Synsepalum dulcificum, hay còn gọi là quả thần kỳ hay quả mọng thần kỳ, là một loài thực vật độc đáo được biết đến như một thứ đồ diệu kỳ có thể "biến" tất cả các loại đồ ăn có vị chua, chát, mặn, đắng, cay... đều trở nên ngọt ngào dễ nuốt. Có năng lực thần bí gì ở đây chăng?
Thử tưởng tượng, một ngày nào đó, bạn cầm quả chanh lên ăn ngon lành và còn khen nó ngọt lịm, ngon đáo để.
Cảnh tượng ấy ắt hẳn sẽ khiến nhiều người nổi da gà, nước bọt tuôn ào ào và nhăn mày cau có rồi. Tuy nhiên, điều đó không chỉ là tưởng tượng mà hoàn toàn có thật, nếu bạn được ăn loại trái cây mang tên "quả thần kỳ".
Loại trái cây này có tên gọi là "quả thần kỳ"
Nghe có vẻ như phép ma thuật trong thế giới phù thủy của Harry Potter nhưng quả thực trái thần kỳ hoàn toàn có thật trong thế giới thực, không phải trong vũ trụ tưởng tượng nào đó và tác dụng của nó có thể được giải thích bằng khoa học.
Quả thần kỳ có tên khoa học là Synsepalum dulcificum, thuộc họ Sapotaceae, khi chín có màu đỏ mọng, mọc thành từng chùm 3-5 quả, kích thước nhỏ như trái nho.
Khi ăn phần thịt của trái cây này, các phân tử protein magiculin có trong đó sẽ thay đổi tính cảm thụ vị của các gai vị giác lưỡi. Lưỡi sẽ trở nên thích ứng và nhận định duy nhất với vị ngọt. Nó khiến vị chua, cay, đắng của các loại quả hoặc thức ăn, thức uống tiếp theo trở nên ngọt hơn.
Chẳng hạn, sau khi ăn quả thần kỳ rồi ăn quả chanh, bạn sẽ không còn cảm giác chua, thay vào đó là vị ngọt. Nếu ăn trái tươi, cảm giác ngọt kéo dài từ 1 đến 2 tiếng.
Trong nhiều thế kỷ, các bộ lạc bản địa của Ghana, ở Tây Phi, đã sử dụng quả của cây Synsepalum dulcificum để làm ngọt các loại trái cây, thực phẩm và đồ uống có vị chua, nhưng phải đến năm 1968, protein magiculin mới được chiết xuất và đóng thành viên nén.
Điều đó khiến hầu như bất kỳ ai trên thế giới đều có thể "nếm thử" cảm giác biến vị mà loại quả thần kỳ nổi tiếng như vậy mang lại.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo cũng phát hiện ra rằng protein magiculin cũng có thể thay đổi nhận thức của chúng ta về các món đồ ngọt. Ví dụ, thử dùng aspartame (chất làm ngọt nhân tạo) sau khi dùng magiculin, ở dạng trái cây hoặc dạng viên, sẽ khiến nó có vị nhạt hơn hẳn, bởi vì magiculin ức chế các thụ thể ngọt.
Tuy nhiên, trong một môi trường có tính axit hơn một chút, các thụ thể hoạt động quá mức và aspartame có vị ngọt hơn bình thường rất nhiều.
Ở Mỹ, magiculin đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) dán nhãn là chất phụ gia. Tức là nó thuộc nhóm thực phẩm bổ sung (dietary supplement) thay vì "chất làm ngọt" (sweetener).
Nhưng người dân vẫn có thể tìm thấy nhiều loại thuốc viên "diệu kỳ" này được rao bán trên mạng. Từ năm 1970, nhiều người Mỹ ăn kiêng đã mua magiculin ở dạng viên để tự đánh lừa vị giác của họ.
Vì có thể làm cho thức ăn chua có vị ngọt, nên magiculin có thể làm giảm lượng đường tiêu thụ, nó thực sự phổ biến đối với những người ăn kiêng. Tuy nhiên, nó phải được tiêu thụ ở dạng trái cây hoặc dạng viên nén, vì protein magiculin bị phá hủy khi nấu chín.
Nhiều người đã lạm dụng khả năng "thần kỳ" của loại protein này nên đã tích cực ăn nhiều đồ chua để giảm cân. Tuy nhiên, điều này không được bác sĩ khuyến khích bởi nếu sử dụng lượng lớn những chất có vị chua mang tính axit hoặc cay nồng, dù vị giác cho cảm giác ngọt nhưng bản chất vẫn không thay đổi.
Điều đó sẽ gây tổn thương trong niêm mạc miệng và dạ dày. Nếu dùng lâu dẫn đến loét miệng, vòm họng, ung thư dạ dày và gan.
Nguồn: Odditycentral