Hòn đảo Papua New Guinea nổi tiếng với hàng trăm nhóm bản địa bị các nền văn minh bên ngoài tác động đến hàng nghìn năm. Ẩn mình giữa những khu rừng rậm bao phủ những ngọn núi của đất nước, những nhóm người này đã phát triển một loạt các nền văn hóa và tập quán đặc biệt.
Mãi đến thế kỷ 16, các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha mới lần đầu tiên tiếp cận đến khu vực này. Và thậm chí sau đó, họ chỉ có liên lạc với những người sống men bờ biển. Vì vậy, nhiều nhóm bản địa vẫn là bí ẩn cho đến tận thế kỷ 20.
Hình ảnh về quần đảo Papua New Guinea
Cho đến những năm 1930, những người thăm dò vàng của Úc lần đầu tiên khám phá và tiếp xúc với một bộ tộc có tên Fore, sống ở vùng cao nguyên phía đông của hòn đảo Papua New Guinea .
Người Fore đã sống độc lập trong nhiều năm, phát triển một nền văn hóa riêng biệt mà ngay cả những tộc người khác sống trên đảo cũng không biết đến họ.
Điển hình trong số đó chính là việc ăn thịt người khi họ mới qua đời. Mặc dù mỗi bộ tộc đều có những truyền thống và nghi lễ khác nhau, nhưng người Fore tin chắc rằng đó là một nghi thức danh dự thiêng liêng.
Hình ảnh những tộc người bản địa sống tại hòn đảo Papua New Guinea
Vì vậy, mỗi khi một người thân qua đời, xác của họ được nấu chín và ăn thịt bởi những người thân yêu của họ. Người Fore cho rằng nghi lễ này sẽ thuần hóa linh hồn của xác chết, và tôn vinh những người đã khuất.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu cho một căn bệnh khủng khiếp mang tên Chứng Kuru.
Đầu thế kỷ 20, các thành viên trong bộ lạc bắt đầu có những triệu chứng rối loạn thần kinh, tạo nên những tổn thương trong não và có tính truyền nhiễm. Đây là thời điểm khởi phát dịch kuru trong bộ lạc người Fore.
Hình ảnh người Fore khi mắc bệnh Kuru
Thời gian ủ bệnh từ 10-15 năm. Từ “kuru” xuất phát từ ngôn ngữ của bộ lạc Fore có nghĩa là “lắc”. Kuru còn được gọi là “nụ cười đau ốm”.
Người mắc bệnh Kuru sẽ trải qua ba giai đoạn triệu chứng. Dấu hiệu đầu tiên là cơ thể suy nhược nhanh trong thời gian ngắn, toàn thân run rẩy, nhức đầu, đau khớp, mất cân bằng không thể đứng được, khó khăn trong việc giao tiếp và kiểm soát cơ bắp. Lâu dần, người bệnh mất khả năng đi lại, run rẩy nặng.
Họ thường xuyên nghiến răng, lẩm bẩm cười nói một mình, khó chịu với tiếng nói của người xung quanh, cảm xúc không ổn định. Giai đoạn cuối cùng, các nạn nhân nằm mê man, các vết loét có mủ và hoại tử, cười không ngừng sau đó tử vong.
Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên vài người vào khoảng năm 1950. Thế nhưng tới năm 1953, bệnh bùng phát trên diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm bệnh rất lớn ở cộng đồng dân cư người Fore.
Não bộ của một người bị Kuru
Các nhà khoa học đã phải dành thời gian dài để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh lây truyền lạ lùng này. Không có bất cứ mầm bệnh nào được phát hiện trong cơ thể người bệnh, đất, nước, thức ăn hay trong không khí.
Sau đó, bác sĩ người Australia Michael Alpers khám nghiệm tử thi và lấy mô não từ bé gái 11 tuổi người Fore đã qua đời vì căn bệnh Kuru. Sau đó, ông lấy mẫu não này tiêm vào cơ thể hai con tinh tinh khác nhau.
Trong vòng 2 năm, những con tinh tinh này dần trở nên điên loạn và mất kiểm soát sau đó tử vong giống hệt triệu chứng của những người mắc căn bệnh Kuru. Điều này giúp bác sĩ Alpers đưa ra kết luận rằng, mầm bệnh được lưu giữ ngay tại não của các nạn nhân. Nhưng khi dùng kính hiển vi để quan sát mẫu não lại không thể phát hiện ra mầm bệnh nào.
Thêm vào đó, khi tham dự tang lễ của bộ tộc người Fore, nhà nhân chủng học Shirley Lindenbaun đã vô cùng sửng sốt khi thấy xác người chết được đem ra xẻ thịt cho người đến viếng thưởng thức. Những người đàn ông quyền lực trong bộ lạc sẽ được ăn thịt chân, tay, nội tạng của người chết còn phần đầu để phụ nữ và trẻ em ăn.
Hình ảnh những thổ dân trên đảo Papua New Guinea trong thời kì hiện đại
Chính vì lý do này mà phụ nữ và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ cao hơn hẳn mắc bệnh Kuru bởi não là nơi các Prion tồn tại và phát triển.
Chỉ trong vòng vài năm, hơn 1.000 người đã mắc bệnh, hóa điên rồi chết đầy bí ẩn. Điều đặc biệt lạ lùng là ở trong cùng khu dân cư nhưng bệnh chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ và trẻ em, ít thấy ở nam giới trưởng thành.
Dịch lên đến đỉnh điểm vào những năm 1950, cướp đi sinh mạng của 2% dân số bộ lạc mỗi năm. Rất nhiều nhà khoa học thời đó tin rằng với tốc độ phát triển khi đó, căn bệnh này có thể xóa sổ tộc người Fore chỉ trong vài thập niên tiếp theo
Đến cuối những năm 1950, người Fore ngưng tập tục ăn thịt đồng loại, dẫn đến sự suy thoái của bệnh kuru.
Song, vì thời gian ủ bệnh có thể lên tới nhiều năm, nên các trường hợp người Fore mắc bệnh kuru vẫn tiếp tục xuất hiện thêm nhiều thập niên nữa.