LTS: Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới quý độc giả những kinh nghiệm tác nghiệp, những sự cố mà nhà báo Nguyễn Sơn đã thực sự gặp phải trên chiến trường, ngõ hầu giúp các phóng viên và độc giả có thêm một góc nhìn khác về công việc đầy hiểm nguy này.
Kỳ 1: Phóng viên chiến trường: Đã xem "ký sự Syria" thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN
Kỳ 2: "Ký sự Syria" và Phóng viên chiến trường: Đừng quay những thước phim diễn kịch nơi chiến sự!
Kỳ 3: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: "Tôi đã phải sử dụng mưu mẹo như thế nào?"
Kỳ 4: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: 1.001 'mánh lới' vượt bế tắc
Kỳ 5: Ra chiến tuyến
Sáng hôm sau, tôi xin được giấy giới thiệu ra chiến tuyến. Có thể nói đó là một đặc ân mà Thứ trưởng Bộ ngoại giao Habibullah dành riêng cho tôi, bởi còn khá nhiều nhà báo thuộc diện các "đại gia báo chí quốc tế" đã "xếp hàng" nhiều ngày nay mà chưa được. Cái "biệt nhỡn" này chỉ có thể giải thích là do may mắn.
Tôi hân hoan xếp ba lô, máy tính và hai can nước lên xe. Xe nổ máy, hướng về nơi thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng ầm ì sau dãy núi.
Tiền đồn
Đường xóc khủng khiếp. Hôm trước, từ bến phà cửa khẩu về thành phố Khojabakhauddin không có điều kiện nhìn đường sá, hôm nay tôi mới thấy hết cái khủng khiếp của những con đường Afghanistan.
Nó đầy những ổ voi chứ không phải ổ gà, thỉnh thoảng lại bị cắt ngang bởi một con lạch sâu hoắm. Cậu lái xe nhận xét: "Còn hơn ở gần Kabul có đường rải nhựa mà không ai dám đi vì toàn mìn là mìn".
Hai bên đường toàn đất bỏ hoang, thỉnh thoảng mới thấy một doanh trại hay một trại tị nạn.
Độ 5 tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi tới thị trấn Dashti-Kala, thị trấn tiền đồn trên chiến tuyến.
Các nhàbáo quốc tế trên đỉnh Dashti Kala. Ảnh tác giả Nguyễn Sơn cung cấp
Tôi ngồi lại trong xe, nhìn những xe chở lính dừng lại tranh nhau từng can xăng, lòng tràn ngập cảm giác chiến trận. Vừa mở máy ảnh định chụp một pô thì cảnh vệ lập tức chạy tới ra hiệu không được chụp ảnh.
Té ra đây là một "trọng điểm quân sự" nơi chiến tuyến, không cho chụp ảnh. Một lúc sau thì cậu lái xe và phiên dịch ra. Người cảnh vệ lúc nãy nói gì đó với họ rất xẵng rồi cho đi, chắc chắn có liên quan đến việc tôi định chụp ảnh lúc nãy.
Trước kia, Dashti-kala là một thị trấn sầm uất, nay gần như bỏ hoang. Trang phục lính nhiều hơn trang phục thường dân.
Cậu phiên dịch tiết lộ: Thường dân ở đây cũng là lính hết. Tôi hỏi: "Họ mặc thường phục để ngụy trang à?". "Không. Những ai chưa được phát quân phục thì vẫn mặc thường phục". Tôi tự trách mình dốt quá. Có thế mà cũng không đoán ra.
Phóng viên Nguyễn Sơn trên chiếc xe tăng hỏng ở đỉnh DashtiKala. Ảnh do tác giả cung cấp
Mặt trận... lười biếng!
Loanh quanh trên núi khoảng hơn một tiếng đồng hồ nữa thì xe chúng tôi tới trạm gác tiền đồn của Liên minh phương Bắc.
Các phóng viên Reuters đang hì hục lắp ráp thiết bị. Họ đến trước chúng tôi ít phút. Một lúc sau thì các báo, đài khác cũng đến tề tựu đông đủ.
Dãy núi bên này là trận địa pháo của Liên minh phương Bắc. Dãy núi bên kia, cách thung lũng sông Cochi khoảng 1 km, là thế trận của Taliban. Cả hai bên đều được trang bị toàn vũ khí của Liên Xô: xe tăng T-55, xe lội nước, súng cối, súng máy AK... Cảm giác đầu tiên là cả hai bên cùng... lười biếng, không bên nào chịu đánh bên nào.
Viên chỉ huy tên là Zukhur Razimja cho biết: Thời gian gần đây, tình hình có vẻ yên ổn. Mỹ oanh kích Taliban rất dữ nên chúng không còn nghĩ được tới việc tấn công nữa. Razimja mới 30 tuổi, nhưng đã cầm súng chiến đấu được 15 năm.
Có tiếng máy bay từ xa vọng lại, Razimja bảo: "Máy bay Mỹ đấy".
Tôi che nắng nhìn lên bầu trời.
Một lúc sau thì tốp máy bay xuất hiện sau dãy núi. Bên Taliban nổ đì đùng mấy phát súng. Máy bay Mỹ uể oải cắt vài quả bom rồi biến. Chợt một nhà báo Nhật chỉ tay: "Cái gì cháy bên Taliban kia kìa". Quả là tin chấn động.
Chúng tôi nhào cả ra xem. Khói đen bắt đầu bốc lên. Cánh nhà báo khoái chí chụp ảnh lia lịa. Còn binh lính Liên minh phương Bắc và cả những người dân dưới thung lũng sông Cochi thì vẫn thản nhiên như không. Chiến tranh đối với họ đã quá quen thuộc rồi.
Chúng tôi men theo sườn núi xuống bờ sông Cochi. Viên chỉ huy hét toáng lên: "Dừng lại. Mìn đấy!". Đám nhà báo nháo nhào chạy ngược lên.
Razimja và binh lính Liên minh cười ngặt nghẽo. Chúng tôi hỏi: "Các bạn đùa à?". "Không. Mìn thật đấy. Chỉ có điều lẽ ra phải đứng lại thì các bạn lại chạy nháo nhào. Buồn cười quá".
Vết pháo kích của Taliban. Ảnh tác giả Nguyễn Sơn cung cấp
Màn kịch trước ống kính
Chiến sự ác liệt trên chiến tuyến giữa Liên minh phương Bắc và Taliban mà các bạn thấy hàng ngày trên vô tuyến truyền hình thực tế không ác liệt đến như vậy. Tôi buộc phải làm bạn đọc thất vọng bởi sự thực là cả hai bên chiến tuyến đều vô cùng lười.
Suốt từ sáng đến trưa ngày đầu tiên, trên chiến tuyến hoàn toàn không có động tĩnh gì. "Chiến sự" chỉ thực sự bắt đầu khi nhóm nhà báo của đài truyền hình Hàn Quốc tới.
Galia, cô phóng viên người Nga làm việc cho đài truyền hình này, vào phòng chỉ huy. Một lúc sau, viên chỉ huy ra lệnh cho ba người lính xách súng ra kê nơi chiến hào. Đám nhà báo chúng tôi chầu chực suốt từ sáng đến giờ không được việc gì, lập tức châu hết máy ảnh và máy quay phim lại.
Nhưng, viên chỉ huy giơ tay làm hiệu không cho quay phim chụp ảnh và nói cái gì đó với những người phiên dịch.
Cậu phiên dịch của tôi bảo: "Ông chỉ huy chỉ cho nhóm Hàn Quốc quay phim thôi". Tại sao? "Ai trả tiền, người đó mới được quay phim, chụp ảnh" - cậu nói. Chúng tôi đành nuốt nước bọt nhìn nhóm Hàn Quốc quay phim ba chiến binh Liên minh phương Bắc đang xả súng bắn xuống thung lũng.
Một lúc sau thì đến phiên CNN.
Quay xong, nhóm CNN xem lại những thước phim đã quay và chửi bới ầm ĩ. Té ra, bên cạnh ba chiến binh đang nổ súng là một chiến binh khác đang đứng dửng dưng trên mặt chiến hào, quay lưng lại phía địch để xem quân mình bắn.
Nhóm CNN đòi quay lại nhưng viên chỉ huy không cho. Chuyển được một băng đạn AK vào chiến khu đâu phải ít tiền. Nếu không hài lòng thì phải vào hầm chỉ huy "làm việc" lại.
Tôi tò mò hỏi muốn chụp cảnh xe tăng nổ súng thì mất bao nhiêu tiền. Một người lính của Liên minh phương Bắc gãi đầu: "Xe tăng ở đồi bên này không bắn được. Nhưng muốn chụp ảnh Cachiusa khai hỏa thì phải sang đồi bên kia. 300 đô một phát".
Tôi đang định rủ ai đó chụp ảnh chung cho... đỡ tốn thì từ phía bên kia thung lũng bỗng dội lên những tràng tiểu liên liên hồi. Cậu phiên dịch bảo: "Đấy, bên kia cũng có nhà báo đấy!".
Tôi phì cười: "Vậy thì những thương binh đưa từ chiến tuyến về ở đâu ra?". Cậu phiên dịch bảo: "Thỉnh thoảng thì cũng có bắn nhau, nhưng bây giờ thì ít rồi. Taliban sợ nổ súng nhiều thì máy bay Mỹ xác định được tọa độ để cắt bom. Còn Liên minh phương Bắc không bị tấn công thì cũng chẳng bắn làm gì cho phí đạn".
Nhà báo Nguyễn Sơn
Cuộc chiến tranh ở Afghanistan là như vậy đó. Hai bên cùng lười, chẳng bên nào muốn đánh bên nào vì cùng sợ người thứ ba được lợi.
Họ chỉ chiếm những làng và thị trấn bỏ không sau khi đối phương rút lui chiến lược, và sau đó họp báo công bố thắng lợi ầm ĩ để thế giới tăng cường viện trợ.
Chỉ có người dân Afghanistan là khốn khổ. Cuộc nội chiến đã kéo dài suốt 20 năm nay, đất nước chỉ còn cát bụi và vỏ đạn. Tôi khâm phục sức chịu đựng của dân tộc ấy.
Máu đổ trên tiền đồn
Cuối cùng thì một buổi chiều trên chốt tiền tiêu của Liên minh Phương Bắc chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh đổ máu hết sức hiếm hoi trong cuộc chiến tranh này.
Đám nhà báo chúng tôi đang loay hoay quan sát phía bên kia thung lũng xem có động tĩnh gì không thì bỗng nghe "oạch" một cái, tiếp theo là tiếng lên đạn "roạt roạt". Quay lại, một chú lính phương Bắc trẻ măng đang gí mũi súng vào ngực một bác lính già nằm quay lơ trên mặt đất, đầu bê bết máu, súng văng một bên.
"Trúng đạn Taliban rồi" - Cô phóng viên người Nga kêu lên. Các phóng viên đổ xô lại chụp ảnh nhưng dường như chẳng ai chụp được vì một tiểu đội lính Liên minh phương Bắc đã lập tức quây kín hiện trường. Họ không muốn chúng tôi chụp ảnh cảnh đó.
Té ra bác lính già nhân lúc vắng người, mò vào nhà bếp bốc trộn cơm nguội. Chú lính trẻ làm nhiệm vụ canh nhà bếp phát hiện được, táng ngay cho một báng súng rồi lên đạn, dí nòng súng vào ngực "con chuột bất đắc dĩ" kia.
Sự cố khiến chúng tôi phải quan tâm xem các chiến binh nơi tiền đồn này được cấp khẩu phần ra sao. Té ra họ chỉ được hai chiếc bánh mì nướng và 4 lít nước mỗi ngày. Ăn như thế mà thì sức đâu mà vác súng leo lên đỉnh núi.
(Còn nữa)
Kỳ 6: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt
Kỳ 7 - CUỐI CÙNG: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Nhà báo Việt thoát chết vì thiếu tiền
*Tiêu đề do tòa soạn đặt