[KỲ 4] "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: 1.001 'mánh lới' vượt bế tắc

Nguyễn Sơn |

Hành trình vào chiến trường Afghanistan của nhà báo Nguyễn Sơn tiếp tục là một chuỗi những bất ngờ cần sử dụng "mánh lới" và sự nhanh trí...

LTS: Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới quý độc giả những kinh nghiệm tác nghiệp, những sự cố mà nhà báo Nguyễn Sơn đã thực sự gặp phải trên chiến trường, ngõ hầu giúp các phóng viên và độc giả có thêm một góc nhìn khác về công việc đầy hiểm nguy này.

Kỳ 1: Phóng viên chiến trường: Đã xem "ký sự Syria" thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN
Kỳ 2: "Ký sự Syria" và Phóng viên chiến trường: Đừng quay những thước phim diễn kịch nơi chiến sự!
Kỳ 3: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: "Tôi đã phải sử dụng mưu mẹo như thế nào?"

Kỳ 4: 1.001 'mánh lới'

Trong kỳ trước, tôi đã kể về trục trặc đầu tiên trong khu rừng rậm hành chính thủ tục giấy tờ. Tôi định vào Afghanistan bằng cách đến Tajikistan, quốc gia giáp giới với nước này. Nhưng các mâu thuẫn quốc gia đã khiến cho nước lân cận cắt đứt đường xe lửa duy nhất nối Dushanbe-thủ đô của Tajikistan ra với thế giới bên ngoài.

Khi các quan Tây kiếm thêm

Kết quả là tất cả hành khách Moskva - Dushanbe phải chen nhau đi máy bay. Mà vé bay trong năm 2001 đã bán hết. Giá vé bán trao tay cao hơn giá thực từ 2 đến 3 lần.

Tôi tìm gặp ông đại diện trưởng của hãng hàng không Tajikistan Airlines. Ông ta mách nước: Phải mua vé giá cao (mà chính ông cũng có bán). Nghe cái giá của ông ta mà tôi rụng rời: Người nước ngoài đã phải mua giá gấp đôi, ông ta lại nhân đôi lên nữa. Mà tôi thì cũng chưa có thị thực đi Tajikistan.

Tôi trở về Moskva, lục lọi tất cả những mối quan hệ nào có thể sử dụng. Chồng của một cô bạn cùng lớp hồi đại học chỉ cho tôi ba phương án, trong đó phương án quá cảnh Samara (Nga) có vẻ đơn giản hơn cả.

Sau khi anh ta gọi điện hỏi được chắc chắn ở sân bay Samara có nhân viên lãnh sự Tajikistan, tôi khoác balô lên tàu. Sáng hôm sau, tôi đã có mặt ở Samara.

Thế nhưng, khi tìm được nhân viên lãnh sự Tajikistan cũng là lúc anh ta đang bị một nhóm ba phóng viên người Bulgaria mới vừa từ Dushanbe về bao vây chửi rủa.

Té ra anh chàng lãnh sự này khẳng định với họ rằng đã có thị thực vào Nga thì cứ thế mà vào Tajikistan, bởi hai nước này được qua lại với nhau miễn thị thực. Không ngờ khi tới Dushanbe, họ bị biên phòng bắt lại, giam cho một ngày rồi đóng dấu trục xuất trở lại Nga.

Nhân viên lãnh sự rất bối rối. Tôi hỏi xem anh ta có thể cấp thị thực được cho tôi không. Không! Tôi hất balô lên vai, nhảy chuyến tàu đầu tiên về lại Moskva.

Tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện quay trở về Việt Nam. Hết cách rồi.

[KỲ 4] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: 1.001 mánh lới vượt bế tắc - Ảnh 1.

Xe tăng mới chờ đổ dầu để ra chiến trường. Ảnh tác giả Nguyễn Sơn cung cấp

Ánh sáng cuối đường hầm

Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách đi Uzbekistan rồi vào Afghanistan. Ồ không, không! Bên kia biên giới Uzbekistan là phần lãnh thổ do Taliban kiểm soát. Quan hệ hai bên vô cùng căng thẳng, làm sao họ cho vào chứ? Nhưng còn nước còn tát, tôi phóng thẳng đến sứ quán Việt Nam tại Moskva, xin một bức công hàm sang sứ quán Uzbekistan.

Cô nhân viên phòng lãnh sự người Uzbek nói bức công hàm này chưa đủ. Phải có một bức thư giới thiệu của bản báo bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga, một giấy xác nhận của Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam về tư cách nhà báo của tôi cùng một đống chứng từ khác.

Có đủ rồi, Lãnh sự sẽ xem xét cấp thị thực trong thời hạn 10 ngày làm việc (tức là 2 tuần). Trời đất ơi!

Tôi thanh minh rằng không hề có ý định hoạt động báo chí trên đất nước cô mà chỉ mượn đường quá cảnh thôi. Cô nàng chộp ngay lấy điều đó, dí quyển hiến pháp Uzbekistan vào mặt tôi, dõng dạc tuyên bố rằng "nước cô là một nước có chủ quyền", và nhân viên ngoại giao Uzbek không làm những trò mà một số người Tajik thường làm (!).

Có lẽ nhà ngoại giao Uzbek trẻ tuổi không hình dung nổi cô ta đã "bật mí" cho tôi một điều quan trọng như thế nào!

Vội vã chào cô, tôi phóng thẳng sang sứ quán Tajikistan và 30 phút sau, tấm thị thực du lịch ngắn hạn vào Tajikistan đã được dán trang trọng trong cuốn hộ chiếu của tôi.

Để thêm phần chắc ăn, tôi còn vòng qua sứ quán Afghanistan xin nhà ngoại giao đã tiếp tôi một bức thư giới thiệu xuống sứ quán nước ông tại Dushanbe.

Ông ta vui vẻ nhận lời, nói rằng sẽ gọi điện trực tiếp xuống cho người cháu của mình và cho tôi số điện thoại của người cháu đó. Có bảo bối trong tay, tôi tự thưởng cho mình một bữa tối tại nhà hàng ăn nhanh McDonald’s trước khi về ngủ để chuẩn bị sáng hôm sau ra sân bay Demodedovo.

[KỲ 4] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: 1.001 mánh lới vượt bế tắc - Ảnh 2.

Chiến binh 12 tuổi trong công sự của LMPB. Ảnh tác giả Nguyễn Sơn cung cấp

Chuyến bay "bị đặt bom"

Chuyến bay lẽ ra khởi hành lúc 14 giờ nhưng mãi 15 giờ 20 mới cất cánh nổi. Một kẻ nào đó đã gọi điện thông báo trong một kiện hành lý gửi theo máy bay có bom.

Có lẽ chuyện "bom điện thoại" như vậy xảy ra quá nhiều, nên an ninh sân bay thậm chí không thèm di tản hành khách, mà chỉ thông báo hành khách nào có hành lý mang số XX157 ra nhận lại hành lý của mình, nếu không máy bay sẽ không thể cất cánh. Cuối cùng thì người khách đó cũng ra nhận và ngay lập tức được dẫn vào bên trong.

Lính biên phòng Tajikistan đón chúng tôi ngay tại chân cầu thang máy bay. Những ai có hộ chiếu Nga hoặc Tajikistan đều được vào ngay, còn những người khác bị chặn lại rồi dẫn đi kiểm tra.

Chúng tôi có 6 người: tôi, một cô phóng viên Newsweek, ba phóng viên Stern (Đức) và một phóng viên ITAR-TASS (tuy không phải qua biên phòng, nhưng tình nguyện đi theo nhóm phóng viên nước ngoài vì thích cô phóng viên người Đức).

Khác với thái độ rất nghiêm khắc ở chân cầu thang máy bay, thủ tục biên phòng và hải quan vô cùng bệ rạc và dễ dàng.

Tuy nhiên, khi nhận lại hộ chiếu và tờ khai hải quan, cô phóng viên Stern phát hiện ra rằng trên tờ khai không có dấu má gì hết: "Sao anh lại không đóng dấu?" Viên hải quan bảo: "Không sao, cứ vào đi".

Cô người Đức không chịu: "Nhưng lấy gì đảm bảo rằng khi chúng tôi ra, các anh không đánh thuế những đồ nghề mà chúng tôi mang vào?". "Mà toàn những đồ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cả" – tôi phụ hoạ.

Viên hải quan gãi đầu: "Nhưng con dấu ở đâu ấy, tìm mãi không thấy". "Thế thì chúng tôi không thể vào nước anh được" – cô Newsweek kiên quyết.

"Tùy các vị" – viên hải quan đánh bài cùn.

Tôi và cô Newsweek nhìn nhau cười, còn nhóm Stern thì phẫn nộ thực sự: "Không thể như thế được. Thật là tắc trách". Viên hải quan rút lẹ.

Độ nửa tiếng sau thì có một cậu bé Tajik mang con dấu tới, đóng vào tờ khai hải quan cho từng người. Tôi hỏi: "Em mấy tuổi rồi mà đã làm hải quan?". Cậu ta bảo: "Em không làm hải quan. Em chỉ giúp anh của em thôi". Cả bọn chúng tôi phá ra cười.

Những dịch vụ ăn theo chiến tranh

Khách sạn Tajikistan có hơn 400 phòng. Trước khi Mỹ đánh Afghanistan, giá mỗi phòng hạng bét chỉ có 20 USD một ngày đêm. Nếu chịu khó mặc cả, có thể chỉ phải trả 10 - 15 USD để ngủ từ tối hôm trước đến sáng sớm hôm sau (không lấy vé ăn sáng).

Tuy nhiên, từ khi chiến sự bùng nổ, giới báo chí thi nhau đến Tajikistan.

Giám đốc khách sạn cho trải thảm tất cả các hành lang và trang hoàng lại các phòng hạng bét, biến chúng thành phòng mini-lux rồi nâng giá lên gấp đôi.

[KỲ 4] Ký sự Syria và phóng viên chiến trường: 1.001 mánh lới vượt bế tắc - Ảnh 3.

Nhà báo Nguyễn Sơn

Khi tôi đến, tất cả các phòng mini-lux đã kín chỗ. May sao dư được một phòng lux để qua đêm đầu tiên tại Dushanbe. Nằm ngủ mà ruột xót như xát muối.

Sáng ra, việc đầu tiên của tôi là xếp hàng đăng ký một phòng mini-lux. May sao đến buổi chiều có một nhà báo Iran về nước. Thế là tôi được chuyển ba lô sang cái phòng rẻ hơn đó.

Trước cổng khách sạn là vô số tài xế và phiên dịch. Thuê xe – 40 đến 150 USD/ngày. Phiên dịch – 30 đến 100 USD/ngày.

Trả tiền "tàn bạo" nhất là đám nhà báo Nhật: đơn vị của họ là đồng 100 USD.

Tiết kiệm nhất là cánh nhà báo Đức, Đông Âu và dĩ nhiên là tôi. Chúng tôi có thể cò cưa cả chục phút đồng hồ để thêm bớt 5 USD. Điều đó khiến cho các tài xế phục vụ chúng tôi không khỏi tị nạnh với những đồng nghiệp được phục vụ các nhà báo hào phóng hơn.

Ở các quầy bar trong khách sạn, số gái mại dâm còn đông hơn số nhà báo. Giá một đêm từ 20 đến 100 USD. Tất cả các cô đều có cặp mắt rất to, ánh mắt hút hồn và trang điểm na ná như nhau, chứng tỏ các cô có chung một tú ông (hay tú bà) và có thể còn dùng chung một bộ đồ trang điểm nữa.

Trước khi đi vào vùng khói lửa, những kẻ chinh phu xa nhà thật khó kìm lòng trước những đôi mắt như vậy.

(Còn nữa)

Kỳ 5: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Cuộc "diễn kịch chiến sự ác liệt" trước mắt nhà báo Việt

Kỳ 6: "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Khoảnh khắc run sợ của nhà báo Việt

Kỳ 7 - CUỐI CÙNG:  "Ký sự Syria" và phóng viên chiến trường: Nhà báo Việt thoát chết vì thiếu tiền

*Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại