đến hồ Điền Trì nằm sâu trong lục địa để tránh những cơn gió lạnh buốt.
Ai cũng mong muốn có được khoảnh khắc đẹp với loài chim này.
Cả triệu con hải âu, tức mòng biển trắng bay trắng trời, bơi như vịt ở mặt hồ mênh mông, đậu trên những chiếc thuyền buồm, tranh cá với ngư dân, tạo nên một khung cảnh kỳ lạ.
Khắp các dải núi xanh biếc, tô điểm màu trắng của loài hải âu. Những dây điện cao áp tít mít trời xanh đàn hải âu xếp hàng đậu nhìn như những chuỗi hạt trên trời.
Rộn ràng và thú vị nhất là con đường ven hồ dài cả chục km tấp nập du khách nô đùa với đàn chim hải âu trắng. Hàng trăm cửa hiệu bán đồ ăn cho chim, bánh mì, để du khách mua đãi loài chim phương xa. Loài chim sống ngoài biển cả lại rất dạn người. Chúng sà xuống đậu trên tay người ăn bánh mì, và mọi người đều muốn lưu lại khoảnh khắc không ranh giới với loài chim biển.
Loài chim này di cư về từ mãi vùng Siberi lạnh giá của Nga.
Có cả triệu con hải âu ở khắp hồ nước rộng 3 vạn héc-ta.
Tại những con đường ven hồ, loài hải âu và con người không còn khoảng cách nào cả. Chúng vô tư ăn bánh mì, nô đùa tinh nghịch, kêu la ầm ĩ.
Nơi đây, loài chim được tôn trọng như con người. Chúng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng vạn chiếc camera và lực lượng bảo vệ. Anh bạn phiên dịch kể rằng, mấy năm trước, có một du khách bắt trộm một chú chim, tính đem về nuôi, đã bị lực lượng bảo vệ hồ Điền Trì phát hiện. Vì thiếu hiểu biết, nên du khách này không bị truy tố hình sự, nhưng bị phạt 5.000 tệ, khoảng 17 triệu đồng tiền Việt.
Trước mùa đông, khi cả triệu con chim hải âu di cư về, thì vào dịp tháng 10 hàng năm, diễn ra ngày hội cực kỳ sôi động trên hồ Điền Trì, đó là ngày hội đánh bắt cá.
Thời điểm này, chính quyền cho phép ngư dân đánh cá. Các hộ dân, các cơ sở đánh cá chuyên nghiệp cùng nhau giăng lưới bắt cá, thu về vô số cá lớn, rất vui mắt.
Hồ Điền Trì được chính quyền Côn Minh coi là viên ngọc trên cao nguyên Vân Quý, là điểm nhấn của du lịch cùng với rừng đá Thạch Lâm huyền thoại cách đó không xa.
Ấy thế nhưng, ít ai biết rằng, 30 năm trước, hồ Điền Trì là một trong những hồ nước ô nhiễm nhất Trung Quốc.
Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, hồ Điền Trì bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí trong thập kỷ 90 đã trở thành một trong những hồ ô nhiễm nghiêm trọng nhất của Trung Quốc. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của TP. Côn Minh ngày đêm thải ra hồ.
Các nhà máy, đặc biệt là nhà máy giấy xung quanh hồ cũng xả luôn nước thải xuống. Mặt hồ nước rộng gần 3 vạn héc-ta này chỉ toàn bèo phủ kín, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, không con gì sống được.
Bắt đầu từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, chính quyền thành phố đã đầu tư 10 tỷ USD cho kế hoạch 5 năm cải tạo hồ Điền Trì.
Tiếp đó là 15 năm liên tục với các giai đoạn cải tạo rốt ráo. Sau 20 năm cải tạo hồ với nguồn lực cực lớn, thì chất lượng nước hồ Điền Trì đã rất tốt. Các khả năng tự thanh lọc làm sạch của hồ đã được phục hồi.