Chuyện thật mà như đùa trên là của gia đình ông bà Hồ Văn Xia, Hồ Thị Sơn ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Hai người con đặc biệt của họ là chị Hồ Thị Dung và em trai Hồ Văn Chín.
Ông bà Tây giữa rừng
Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn rừng Trường Sơn, nóc Nà Gai, làng Dưng, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam là nơi sinh sống của những hộ dân đồng bào dân tộc người Ca Dong.
Giống như những bản làng khác của dân tộc Ca Dong, 50 hộ dân Nà Gai sống tách biệt gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Họ chỉ ra khỏi làng những dịp cần thiết và ở nơi đây cũng hiếm khi đón khách lạ.
Để đến được nóc Nà Gai, khách phải đi 200km từ TP Tam Kì (Quảng Nam) lên trụ sở xã Trà Đốc. Rồi từ đây khách phải bỏ lại xe máy, lội bộ thêm 50km đường rừng mất gần nửa ngày mới đến nơi.
Nhà ông bà Hồ Văn Xia, Hồ Thị Dung nằm chính giữa làng. Ngôi nhà sàn nhỏ là nơi sinh sống của gần 10 con người trong đó có hai người con đặc biệt Hồ Thị Dung, Hồ Văn Chín.
Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch xã Trà Đốc, dẫn chúng tôi đến ngôi nhà trên rồi lên tiếng gọi ông Xia nhưng không nghe thấy tiếng trả lời. Trong căn nhà tối om om, một cái đầu tóc vàng hoe đưa ra ngoài.
"Cha mẹ đi rẫy rồi, mình em ở nhà thôi".
Cậu thanh niên có đầu tóc vàng hoe nhận ra ông Chủ tịch xã nên vội vàng mời khách vào nhà. Ông Lợi cho hay, đó là Hồ Văn Chín (SN 1990), người Tây ở nóc Nà Gai mà chúng tôi đang muốn gặp.
"Người Tây" Hồ Văn Chín giữa đại ngàn Trường Sơn
"Nhìn Tây rứa chứ là con cái người Ca Dong đó", ông Lợi nói thêm.
Trước mặt chúng tôi là một thanh niên tóc vàng, da trắng, mũi cao, mắt xanh, lỗ chân lông trên mặt lớn tạo nên những vết tàn nhang. Chín cho biết mình cao 1,75m. Từ nhỏ đã to lớn hơn các bạn cùng tuổi trong nóc.
Nhìn kĩ, chúng tôi thấy da dẻ của Chín tự nhiên không phải là người mắc bệnh bạch tạng như những trường hợp khác đã gặp trước đó.
"Đêm qua em uống rượu với bạn, say quá nên sáng nay không dậy nổi đi làm rẫy. Với em là con út nên cha mẹ thương, không bắt làm việc nhiều", Chín cười nói một cách hồn hậu. Giọng nói của "cậu trai Tây" này rặt của người Ca Dong.
Đến trưa, ông Xia cùng vợ với mấy người con đi làm rẫy về. Nổi bật nhất trong số đó là Hồ Thị Dung (SN 1988), con thứ 7 của vợ chồng ông Xia.
Hồ Thị Dung và người cháu trong gia đình
Dung cao 1,63m, hơn hẳn những người anh em khác. Trong gia đình, Dung chỉ thấp hơn em trai út của mình. Cũng như Chín, Dung có tóc vàng và mắt cũng có màu xanh lơ rất đẹp. Đặc biệt, làn da Dung trắng bóc như người phương Tây.
"Đi rừng, đi nắng nhiều mà nó có đen đâu, cứ trắng như bột", Hồ Thị Hang, chị Dung nói.
Dung bẽn lẽn vì mấy người khách lạ cứ nhìn mình. Hai chị em ruột Hang, Dung đứng cạnh nhau mà như hai người đến từ những quốc gia xa lạ. Trái ngược với Dung, chị Hang mũi tẹt, tóc đen, nước da ngăm đen đặc trưng của người Ca Dong ở đại ngàn Trường Sơn.
Chín cho biết, ngày nhỏ có mấy cán bộ người Kinh lên xã Trà Đốc công tác, khi vào bản, họ rất ngạc nhiên khi thấy 2 đứa trẻ Tây trong gia đình ông Xia.
"Họ nói tụi em là con Tây nhưng em có biết Tây là gì đâu. Mãi sau này có điện, xem trên tivi thì thấy mình giống họ thiệt", Chín thật thà nói.
Bà Hồ Thị Sơn cho biết, hai vợ chồng sinh được 8 người con. 6 người con đầu của ông bà không có gì đặc biệt, sinh ra và lớn lên với vẻ bề ngoài như bao người Ca Dong khác.
Năm 1988, vợ chồng ông bà sinh ra Dung thì cả nhà bật ngửa hoảng hồn vì không giống những đứa trẻ sơ sinh khác trong nóc. Cô bé mới sinh ra đã có tóc rất nhiều, lại vàng hoe. Càng lớn lên, Dung càng khác với anh chị em trong gia đình.
Hai năm sau, bà Sơn sinh tiếp thêm một đứa con nữa. Đó là Chín. Từ lúc sinh ra, Chín giống Dung như đúc về màu da, màu tóc, màu mắt. Cứ thế hai đứa trẻ lớn lên trong ánh nhìn lạ lẫm của mọi người.
"Ai nói chi nói, con mình thì mình nuôi thôi. Ông chồng cũng không nói gì, tin mình mà. Tụi nó lớn lên khỏe mạnh, ít đau ốm. Nhưng mà người to quá nên may quần áo tốn nhiều vải, nó lại lớn nhanh nên phải may nhiều lần", bà Sơn kể.
Chị em Dung, Chín bên những thành viên trong gia đình
Ông Xia cho biết, vợ chồng ông đều là du kích địa phương tham gia cách mạng đánh giặc Mỹ. Cả hai chưa từng đi xa khỏi huyện Trà My nên càng không có chuyện gặp người nước ngoài. Vợ chồng ông cũng chưa được truyền máu lần nào.
Theo ông Xia, ngày xưa người Ca Dong đau ốm thì chỉ trị bệnh bằng cây lá trên rừng, ít khi đi bệnh viện. Bà Sơn từng có một cơn bệnh nặng trước khi sinh hai người con út. Ông Xia cùng dân bản bắt được một con rái cá về làm thịt cho bà Sơn chữa bệnh. Máu, mật rái cá thì pha rượu cho bà Sơn uống nên bệnh mới khỏi hẳn.
"Giàng muốn tụi nó không giống tổ tiên thì mình đành chịu, miễn là cái bụng nó tốt", ông Xia nói.
Già Hồ Văn Xếch (80 tuổi), già làng nóc Nà Gai, cho biết cha mẹ ông Xia, bà Sơn cũng là người Ca Dong ở đây. Họ sống và chết ở đây suốt đời, chẳng ra khỏi làng lần nào cả.
"Khổ" như "Tây Ca Dong"
Ngoại hình khác xa với cộng đồng người Ca Dong nên ngay từ nhỏ, Dung và Chín đã chịu sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng lứa.
"Lúc nhỏ nhìn bạn bè chơi đùa vui vẻ giữa sân chung của nóc, em với chị Dung đi ra thì bị đuổi về hoặc tụi bạn đi chỗ khác chơi. Tụi nó bảo em không phải người Ca Dong nên không muốn chơi cùng.
Lớn lên khi đi học thì các bạn cứ chỉ trỏ, xem hai chị em như người lạ. Bây giờ thì người trong bản không coi em là người lạ nữa rồi", Chín kể.
Chín và Dung dù ngoại hình như người Tây nhưng cái sự học cũng chẳng khác gì những đứa trẻ người Ca Dong khác. Học hết lớp 3, Dung nghỉ ở nhà. Chín gắng lắm cũng chỉ đến lớp 5.
"Ngày đó không đủ cơm ăn thì bụng đói không học được. Đi học, trường lại ở xa, đi phải 3 tiếng đồng hồ. Mùa lũ nước tràn qua suối thì phải ở nhà. Thế là mình nghỉ học luôn", Chín nói.
Hai chị em "người Tây" ở nóc Nà Gai lớn lên như cỏ cây giữa rừng già. Đến tuổi thanh niên, họ về thị trấn Trà My tìm việc làm. Những người chủ ở đây chỉ tò mò nhìn họ như một sự kỳ lạ chứ chẳng ai thuê. Hai chị em đành rủ nhau về nhà phụ giúp gia đình làm rẫy mưu sinh.
Hồ Văn Chín và người vợ của mình
"Họ không tin tụi em là người Ca Dong đâu. Chẳng ai thuê tụi em làm việc nên em về nhà đi làm rẫy với bố mẹ. Rẫy nhà mình làm xong thì đi làm thuê cho người khác.
Người ta trả lương cho em thấp hơn vì da đen mới siêng năng làm việc", chị Dung kể.
Năm 2005, chị Dung lập gia đình với một chàng trai người Kinh ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Dung theo chồng về gia đình bố mẹ chồng sinh sống. Vậy nhưng thấy cô con dâu kì lạ, chẳng Tây, chẳng ta cũng chẳng là người Ca Dong, bố mẹ chồng Dung suốt ngày chì chiết, nói ra nói vào.
Hồ Thị Dung và chị ruột Hồ Thị Hang khác xa nhau
Dung cùng chồng đành trở về lại nhà bố mẹ đẻ sau hai tháng sống chung với bố mẹ chồng. Cuối năm 2006, Dung sinh được một cậu con trai kháu khỉnh nhưng cũng không đủ sức giữ nổi người đàn ông của mình. 12 ngày sau khi con trai chào đời, chồng Dung lặng lẽ rời nhà vào Sài Gòn.
Từ đó đến nay, mẹ con Dung chẳng lần nào gặp lại người đàn ông đó mà chỉ thỉnh thoảng nhận được tiền nuôi con.
"Chồng bỏ đi, em mang con về nhà ông bà nội. Họ không nhận đứa bé là cháu, vậy thì em mang về nhà nuôi thôi", Dung nói.
May mắn hơn chị gái, chuyện tình duyên của Chín khá suôn sẻ. Chín yêu rồi cưới một cô gái cùng nóc Nà Gai. Hai vợ chồng Chín đã đứa con đầu long hoàn toàn giống với những người Ca Dong bình thường.
"Con em, con chị Dung sau này phải được đi học để có cái chữ đàng hoàng, không cực khổ như bố mẹ chúng", Chín mạnh mẽ nói.