Kỳ 2: Xâm nhập Liên bang Xô viết

Yên Ba |

F.Powers đeo bên hông một khẩu súng ngắn hãm thanh nòng 22mm bán tự động. Ngay trước khi anh đội chiếc mũ phi công vào đầu và cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, Đại tá William Shelton, chỉ huy đơn vị “10-10”, đến chỗ F.Powers và hỏi liệu anh có muốn mang theo “kim” không?

Từ giấc mơ của cậu bé 14 tuổi đến hợp đồng với CIA

Francis G.Powers sinh ngày 17-8-1929, tại một khu nhà dành cho những người thợ mỏ ở Camden, trên biên giới tiểu bang Kentucky. Là con thứ hai nhưng F.Powers là con trai duy nhất trong gia đình ông bà Oliver và Ida Ford F.Powers, còn lại là 5 chị em gái.

Kỳ 2: Xâm nhập Liên bang Xô viết - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Eisenhower, người đồng ý cho thực hiện phi vụ do thám của chiếc U-2 bị phía Liên Xô bắn rơi

Giấc mơ được bay đến với F.Powers năm cậu 14 tuổi, trong một chuyến đi của gia đình ngang thành phố Princeton ở bang Tây Virginia. Cậu xin bố Oliver cho bay thử trên một chiếc máy bay mô hình hai chỗ ngồi cùng với một nữ phi công.

F.Powers rất ấn tượng với trải nghiệm đầu tiên trên máy bay đó. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng, F.Powers kiếm được việc tạm thời, làm nhân viên cứu hộ mặt nước tại Câu lạc bộ Kiwanis ở Jenkins. Tháng 10-1950, F.Powers quyết định đăng ký gia nhập không quân, công việc mà anh vẫn mơ ước từ thuở niên thiếu.

Thoạt đầu, F.Powers được đào tạo thành nhân viên chụp ảnh cho không quân, phục vụ một thời gian ngắn ở căn cứ Westover, bang Massachusetts, rồi sau đó được cử đi đào tạo phi công tại căn cứ không quân Greenville, bang Mississippi.

Tháng 12-1952, F.Powers tốt nghiệp khóa đào tạo phi công cơ bản và được cử đi học các lớp đào tạo nâng cao cho phi công tiêm kích, lần lượt ở các căn cứ không quân Williams, bang Arizona và Luke tại Phoenix.

Sau khi thực hiện một vài phi vụ không chiến trong chiến tranh Triều Tiên, cuối năm 1953, F.Powers được điều về căn cứ không quân Turne tại Albany, bang Georgia.

F.Powers phục vụ tại đây trong gần ba năm cho đến khi hết thời hạn phục vụ trong quân đội. CIA có lẽ ấn tượng với thành tích bay và khả năng đã được đào tạo như một nhân viên chụp không ảnh của F.Powers, đã tiếp xúc với viên phi công.

Một đề nghị được đưa ra: F.Powers, thay vì khoản tiền lương phi công quân sự 700USD/tháng, sẽ ký hợp đồng bay cho hãng Lockheed, khi ấy là bình phong cho CIA, với khoản tiền lương 2.500USD/tháng. Một đề nghị quá hấp dẫn, không thể chối từ!

Vậy là tháng 4-1956, F.Powers ký hợp đồng hai năm một với CIA và đến tháng 5-1958, tiếp tục một hợp đồng hai năm nữa. Vào tháng 1-1960, bốn tháng trước khi bay vào lãnh thổ Liên Xô, với sự do dự rõ rệt bởi cảm nhận thấy những mối nguy hiểm của nhiệm vụ, F.Powers gia hạn thêm hợp đồng một lần nữa.

Bí mật trong chiếc kim rỗng

Chỉ vài ngày sau khi F.Powers ký hợp đồng làm việc cho CIA vào tháng 4-1956, anh được đưa đi tham dự lớp huấn luyện đặc biệt lái máy bay U-2 trong biên chế Phi đội Quan sát khí tượng thứ nhất, mật danh đơn vị do thám của CIA tại bang Nevada. Trong thời gian này, anh được giữ lại nguyên họ Francis Gary, nhưng lấy tên giả là Palmer.

Kỳ 2: Xâm nhập Liên bang Xô viết - Ảnh 2.

Căn cứ không quân Adana ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đơn vị do thám "10-10" của CIA đóng quân. Ảnh tư liệu

Đến ngày 17-8-1956, đúng vào sinh nhật thứ 27, F.Powers được điều đến "10-10", một đơn vị tuyệt mật của CIA tại Adana, nằm ở cực Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyến bay ngày 1-5-1960 của F.Powers là để phục vụ Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA.

F.Powers được đánh thức vào lúc 3 giờ sáng. F.Powers ăn bữa sáng gồm trứng, thịt lợn muối xông khói với bánh mì nướng.

Sau đó, F.Powers bắt đầu khởi động hệ thống dưỡng khí để thở nhằm loại bỏ nitơ trong máu và nhận kế hoạch bay. Đó là lúc 4 giờ 30 phút sáng và lần đầu tiên F.Powers biết rằng mình sẽ phải bay xuyên qua lãnh thổ Liên bang Xô viết từ cực Nam lên phía Bắc, hạ cánh xuống một sân bay ở Na Uy.

F.Powers đeo bên hông một khẩu súng ngắn hãm thanh nòng 22mm bán tự động. Ngay trước khi anh đội chiếc mũ phi công vào đầu và cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, Đại tá William Shelton, chỉ huy đơn vị "10-10", đến chỗ F.Powers và hỏi liệu anh có muốn mang theo "kim" không?

Đấy là chiếc kim rỗng, bên trong chứa một cái kim khác tẩm thuốc độc, là kết quả của chương trình bí mật trị giá 3 triệu USD do CIA nghiên cứu chế tạo, chiết xuất chất kịch độc từ một loại cây trong những cánh rừng già Nam Mỹ mà người da đỏ vẫn sử dụng để bôi vào đầu các mũi tên của họ.

Chiếc kim được khéo léo giấu trong một đồng tiền xu 1 dollar, trang trí như một món đồ lưu niệm vô hại gắn vào dây đeo chìa khóa. Chỉ cần vặn nhẹ một cái là có thể dễ dàng để lộ đầu kim ra và nếu chích vào bất cứ một nơi nào trên cơ thể sẽ khiến chủ nhân tử vong gần như ngay lập tức.

F.Powers nói: "Ok", nhận đồng xu rồi để nó vào trong túi ngoài trên bộ đồ bay của mình.

Kỳ 2: Xâm nhập Liên bang Xô viết - Ảnh 3.

Richard Bissell, quan chức CIA phụ trách chương trình do thám bằng máy bay U-2

Viên phi công nhận được lệnh dự tính cất cánh vào lúc 6 giờ sáng theo giờ địa phương nhưng tới lúc đó, lệnh mã hóa cho phép thực hiện phi vụ từ Washington vẫn chưa tới được Peshawar. Nó đang phải đi vòng vèo qua Tây Đức, Thổ Nhĩ Kỳ rồi tới 6 giờ 20 phút sáng mới đến được Peshawar.

Trong cuốn nhật ký bay, F.Powers ghi rõ: Ngày 1-5-1960. Phi vụ số 4154. Cất cánh lúc 1 giờ 26 phút giờ GMT (6 giờ 26 phút theo giờ địa phương), trễ khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.

Trên hai tấm bản đồ bay đều bằng vải của F.Powers có một đường màu đỏ và xanh chỉ rõ đường bay dài 3.788 dặm từ Peshawar, Pakistan, tới Bodo, Na Uy của chiếc U-2.

Trên suốt đường bay này, F.Powers sẽ có 2.919 dặm bay trên không phận Liên bang Xô viết, ngang qua Stalinabad, Aransk, Cheliabinsk, Sverdlovsk, Kirov, Arkhangelsk và Murmansk. F.Powers được chỉ thị phải bay ở độ cao 70 nghìn bộ, tương đương 23 cây số, gần với rìa khí quyển, nơi ban ngày trông giống như ban đêm và nhiệt độ tụt xuống hàng trăm độ dưới 0 độ C.

Xung quanh và bên dưới ghế ngồi của F.Powers lắp đầy thiết bị máy móc do thám hiện đại, máy ảnh, ghi âm, điện đài, ra-đa. Phía trước mặt F.Powers có một nút bấm với hàng chữ: "Kích nổ". 

Nút bấm này nối với một bộ phận đặc biệt được lắp đặt bên rìa buồng lái, một khối chất nổ hiệu 175-10A. Đây là loại chất nổ cyclonyt cực mạnh; chỉ cần khoảng một cân rưỡi loại chất nổ này cũng đủ thổi bay 4 chiếc xe tải. Nếu được kích nổ, nó sẽ phá hủy hoàn toàn chiếc máy bay U-2 cùng với toàn bộ những gì có bên trong nó.

Thiên sứ lên trời

Khi đã ngồi vào trong buồng lái, vật cuối cùng mà F.Powers nhận được từ Đại tá William Shelton, chỉ huy của mình, trước khi cho máy bay cất cánh là một miếng vải hình vuông, màu đen. Anh ta sẽ phải trao nó-như mật hiệu nhận biết-cho những người ra đón khi hạ cánh xuống sân bay ở điểm cuối của hành trình.

Kỳ 2: Xâm nhập Liên bang Xô viết - Ảnh 4.

Ảnh một sân bay Liên Xô do máy bay U-2 chụp được trong một phi vụ do thám

F.Powers điều khiển chiếc U-2 từ từ lăn ra đường băng.Với sải cánh mỗi bên dài 80 bộ, trông chiếc U-2 khá kỳ dị do tổng chiều dài hai cánh gần gấp đôi chiều dài thân của nó. Các nhân viên CIA thường gọi đùa "con quái vật trên không trung" này là Thiên sứ.

Qua hệ thống vô tuyến điện, F.Powers giới thiệu mật danh của mình, Puppy 68, rồi thông báo cho đài chỉ huy biết anh sẽ cất cánh, hướng tới mục tiêu.

Trong vòng 8 tiếng đồng hồ sau đó, anh sẽ không được liên lạc qua radio để tránh khả năng bị người Xô viết dò sóng phát hiện. Chiếc U-2 lướt qua con sông Kabul, đèo Khyber, ngang qua biên giới Afghanistan rồi hướng về phía lãnh thổ Liên bang Xô viết ở cách hàng trăm dặm phía trước mặt.

Khi vượt qua biên giới tiến vào không phận Liên bang Xô viết, chiếc U-2 do F.Powers điều khiển sẽ phải đạt tới độ cao trên 60 nghìn bộ, tương đương gần 20 cây số. Chiếc U-2 được trang bị một hệ thống nhiễu đánh lừa ra-đa đối phương và khi bay qua không phận Afghanistan, cách thủ đô Kabul khoảng 190 dặm về phía bắc, F.Powers bắt đầu bật hệ thống nhiễu lên.

Chiếc U-2 hướng thẳng về phía Tyura Tam, địa điểm phóng các tàu vũ trụ của Liên Xô, cách biển Aral khoảng 80 dặm về phía đông. Tyura Tam và Kapustin Yar, một địa điểm thử nghiệm khác nằm ở phía nam Stalingrad, là hai căn cứ tên lửa liên lục địa duy nhất mà đến lúc ấy CIA có thể định vị được trên lãnh thổ Liên Xô.

Mục tiêu ưu tiên trong chuyến bay của F.Powers là phải chụp ảnh được các cấu trúc đáng ngờ đó trước khi phía Xô viết có thể kịp ngụy trang che dấu dưới các đám mây dày trong những tháng mùa hè ở phía bắc lãnh thổ Liên Xô.

F.Powers kiểm tra lại các thiết bị điện tử trên chiếc U-2. Nó được trang bị một số lượng lớn các máy chụp ảnh cực hiện đại Hycon B, ống kính 944,7mm, chĩa ra ngoài qua 7 cái lỗ ở dưới bụng máy bay. Chúng có khả năng chụp hơn 8.000 bức ảnh trên một hành lang rộng 125 dặm, dài 2.174 dặm trên lãnh thổ Liên bang Xô viết.

Chiếc máy bay cũng được lắp đặt ba máy ghi âm cực nhạy. Các máy ghi âm này sẽ ghi lại tất cả mọi tín hiệu âm thanh phát ra từ các trạm vô tuyến hay ra-đa trên đường bay của chiếc U-2, tổng hợp lại thành một biểu đồ âm thanh và gửi về Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Hoa Kỳ.

Vào lúc 7 giờ 36 phút sáng 1-5, chiếc U-2 với F.Powers cầm lái vượt qua biên giới tiến vào lãnh thổ Liên Xô. Anh không hề biết rằng mình sắp trở thành một trong những điệp viên trên không nổi tiếng nhất trong cuộc chiến điệp báo dai dẳng giữa Mỹ và Liên Xô suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 1-5, theo giờ Moscow, máy bay của F.Powers đã bay tới gần Chelyabinsk, cách Sverdlovck khoảng 125 dặm về phía Nam. Anh ta cần phải bay theo đúng chỉ dẫn, ngang qua địa điểm màu đỏ trên bản đồ, phía trên vùng trời thành phố Sverdlovck.

(Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại