Những người phụ nữ với khuôn mặt "xăm trổ" đến từ bộ tộc Lai Tu (Chin) ở Myanmar. Đã từ rất lâu rồi, xăm hình trên mặt những người phụ nữ là truyền thống độc đáo của bộ tộc này.
Để tìm hiểu sâu hơn về nét phong tục trên, nhiếp ảnh gia người Anh, Dan O’Donnell đã có mặt tại đất nước Chùa Vàng.
Mục đích chính của việc xăm hình lên mặt là để đảm bảo phái nữ sẽ “xấu bớt đi” và không bị bắt cóc. Bên cạnh đó, những hình xăm cũng là để đánh dấu sự trưởng thành và khẳng định họ là người của bộ tộc Chin.
Theo những lời kể của người dân trong làng, rất nhiều năm về trước, một vị vua Miến Điện (tên gọi cũ của Myanmar) đã có chuyến viếng thăm tới khu vực sinh sống của người Chin, sau đó còn bắt cóc các cô gái về làm thê thiếp, vì cho rằng phụ nữ Chin là đẹp nhất ở đây.
Để có được những tác phẩm nghệ thuật này, họ sẽ dùng những chiếc gai sắc nhọn từ cây cối, kèm theo một hỗn hợp làm từ mật bò, mỡ động vật và thực vật. Thông thường quá trình xăm sẽ kéo dài khoảng vài ngày.
Người Chin sinh sống chủ yếu ở phía tây Myanmar, dọc theo bờ sông Laymro, bang Mrauk U in Rakhine và bang Chin.
Hủ tục này được duy trì tới năm 1960. Hiện nay cũng không còn nhiều phụ nữ sở hữu “vết sẹo đen” sinh sống tại bộ lạc.
Chia sẻ về cuộc hành trình, nhiếp ảnh gia Dan O’Donnell nói: “Myanmar là đất nước hiếu khách nhất mà tôi từng đến. Nếu như không có các phương tiện truyền thông, có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi biết được những điều khủng khiếp mà phụ nữ ở đây phải trải qua“.
Có tới 6 bộ lạc Chin, mỗi nơi lại có một kiểu thiết kế hình xăm khác nhau. Nhưng hầu hết đều theo xu hướng che kín mặt, thậm chí xăm cả vùng cổ.
Những trẻ em của bộ lạc Chin.
Nhiếp ảnh gia 26 tuổi nói thêm: “Có cơ hội ghi lại cuộc sống hàng ngày của những người dân bản địa thực sự càng khiến tôi cảm thấy yêu thích bộ môn nhiếp ảnh hơn. Tôi được mời vào nhà họ và còn được thưởng thức những món ăn truyền thống ngon miệng. Thậm chí họ còn sẵn sàng cho tôi nghỉ qua đêm tại chính ngôi nhà của họ. Qua chuyến đi này, tôi đã học được một thứ ngôn ngữ mới, nếm những món ăn độc đáo, khoác trên người trang phục mà chưa bao giờ được mặc. Hơn hết, tôi có thêm được sự hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau trên thế giới“.