Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.
Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống của nhân loại để cà phê trở thành "Cà Phê Triết Đạo".
Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!
Người Nhật đã làm được!
Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!
Hệ thống giao tiếp và biểu đạt sự hướng kính thần linh
Khởi sinh từ vùng đất Ethiopia vào thế kỷ thứ 9, đến thế kỷ 15, cà phê đã phổ biến rộng khắp thế giới Hồi giáo. Giai đoạn đầu của lịch sử cà phê, loại thức uống mang lại sự tỉnh táo, kích thích sáng tạo được xem là một thức uống thần thánh. Cà phê, nghi lễ cà phê, bã cà phê cùng với thi ca, lời cầu nguyện… trở thành một hệ thống giao tiếp, kết nối giữa cộng đồng giáo dân với thần linh. Trong các buổi thực hành tôn giáo, cà phê giúp tăng kết nối về mặt tinh thần, biểu đạt sự thành kính, cũng như mong muốn được che chở và ban phước lành của giáo dân.
Người Oromo – sắc tộc chiếm hơn một phần ba dân số Ethiopia, tin rằng cây cà phê đầu tiên nảy mầm từ những giọt nước mắt của Waaqa (Thần Trời). Do đó, cà phê là một phần cốt lõi trong mọi thực hành tôn giáo liên quan đến vòng đời của một người Oromo từ lúc được sinh ra, đặt tên, trưởng thành, kết hôn và chết đi. Ba lần một ngày – sáng, trưa và tối, người Oromo thực hiện nghi lễ dâng kính bình cà phê và nguyện cầu Waaqa che chở, ban phúc lành:"Bình cà phê ban tặng hòa bình, bình cà phê cho lũ trẻ trưởng thành, cho chúng con thịnh vượng. Xin che chở chúng con trước loài quỷ dữ, cho chúng con mưa và thảo mộc". Với người Harar – trung tâm văn hóa, thương mại quan trọng của Ethiopia, nghi thức cà phê thực hiện với niềm tin sẽ được thượng đế phù hộ cho một đời sống mới với nhiều ý tưởng sáng tạo mới.
Với niềm tin vào thượng đế cùng công năng của cà phê, việc thưởng thức cà phê đã trở thành một nghi thức truyền thống, một nghi lễ tâm linh mang ước vọng thịnh vượng, hòa bình trong nền văn hóa Ethiopia và các quốc gia Ả Rập.
Giữa thế kỷ 13, cà phê phổ biến khắp thế giới Hồi giáo, giúp các giáo dân tỉnh táo, tràn đầy năng lượng và hỗ trợ kết nối tâm linh với các vị thần thánh trong những đêm thực hành nghi lễ Dhikr. Họ gọi trạng thái đó là "marqaha" - một từ tiếng Ả Rập có nghĩa là "hạnh phúc ngộ đạo". Các nghi lễ cà phê được thực hiện nhằm thể hiện lòng sùng kính Thượng đế, nguyện được ban phước lành, được gần hơn với cõi thiên đàng. Cộng đồng Hồi giáo Sufism tin rằng uống cà phê và cầu nguyện với lòng sùng kính sẽ dẫn đến trải nghiệm "Qahwat al-Sufiyya", nghĩa là "niềm vui khi nhìn thấy các bí ẩn và nhận được những mặc khải vĩ đại". Khi hoàn thành trạng thái tinh thần đó, con người trở lại sự tồn tại của mình và hoàn thành những sứ mệnh được giao phó.
Nhiều tôn giáo khác như Regla Lucumí, New Orleans Voodoo, Haitian Vodou… cũng xem cà phê là lễ vật thiêng liêng đối với các vị thần của họ. Họ thường sử dụng cà phê như một lễ vật dâng lên tổ tiên và các vị thần vào buổi sáng, với mong ước mọi thứ có thể bắt đầu thuận lợi. Bã cà phê cũng được thêm vào nến hoặc nước, ngụ ý mang lại cơ hội và sự biến chuyển, vươn lên nhanh chóng.
Trong chuyên luận Coffee as a Social Drug của chuyên gia hàng đầu về lịch sử cà phê – Giáo sư Steven Topik đã viết "mục đích ban đầu của việc uống cà phê là để vượt qua thế giới vật chất và tìm thấy sự bình yên". Cà phê đã khởi nguyên như một thức uống rồi nhanh chóng trở thành một phương thức giao tiếp của con người với việc kiếm tìm "bản thể thần linh", và những tín ngưỡng đi kèm với cà phê chính là cách để con người biểu lộ những điều hằng ngưỡng vọng, tin tưởng.
Phương tiện kết nối và phát triển ngôn ngữ xã hội
Trong lịch sử phát triển hơn 12 thế kỷ, tuy không phải là phương tiện giao tiếp cơ bản được sử dụng trong mọi xã hội như ngôn ngữ hay hành vi (phi ngôn ngữ), nhưng cà phê và hàng quán cà phê đã thực hiện một số chức năng như ngôn ngữ. Không chỉ giúp kết nối xã hội, thúc đẩy giao tiếp giữa người với người, cà phê và hàng quán cà phê đã trở thành phương tiện tư duy, thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, từ đó sản sinh ra nhiều từ vựng mới, thuật ngữ mới, khái niệm mới.
Thế kỷ 16, trong xã hội Ottoman, cà phê đã là thức uống thiết yếu và hàng quán cà phê là nơi trò chuyện, trao đổi kiến thức của mọi tầng lớp, tôn giáo, ngành nghề. Đến với châu Âu vào thế kỷ 17, cà phê là nguồn năng lượng thức tỉnh, sáng tạo, gắn liền với phần lớn giới tri thức. Hàng quán cà phê trên khắp châu Âu hoạt động như những không gian văn hóa, không gian học thuật và không gian cộng đồng kết nối xã hội. Từ những người bình thường trong xã hội, đến các triết gia, văn hào, nghệ sỹ, chính trị gia, thương nhân… đều gặp gỡ, kết nối với nhau tại quán cà phê. Bên tách cà phê, trong không gian tự do, cởi mở của hàng quán cà phê, họ cùng trò chuyện, tự do chia sẻ quan điểm cá nhân, mang đến nhiều luồng tư tưởng mới, phổ biến kiến thức đến toàn xã hội.
Lần đầu tiên xuất hiện tại Ethiopia, xung quanh cà phê đã bắt đầu hình thành một số từ vựng, khái niệm miêu tả về hình thái, mùi vị và các hoạt động trong nghi lễ cà phê. Khi phát triển mạnh mẽ tại đế chế Ottoman và thiết lập nền văn hóa, văn minh cà phê riêng, một hệ thống thuật ngữ chuyên biệt về cà phê tiếp tục được hình thành, đặc biệt là nhóm thuật ngữ về công cụ dụng cụ, cách pha chế và thưởng lãm cà phê Ottoman.
Theo tiến trình du nhập vào châu Âu, với công năng thức tỉnh góp phần vào sự bùng nổ thời đại Khai Sáng và sự phát triển các cuộc cách mạng công nghiệp, cà phê chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Trong tinh thần hiển dương sự sáng tạo, hướng đến mục tiêu khám phá và tạo ra lối sống mới, cùng sự nhìn nhận những giá trị đặc biệt của cà phê, con người đã không ngừng nghiên cứu về cà phê.
Không đơn thuần là thức uống hay mặt hàng cạnh tranh thương mại, cà phê được nhìn nhận là một "tiểu văn hóa - subculture" có tiểu sử gốc gác, có diễn ngôn và triết lý riêng. Tại các quốc gia có văn hóa cà phê đặc trưng như Ý, Pháp, Anh… cà phê trở thành một lĩnh vực thu hút các chuyên gia nghiên cứu. Theo đó, hàng loạt những khái niệm mới, từ ngữ mới, thuật ngữ chuyên ngành về cà phê được ra đời, từ giống cà phê, kỹ thuật canh tác, quá trình sàng lọc nguyên liệu, sơ chế, công nghệ chế biến, công cụ dụng cụ, kỹ thuật pha chế, đến sản phẩm, thức uống cà phê, phong cách thưởng lãm và quy tắc phục vụ…, tạo nên một "từ điển cà phê" riêng.
Không chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn ngôn ngữ của nhân loại, những khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ mới này đã tạo nên những nét văn hóa đặc trưng của nhiều quốc gia, dân tộc. Theo đó, các khái niệm ấm Moka, cà phê Espresso, Cappuccino, Mocha, Latte… hay bộ quy tắc phục vụ và thưởng thức cà phê Galateo del Caffè… đã định hình văn hóa cà phê nước Ý gắn liền với những tiêu chuẩn và ứng dụng cao về kỹ thuật. Trong khi đó, La Débelloire - hệ thống thẩm thấu cà phê đầu tiên, French Press - dụng cụ pha cà phê kiểu Pháp, Café filtré - cà phê túi lọc... mang dấu ấn văn hóa thưởng thức cà phê tinh tế của Pháp. Khái niệm "Instant Coffee" – cà phê hòa tan, hay "Coffee break" - nghỉ giải lao cà phê, mang màu sắc của nền văn hóa cà phê Mỹ năng động, hiện đại.
Song song với sự phát triển về nhu cầu giao lưu, kết nối và khẳng định bản thân, một đường hướng mới trong thưởng lãm cà phê được khởi sinh, dẫn đến sự ra đời của nhiều khái niệm mới. Gourmet Coffee là cà phê dành cho người sành thưởng thức, am hiểu về thể loại, xuất xứ, cách rang và pha chế đặc thù. Café - cocktail kết hợp giữa các loại cà phê với thức uống có cồn, để tăng thêm sự rộn ràng cho cuộc sống. Instant Coffee dành cho cuộc sống năng động, thúc đẩy tạo ra nhiều giá trị xã hội. Capsule coffee mở hướng về cuộc sống sung túc, thượng lưu... Bên cạnh đó, nhiều loại hình không gian cà phê xuất hiện với những tên gọi mới. Điển hình như Readings Coffee, nơi giới trí thức tinh hoa, chuyên gia học thuật trình diễn tác phẩm hoặc ý tưởng mới; Street Alternative Coffee tạo ra sân chơi văn nghệ cho những người trẻ; Coffee Party Movement quy tụ những thường dân mong muốn kiến nghị các vấn đề thời cuộc; Café Design chú trọng trưng bày tác phẩm nghệ thuật từ điêu khắc, hội họa đến nhiếp ảnh và kiến trúc; Café philosophique đưa triết học xuống đường phố để giúp con người thấu suốt trên đường tìm kiếm ý nghĩa của sự sống.
Trong cuốn sách "Lược sử ngôn ngữ: Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người" của nhà ngôn ngữ học Daniel Leonard Everett đã đưa ra lý giải về sự tiến hóa của ngôn ngữ. Đây là một trong những cuốn sách quý thuộc "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời" do Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn. Theo đó, mỗi ngôn ngữ đều phản ánh lịch sử, môi trường và nhu cầu giao tiếp của cộng đồng sử dụng nó. Ngôn ngữ không chỉ là một công cụ để truyền đạt thông tin, mà còn là phương tiện tư duy để con người thể hiện bản thân, tạo ra những ý tưởng mới và xây dựng văn hóa. Đặc biệt, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi theo thời gian dưới tác động của xã hội, khiến nhiều từ ngữ mới ra đời, giúp ngôn ngữ phát triển liên tục để phục vụ nhu cầu của con người.
Từ những hạt cà phê đầu tiên vô tình được tìm thấy và được sử dụng bằng cách rang, giã nhỏ, đun sôi của người Ethiopia, trải qua quá trình giao thoa văn hóa, sự phát triển không ngừng của thời đại cùng tinh thần sáng tạo của con người, cà phê đã nhanh chóng trở thành một phương thức giao tiếp, kết nối của con người, lan tỏa bản sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc. Giá trị của cà phê đã không ngừng thay đổi, phát triển phù hợp với các khao khát mới của xã hội, phục vụ cho đời sống con người và đóng góp vào sự tiến bộ của văn minh nhân loại với hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng.
Thân mời bạn đọc đón xem loạt video Cà Phê Triết Đạo đã được đăng tải trên kênh https://bit.ly/caphetrietdao
Đón đọc kỳ sau: Hàng quán cà phê và trường phái ngôn ngữ học Praha