Việt Nam có rất nhiều điểm đến du lịch thu hút du khách trong lẫn ngoài nước, dẫu vậy đã từng đến với Huế một lần, có lẽ ai cũng nặng lòng với mảnh đất cố đô này. Huế mang nét đẹp huyền bí, cổ kính, nơi mà dấu ấn của 143 năm hào quang triều Nguyễn vẫn còn vương vấn qua từng viên gạch, từng ngôi mộ, từng lăng tẩm. Suốt 13 triều đại, chỉ có 7 lăng tẩm được xây dựng, là biểu tượng cho sự vĩ đại của một vương triều, mỗi lăng tẩm kể một câu chuyện riêng, nằm rải rác như những viên ngọc quý giữa lòng đất cố đô. Đặc biệt phải kể đến lăng vua Khải Định, hay còn được tôn vinh với cái tên Ứng Lăng - một kiệt tác kiến trúc độc đáo, là sự hòa quyện tài hoa giữa nghệ thuật phương Đông truyền thống và phong cách phương Tây mạnh mẽ, hiện đại.
Quá trình xây dựng lăng vua Khải Định diễn ra suốt 11 năm trời, từng chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ, tâm huyết, để rồi ngày nay, đó không chỉ là một di sản kiến trúc đặc sắc mà còn là chứng nhân sống động cho một thời đại huy hoàng, phô bày một trang sử đầy ắp những câu chuyện hoàng gia. Ghé thăm lăng Khải Định, du khách sẽ được trải nghiệm một hành trình xuyên qua thời gian, nơi mỗi bức tường, mỗi cột đá đều thủ thỉ kể lại những bí mật của quá khứ, và mỗi bước chân dẫn lối vào tận cùng của sự kỳ vĩ và tráng lệ.
Lăng vua Khải Định - viên ngọc ẩn mình giữa Huế mộng mơ
Tại sao lại gọi là Ứng Lăng?
Lăng vua Khải Định là một trong những di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993. Ngay từ lúc xây dựng, lăng tẩm này đã gây nhiều tranh cãi vì dùng "xương máu" của dân. Cho đến khi vua Khải Định mất, lăng vẫn chưa xây xong và được hoàn thành bởi con trai, tức vua Bảo Đại.
Trong thời gian tại vị, vua Khải Định đã xây nhiều công trình để lại dấu ấn đặc sắc cho đến ngày nay như cung An Định, điện Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức,... nhưng lăng vua Khải Định là công trình mang dấu ấn đặc sắc nhất.
Lăng vua Khải Định nằm trên núi Châu Chữ ngoài kinh thành Huế, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, TP. Huế. Nơi an nghỉ của vua cách trung tâm TP. Huế khoảng 12km.
Mặc dù gây nhiều tranh cãi trong quá trình xây dựng nhưng không thể phủ nhận Ứng Lăng là một kiệt tác đại diện cho nghệ thuật kiến trúc của Huế. Xét về địa thế xây lăng, nơi này có thể coi là đắc địa. Lăng là một khối hình chữ nhật vươn cao, phong thủy đắc địa. Lăng tựa vào núi Châu Chữ làm "hậu chẩm", có quả đồi thấp phía trước làm "tiền án" hay "án sơn", núi Chóp Vung và Kim Sơ hai bên làm "tả thanh long, hữu bạch hổ", có suối Châu Ê làm "thủy tụ".
Núi Châu Chữ về sau được vua đổi thành Ứng Sơn, và cũng gọi tên lăng theo tên núi, chính vì thế lăng vua Khải Định mới có tên gọi khác là Ứng Lăng.
Toàn cảnh Ứng Lăng nằm trên núi Châu Chữ. Nguồn: A Lị Travel
Vài nét về Ứng Lăng
Hầu hết các vị vua triều Nguyễn khi băng hà sẽ giấu kín huyệt đạo để tránh kẻ gian tà lợi dụng quấy phá. Chỉ có duy nhất huyệt mộ của vua Khải Định người đời sau ai cũng biết vì huyệt mộ của vua được chôn ngay dưới bức tượng vàng trong Ứng Lăng. Ứng Lăng được xây dựng và hoàn thành trong 11 năm và cũng là lăng mộ gây tranh cãi nhất triều đình Huế.
Vua Khải Định cho người sang các nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc để mua thép, sắt, thủy tinh màu, đồ sứ,... để mang về xây lăng. Ứng Lăng lúc bấy giờ bị nhiều người mỉa mai là công trình "lai căng". Nét quen thuộc thường thấy vẫn là nghi môn, hàng tượng đá voi ngựa, quan văn, quan võ lẫn lính hầu đứng chầu nhưng khối nhà chính giống như tòa dinh thự Pháp, trụ biểu ở Bi Đình xây dạng hình tháp nhọn, nhà bia phỏng theo kiến trúc Roman của châu Âu,... Thế nhưng, bên trong nội điện, các cột rồng, cửa vòm hay phào chỉ đều được khảm sành sứ và thủy tinh màu. Chính vì vậy, Ứng Lăng có diện tích nhỏ hơn các lăng khác nhưng mất nhiều thời gian lẫn tiền của hơn.
Lăng vua Khải Định thu hút rất nhiều khách du lịch và những người yêu văn hóa, lịch sử đến chiêm ngưỡng. Ảnh: Hạnh Hạnh, Trường Bùi, Nguyễn Thị Ngọc Ánh.
Có lẽ, kiến trúc lăng mộ cũng giống như tính cách của vị vua mang nhiều điều tiếng nhất trong nhà Nguyễn. Ông nổi tiếng với thói ăn chơi, cờ bạc, tiêu tốn xa xỉ. Bên cạnh đó, vị vua này cũng bị "lên án mạnh mẽ bởi sở thích ăn mặc lai căng, diêm dúa, lòe loẹt chẳng giống ai. Vua Khải Định còn tự thiết kế những bộ trang phục riêng theo ý thích, được linh mục Léopold Cadière mô tả là: "Mặc complet bên trong khoác long bào bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc đẩu Bội tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ".
Ứng Lăng được xây dựng trong thời kỳ phong kiến suy tàn nhưng dân chúng vẫn bị ép buộc nhiều điều vô lý để góp phần xây lăng. Vua Khải Định đã tăng thuế ruộng đất lên tới 30% trên cả nước để lấy kinh phí xây dựng lăng. Có nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu còn muốn "loại" kiến trúc của Úng Lăng khỏi dòng kiến trúc truyền thống của cung đình Huế.
Cung Thiên Định - nơi đặt huyệt mộ của vua Khải Định. Ảnh; Visit Hue
Bức tranh vẽ bằng chân lạ kỳ trong Ứng Lăng
Trong cung chính Thiên Định, nổi bật là pho tượng vua Khải Định được đúc bằng đồng mạ vàng tại Pháp với tỷ lệ 1:1. Phía trên là bửu tán nặng đến 1 tấn nhưng thiết kế rất mềm mại và thanh thoát. Du khách sẽ nhìn thấy những bức phù điêu sử dụng các họa tiết cổ truyền như tứ quý, ngũ phúc, bát bửu, khay trà,... Trong đó, khiến người ta ấn tượng đặc sắc chính là bích họa Cửu long ẩn vân 99 con rồng ẩn trong mây) do nghệ nhân Phan Văn Tánh thực hiện.
Sự lạ của bức bích họa Cửu long ẩn vân đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Nguồn: Banh Shimano
Rất nhiều tài liệu có ghi lại về bức tranh kỳ lạ này trong cung Thiên Định, mỗi du khách khi đến đây đều được nghe về bức tranh vẽ cả trăm năm mà không phải "quét mạng nhện" lần nào.
Hướng dẫn viên Thiện Phương đang kể cho mọi người nghe về điều đặc biệt của bích họa Cửu long ẩn vân. Nguồn: Thiện Phương HDV
Theo Hướng dẫn viên Thiện Phương, bức Cửu long ẩn vân do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ này gần 100 năm qua không cần lau chùi vẫn giữ nguyên được nét đẹp, đặc biệt không bị mạng nhện giăng kín.
Trong lời kể của hướng dẫn viên, bức Cửu long ẩn vân được vẽ bằng chân. Chuyện kể rằng, khi ấy nghệ nhân Phan Văn Tánh phải kê một cái giá cao gần trần điện để vẽ bằng tay. Cũng lúc ấy vua Khải Định ngự tới xem, trong khi mọi người dừng tay và quỳ lễ thì riêng ông Văn Tánh vẫn tập trung vào bức vẽ. Không chỉ dùng 2 tay, ông Văn Tánh còn dùng hai chân và miệng ngậm thêm cây cọ, tổng cộng là 5 cây cọ để vẽ bức tranh này.
Đứng xem thấy trên 5 cây cọ vẽ đang vẽ 5 con rồng ẩn hiện sau đám mây sinh động hài hòa, nhưng vua hắng giọng gọi Văn Tánh xuống hỏi cớ sao rồng là biểu tượng cho nhà vua mà dám dùng chân để vẽ. Ông Văn Tánh giải thích rằng do khoảng cách giữa mắt và tay rất gần, ông không quan sát được độ đậm nhạt của màu sắc cho nên kẹp chân ra xa hơn để nhìn được tổng quan bức tranh. Cũng chính vì bức họa quá đẹp và đặc sắc nên vua Khải Định đã thốt lên rằng: "Nếu trên đời này mà có đến 2 Phan Văn Tánh thì ta sẽ lấy đầu nhà ngươi!". Nhưng vì có 1 Phan Văn Tánh nên vua đành chịu. Và người ta cũng nói lúc ông thăng hoa nhất, ông dùng 5 cọ một lúc để vẽ ra bức Cửu long ẩn vân này.
Bức Cửu long ẩn vân. Nguồn: Visit Hue, donghovy87
Điều đặc biệt và cũng lạ lùng nữa là bức tranh đã hàng trăm năm tuổi, màu mực vẫn còn như mới và không có con côn trùng nào bám vào được cả. Như nhà bình thường để khoảng vài năm không quét mạng nhện thì rất có thể màng nhện sẽ giăng kín các góc nhà. Nhưng bức họa này gần 100 năm rồi vẫn đẹp sắc sảo như mới, các bác bảo vệ tại đây chưa từng phải quét mạng nhện lần nào. Cho đến bây giờ, dù khoa học hiện đại, vẫn không ai biết trong chất liệu vẽ khi ấy có gì đặc biệt, có lẽ đó là bí quyết riêng của mỗi nghệ nhân tài giỏi. Bức Cửu vân ẩn mây này được nghệ nhân Phan Văn Tánh hoàn thiện trong vòng 3 năm, tổng cộng có 3 bức. Bức tranh này được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3/2008.