Kỳ 5: Hào khí xung trận
Chẻ tre, róc mía
Từ Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, tôi phóng như bay xuống thôn Phú Mỹ. Cách ngôi nhà của Thuận một đoạn có một hàng nước. Chủ quán là một bà già nhìn khá phúc hậu. Lấy lý do tìm đứa sinh viên nợ tiền cắm quán, trước ở khu này, tôi đưa cái ảnh Tiệp cho bà hàng nước xem. Bà nhìn lướt qua rồi nói: "Thằng Tiệp, đâu quê Yên Bái, nó trọ ở nhà cái Thuận đằng kia mấy tháng, giờ thì dọn đi rồi. Hồi còn ở đây ngày nào nó chẳng ra quán cô uống nước".
Tôi hỏi xin số máy của Tiệp thì người đàn bà lắc đầu nói không có. Nhưng thế là tốt rồi, tôi đã gắn được một Hoàng Hải Tiệp ở trường Cao đẳng Du lịch với người đã ở trọ tại nhà Thuận, giáp vách hiện trường vụ án. Việc còn lại là phải đi Yên Bái ngay để dựng tất cả thông tin về anh ta cùng mối quan hệ với gia đình Thuận.
Thông tin đã tìm được Tiệp khiến các "sếp" rất phấn chấn. Anh Hải ký ngay công lệnh, giấy giới thiệu cho tôi đi Yên Bái tác nghiệp. Tôi cùng Đại uý Nguyễn Anh Ngọc lập tức xuất phát, mang theo những kỳ vọng của người ở nhà. Yên Bái là "chiến trường" xưa của tôi, sau nhiều năm công tác tại lực lượng điều tra hình sự nên huynh đệ ở đấy khá đông, lại đều đã giữ chức vụ chỉ huy tại các đơn vị nghiệp vụ và Công an địa phương.
Nỗi đau của gia đình nạn nhân.
Đón tôi tại Công an huyện Trấn Yên là Thượng tá Vũ Hồng Quảng - (Trưởng Công an huyện, đã từng là Đội trưởng cũ của tôi tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này. Nay anh Quảng đã nghỉ hưu). Huynh cũ, đệ xưa, nhưng "bài" vẫn phải giấu. Đó là nguyên tắc, vì bất cứ sự lộ lọt thông tin nào cũng có thể biến công sức thành công cốc. Tôi nói đang điều tra nhóm đánh bạc ở Hà Nội, thu được giấy tờ liên quan đến một người ở Cổ Phúc.
Để giữ bí mật cho cuộc điều tra "vụ bạc", tôi đề nghị anh mai cho tôi đi cùng Công an thị trấn xuống khu phố 5, phát phiếu kê khai danh sách người địa phương đang học, công tác, làm ăn buôn bán ở địa bàn tỉnh ngoài. Tôi quyết định dùng "chiêu" này, hỏi cả những người xung quanh nhà Tiệp để tránh mọi khả năng bị "động".
Anh Quảng nhìn tôi gườm gườm rồi cười. Có lẽ, với con mắt trinh sát già rơ, anh nhận thấy thằng em cũ của mình khả năng đang "diễn", nhưng đây là quan hệ phối hợp giữa 2 đơn vị nên không được phép hỏi sâu. Về sau, khi chuyên án thắng lợi, tôi đã gọi điện có lời xin lỗi "đại ca" vì đã dám "biểu diễn" trước mặt anh. Anh Quảng cười xòa, vì đều biết "thiên cơ bất khả lộ!".
Theo đề nghị của hình sự Hà Nội, anh Quảng đã giao cho Công an thị trấn Cổ Phúc phối hợp. Cấp dưới của anh hoàn toàn tin rằng huyện đang kê khai nhân khẩu. Đêm ấy, bà N (mẹ Tiệp) đã tiếp nhóm "Công an thị trấn" tại ngôi nhà cấp bốn xây dở dang còn hăng nồng mùi vữa ở khu phố 5. Gia cảnh của Tiệp thật éo le. Bố Tiệp đã bỏ hai mẹ con, đi biệt xứ theo người đàn bà khác từ khi Tiệp còn ẵm ngửa.
Nghe đâu giờ cũng đã có cả đàn con với vợ hai, nên bao năm qua ông này chẳng đoái hoài gì đến mẹ con Tiệp. Từ khi ly hôn, bà N tần tảo nuôi con bằng nghề quét vôi thuê. Thương mẹ, thằng Tiệp ngoan ngoãn, vâng lời. Tuy lực học chẳng bằng ai, nhưng được cái lành tính, ít nói. Là người thiểu số (dân tộc Tày), bản chất thật thà nên những năm đi học, Tiệp chưa có bất kỳ "vết đen" nào trong học bạ. Hết phổ thông, anh cu theo mẹ làm thuê một thời gian rồi nộp hồ sơ xin xét tuyển vào khoa Chế biến thực phẩm, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.
Quá trình học nghề, để có tiền ăn học, vừa thêm thắt đỡ mẹ, Tiệp xin đi làm phụ bếp ở nhiều nhà hàng. Công việc bếp núc kiêm chạy bàn vất vả, thường khi đêm xuống Tiệp mới trở về chỗ trọ. Tích cóp từng đồng, rồi Tiệp cũng có vài triệu gửi về nhờ mẹ mua cho chiếc xe máy Tàu lấy cái đi lại. Khi làm ở nhà hàng BBQ trên đường Kim Mã, Tiệp đã yêu một cô bé chạy bàn. Hai đứa đã về ra mắt trong nỗi hân hoan của bà N.
Đêm đó, khi vừa từ công trường trở về, bà N đón chúng tôi trong ánh đèn dầu tù mù. Nụ cười tự hào, mãn nguyện về con rạng lên trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ quê, khiến anh em ái ngại, thoáng có chút gì xót xa. Giá như, bà biết ở đất khách quê người, con bà có khả năng liên quan đến một tội ác ghê rợn và bà biết mục đích thực của cuộc gặp đường đột này. Về sau trong trại tạm giam Hoả Lò, có lần tôi kể cho Tiệp nghe về nụ cười ấy, nó đã ôm mặt khóc rưng rức. Khi những người khách nói "lan man" sang chuyện sinh viên thuê nhà trọ đắt đỏ, bà N nhanh nhảu khoe chuyện cu Tiệp mấy tháng trước được chị Thuận ở Mỹ Đình cho ở nhờ không lấy tiền.
Chưa hết, bà N còn cho biết về ông Bùi Tiến Hà (người Cổ Phúc, Trấn Yên, Yên Bái), được Thuận thuê xuống giám sát công trình xây dựng nhà của mình vào thời điểm đầu năm 2008. Khi đó, Tiệp cũng thường xuyên qua lại chơi với Hà. Trước khi ra về, tôi xin bà N số máy của Tiệp. Rời Cổ Phúc, chúng tôi trở về TP Yên Bái, lưu lại để giải quyết tiếp vài công việc nữa. Không hiểu sao chuyện ông Hà "già" giúp Thuận trông nom công trình vào thời điểm vụ án xảy ra cứ ám ảnh tôi. Nhưng thú thật trong đầu tôi khi đó không nghĩ sẽ có một kẻ thứ 3 trong vụ án. Tôi định bụng hôm sau sẽ quay lại Cổ Phúc, có thể gặp Hà để hỏi thêm thông tin về Tiệp và Thuận, vì người này biết nhiều về quan hệ của họ.
Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu ([email protected])
Hôm sau, đúng lúc định trở lại Cổ Phúc để làm việc này thì một cơn đau bụng như trúng gió dữ dội xảy đến. Người tôi rũ rượi, mồ hôi vã như tắm trong khi vẫn cảm thấy lạnh ngắt. Mọi người bôi vôi vào gan bàn chân, cho uống nước gừng, đánh gió và để tôi nằm nghỉ đến tận chiều. Khi tỉnh lại thì cơn đau đã dứt, nghĩ thế nào mà tôi đột ngột thay đổi quyết định. Tôi bảo Ngọc: "Thôi không cần lên đó hỏi ông Hà nữa, qua lại nhiều sợ động, cũng chưa cần thiết lắm. Sau nổ án thì triệu tập xuống sau".
Có được các dữ liệu của Thuận, Tiệp, tôi tiếp tục triển khai các biện pháp chuyên sâu. Chuyện này xin không kể. Kết quả đã thấy được mối liên hệ nhiều đến bất thường giữa 2 con người này và ông Hà "già".
Điều khiến tôi vô cùng "thích thú" là từ máy điện thoại của Tiệp đã phát đi một cuộc gọi điện báo cháy vào tổng đài 114 vào rạng sáng ngày 25/1/2008, đúng lúc nhà anh Hưng đang phát hoả. Cuộc gọi chỉ trong vài giây rồi tắt ngay, nhưng tín hiệu đã kịp bắt vào Tổng đài báo cháy. Kiểm tra toàn thành phố Hà Nội, vào đêm đó chỉ có 2 đám cháy. Vụ thứ nhất xảy ra tại huyện Thanh Trì vào lúc 23 giờ 15. Sau đó là đám cháy tại nhà anh Hưng ở Mỹ Đình. Vì sao Tiệp biết nhà anh Hưng bị cháy? Anh ta đã ở đâu vào thời điểm này?
Chỉ có thể giải thích là người này đã có mặt tại hiện trường, không loại trừ khả năng đêm đó lại đến ngủ với ông Hà "già" tại ngôi nhà đang xây của Thuận. Điều này đã củng cố niềm tin vững chắc trong tôi, rằng Tiệp có liên quan mật thiết đến vụ án. Bởi vì một yếu tố quan trọng trong truy xét thủ phạm gây trọng án, đó là nghi can phải có mặt tại hiện trường khi vụ án xảy ra. Kết quả xác minh hàng ngày được đặt lên bàn chỉ huy, tất cả đều rất phấn chấn, chuẩn bị cho một trận đánh xứng tầm của hình sự số 7. Có một vị chỉ huy của tôi còn cẩn thận đến mức xem ngày nào xung khắc, tuổi nào khắc chế với Tiệp để chọn thời điểm cho giờ G. Cùng lúc này, mọi sinh hoạt, di chuyển, công việc của Tiệp không ngoài tầm mắt của các trinh sát.
(Còn nữa)