Kỳ lạ em bé đã chào đời tiếp tục được đưa trở lại bụng mẹ

Minh Hoa |

Em bé được đưa ra khỏi tử cung của mẹ ở tuần thứ 27 để phẫu thuật sau đó các bác sĩ đặt bé trở lại bụng của người mẹ và thai kỳ tiếp tục cho đến khi trẻ chào đời ở tuần thứ 38.

Lisa Coffee (23 tuổi, sống ở Kent, Anh) được thông báo ngay từ đầu thai kỳ rằng thai nhi trong bụng cô mắc dị tật nứt đốt sống.

Các chuyên gia quyết định đưa em bé ra khỏi tử cung của mẹ ở tuần thứ 27 (6 tháng) để phẫu thuật sửa chữa một số khiếm khuyết. Sau đó, các bác sĩ đặt cậu bé trở lại bụng của người mẹ và thai kỳ tiếp tục cho đến khi trẻ chào đời ở tuần thứ 38.

 - Ảnh 1.

Cậu bé Luca hiện đã được 1 tuổi. Ảnh: LC

Sau 8 ngày ở phòng chăm sóc tích cực, Lisa đã có thể đưa con trai Luca về nhà. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết Luca khó có thể đi lại. Bé phải trải qua nhiều ca mổ để phục hồi tổn thương ở não và cột sống. Hiện trẻ có một vết sẹo ở lưng.

Cậu bé đang tiếp tục tham gia các buổi vật lý trị liệu với nhiều tín hiệu khả quan. "Con tôi có một ít dịch trong não nhưng mọi chuyện vẫn ổn, vì vậy bé không cần phải đặt ống dẫn lưu. Ca phẫu thuật đã cho con tôi cơ hội một ngày nào đó tự đi lại", Lisa kể. Khi Luca 2 tuổi, bác sĩ sẽ tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.

Vào năm 2017, một ca phẫu thuật tương tự từng diễn ra tại Mỹ.

Joni Reinkemeyer (khi đó 22 tuổi) và bạn trai Chris Skain (khi đó 28 tuổi) sinh sống tại thành phố Jefferson, bang Missouri rất vui mừng khi biết mình sẽ trở thành bố mẹ. Tuy nhiên đến khi mang thai ở tuần 19, Joni nhận được một tin sét đánh ngang tai từ bác sĩ rằng bé trai trong bụng gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

 - Ảnh 2.

Mẹ Joni và bé trai Jackson. Ảnh: Newsneed

Điều bất ngờ hơn là các bác sĩ đã gợi ý mổ lấy thai nhi ra, phẫu thuật cậu bé và rồi lại đặt đứa con vào bụng người mẹ, tiếp tục để cô mang bầu thêm 10 tuần nữa.

Sau khi đến khám thai tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em ở Columbia, Missouri để xác định giới tính thai nhi, Joni được chuyển viện tới bệnh viện Barnes-Jewish để làm các xét nghiệm thêm.

Kết quả thai nhi được chẩn đoán bị tật nứt đốt sống - một tình trạng bệnh mà phần gai xương bị hở hay cột sống của thai nhi không kín hoàn toàn. Mức độ nghiêm trọng của bệnh này phụ thuộc vào vị trí của khoảng hở trên cột sống. Nếu như khoảng hở ở phía trên cao, nó có thể khiến phần chân bị liệt.

Bác sĩ Michael Bebbington - người phụ trách chẩn đoán cho thai phụ Joni - cho cặp đôi biết họ có thể làm gì. Bác sĩ gợi ý mổ bụng Joni, phẫu thuật làm kín phần hở trên cột sống thai nhi và sau đó đưa thai nhi quay trở lại vào bụng mẹ để tiếp tục phát triển. Phương pháp này được gọi là phẫu thuật bào thai trong y học.

Cuộc phẫu thuật được lên kế hoạch thực hiện vào ngày 10/10/2017, vì các bác sĩ cho rằng thời điểm đó Jackson - cái tên được đặt cho cậu bé được sinh ra sau này - đủ lớn để sống sót qua cuộc phẫu thuật, nếu không may không đưa trả lại được vào bụng mẹ. Có ít nhất 32 người tham gia ca phẫu thuật ngày hôm đó.

Vì đây là lần phẫu thuật bào thai đầu tiên tại bệnh viện này, nên các y bác sĩ đã huy động hai bác sĩ gây mê, hai bác sĩ phẫu thuật thần kinh và cả một đơn vị hồi sức sơ sinh. Thai nhi được đưa ra ngoài lúc đó nặng có 0,4 kg.

Các bác sĩ hút sạch phần nước ối ra khỏi cột sống của thai nhi, sau đó khâu phần hở cột sống lại, rồi đặt thai nhi lại vào bụng.

Cứ đến thứ 3 hàng tuần, Joni phải gặp bác sĩ để đảm bảo mọi thứ sau phẫu thuật ổn thỏa. Cuối cùng, 10 tuần sau khi nằm nghỉ ngơi trên giường, Joni sinh Jackson qua một ca mổ đẻ vào đầu năm 2018. Cậu bé Jackson nặng 2 kg và phải chăm sóc đặc biệt trong 12 ngày. Song hiện cậu đã khỏe mạnh và đã lành lặn phần cột sống.

Bà mẹ trẻ Joni xúc động hồi tưởng: "Tôi yêu thằng bé ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sức khỏe Jackson đang rất tốt, mặc dù thằng bé đã trải qua nhiều biến cố lúc còn trong bụng mẹ".

Theo thống kê, mỗi năm ở Anh có khoảng 600 trẻ sơ sinh bị tật nứt đốt sống. Trong quá trình phát triển của bệnh nhi, cột sống và tủy sống không hình thành bình thường. Do trẻ bị hở đốt sống nên một phần tủy có thể trượt qua. Bất ổn thường bộc lộ vào tuần thứ 28 của thai kỳ và các sĩ không rõ nguyên nhân chính xác.

Những người mắc tật nứt đốt sống dạng ẩn có thể không biết mình mắc bệnh. Khoảng trống giữa các đốt sống của họ rất nhỏ nên tủy sống vẫn giữ nguyên vị trí và bệnh nhân có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng thần kinh hoặc vận động nào.

Dạng nghiêm trọng nhất của tình trạng này là nứt đốt sống hở hoặc thoát vị màng tủy. Màng, dây thần kinh cột sống và các mô bị kéo ra ngoài khi em bé chào đời. Các triệu chứng thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của vết nứt.

Một số bệnh nhi có thể gặp vấn đề về da trong khi những trẻ khác biểu hiện nghiêm trọng hơn như không thể đi lại, viêm màng não khiến trẻ tổn thương não vĩnh viễn. Thông thường, các bác sĩ sẽ sửa chữa những khiếm khuyết này sau khi trẻ chào đời. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, các thủ thuật được thực hiện khi em bé còn trong bụng mẹ.

(t/h theo Vietnamnet, báo Tin tức)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại