Cây đa 13 gốc có tán rộng tới cả nghìn mét vuông
Người dân ở xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Tp. Hải Phòng vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện bí ẩn xoay quanh một cây đa có 13 gốc. Theo thông tin từ Tạp chí Người đưa tin, tán của cây đa bao trùm cả một khu vực rộng tới cả nghìn mét vuông. Cây mọc ngay cạnh giếng và đình làng tạo nên khung cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ gồm "cây đa, giếng nước, sân đình".
Với 13 gốc lớn nhỏ, cây đa khổng lồ ở xóm Trại được vinh danh là cây đa nhiều gốc nhất và lớn nhất Việt Nam. Bài đăng trên báo Lao động cho biết, cây đa này cao khoảng 10 mét, với hàng chục cành lớn tạo thành tán rộng có đường kính khoảng 40 m. Cây có 13 gốc lớn, thẳng, gồm một gốc chính và 12 gốc phụ.
Gốc chính có chu vi 8,2 m cỡ khoảng 4-5 người lớn ôm mới xuể. Mười hai gốc còn lại mọc quanh gốc chính, với chu vi từ 2 đến 5m. Nhiều gốc phải 2-3 người ôm mới hết. Tổng chu vi của 13 gốc là trên 30 m. Các gốc được nối với nhau bằng các cành có đường kính gần 1 m đan xen nhau. Khoảng cách giữa nhiều gốc đa lên tới hàng chục mét. Mặc dù đã trên 300 năm tuổi, nhưng cây đa vẫn chưa hề bị sâu, bệnh hay bị tàn phá.
Người dân xóm Trại cho hay, càng ngày những cành đa càng vươn dài ra xa. Cây đa có nhiều gốc nên các cành cây nằm ở vị trí khá sát mặt đất và không bị đổ, gãy. Do tán lá tỏa ra bốn phía, từ xa nhìn lại cây đa 13 gốc trông như một mâm xôi khổng lồ. Cây đa 13 gốc cũng là nơi ở của nhiều loài chim chóc, quanh năm đều nghe tiếng chim hót líu lo. Họ cũng thường lấy lá đa khô đem về đun.
Cây đa này không chỉ nổi tiếng với kích thước khổng lồ mà còn bởi những câu chuyện kỳ bí xung quanh nó.
Những câu chuyện bí ẩn về cây đa 13 gốc
Theo báo Pháp luật Việt Nam, tương truyền, trong trận đánh quân Nam Hán xâm lược, Hai Bà Trưng đi qua vùng đất này thấy gốc đa xanh tốt, rợp bóng nên Hai Bà đã cột voi vào gốc đa để nghỉ. Do tham gia chiến trận, voi bị đói đã dùng vòi bẻ ngọn đa để ăn. Từ đó, cây đa chỉ phát triển về chiều ngang, không phát triển về chiều cao, không có ngọn như bây giờ.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, xưa kia có một vị tướng trên đường đi đánh giặc đã dừng chân bên gốc đa và buộc ngựa vào cây khiến ngọn cây bị gãy. Vì vậy cây bị hạn chế về chiều cao do mất ngọn.
Trong quan niệm của người Việt, những cây đa cổ thụ thường thờ những vị thần. Vì thế, dưới cây đa 13 gốc, người ta cũng lập miếu thờ. Ông Phạm Đức Thiết – Trưởng ban Quản lý cảnh quan cây đa 13 gốc cho biết, chiếu theo các dòng chữ Hán Nôm trên bia đá đặt trong miếu thì ngôi miếu dưới gốc đa được dân làng thờ đức Thổ Vượng - vị thần trấn giữ làng Trại xưa. Miếu thờ dưới gốc đa còn thờ các quan, thờ cô và cậu.
Bao lâu nay, cây đa 13 gốc đã trở thành điểm đến thu hút nhiều người dân và du khách tới tham quan và dâng hương trong miếu thờ.
Vào năm 2011, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tiến hành nghiên cứu đã xác định cây đa cổ thụ 13 gốc đã được 304 tuổi. Ngày 9/02/2014 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chính thức trao Bằng, gắn bia vinh danh và công nhận cây đa 13 gốc là "Cây di sản Việt Nam".
Tính đến thời điểm này, cây đa 13 gốc ở xóm Trại đã được 320 tuổi.
Tống hợp